Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,5 tỷ USD là năm đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, tăng gần 30% so với năm trước. Năm 2005, Đồng Nai đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, tăng hơn năm 2004 là 600 triệu USD.
Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,5 tỷ USD là năm đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao, tăng gần 30% so với năm trước. Năm 2005, Đồng Nai đề ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, tăng hơn năm 2004 là 600 triệu USD. Tính đến cuối tháng 4-2005, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đã đạt khoảng 964 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2004 và đạt hơn 31% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Trong đó, doanh nghiệp TW đạt 15,7 triệu USD, tăng 15,8%; doanh nghiệp địa phương đạt 56,4 triệu USD, tăng 9,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 891,9 triệu USD, tăng 29,6%...
4 tháng đầu năm, Công ty Donafoods đã xuất khẩu điều, dầu điều và các sản phẩm chế biến mới đạt 10 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2004.
|
Trong những năm qua, lĩnh vực có tác động trực tiếp làm tăng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai là sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 80 -90% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn). Riêng 4 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp trong tỉnh đạt khoảng 13.198 tỷ đồng, gần bằng 33% kế hoạch năm và tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2004. Có 23/24 ngành sản xuất công nghiệp tăng cao (tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước). Điển hình là các ngành sản xuất: thực phẩm và đồ uống, thuốc lá, dệt, hóa chất, thiết bị văn phòng và máy tính, sản xuất giường, tủ, bàn ghế, chế biến gỗ... Đáng chú ý là so với cùng kỳ năm 2004, năm nay hầu hết các khu vực công nghiệp quốc doanh TW và địa phương, công nghiệp ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài đều đạt mức tăng trưởng cao về giá trị sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm đã thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp lên đến hơn 8.631 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng gần 23% so với cùng kỳ, đạt gần 34% kế hoạch năm, chiếm khoảng 80% giá trị công nghiệp trên toàn địa bàn và chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu ở Đồng Nai. Nguyên nhân mà các DN đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng giá trị công nghiệp cao là do hầu hết các DN lớn như: Tập đoàn Formosa, các công ty HuaLon, Tainan, Chingfa, Tongkook , Hwa Seung, Vedan, Taekwang, Việt vinh, Fujitsu, Mabuchi, Motor... luôn ổn định sản xuất và mở rộng thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài. Đó là chưa kể, trong những tháng đầu năm, khu vực đầu tư nước ngoài còn phát triển thêm các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic, góp phần tăng giá trị sản xuất như: Công ty Piing Heh, Chaes Choi, Cheerfield vina, Myung Sung Vina, Syndyne... Riêng các DN sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu trong nước, mặc dù gặp khó khăn do thị trường biến động, giá cả nguyên vật liệu luôn tăng cao nhưng một số DN, nhất là các công ty: Vinappro, Vikyno, Donafoods, may Đồng Tiến... đã khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần đáng kể vào mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu của địa phương.
Tuy chiếm tỉ trọng xuất khẩu không lớn nhưng trong những tháng đầu năm 2005, một số ngành hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương như gốm mỹ nghệ, hàng mộc tinh chế , đũa tre... xuất khẩu giảm hơn so với cùng kỳ năm 2004, do nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá xuất khẩu không tăng và không ít DN chưa mở được thị trường mới. Trong đó gốm mỹ nghệ đạt hơn 3,2 triệu USD, đạt 20% kế hoạch năm, bằng 86,9% so với cùng kỳ năm 2004; đũa tre đạt 192 ngàn USD, đạt 38.4% kế hoạch năm, bằng 78% và hàng mộc tinh chế đạt 3 triệu 950 ngàn USD, đạt 18% kế hoạch năm, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2004.
Qua những kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm cho thấy, tình hình xuất khẩu của các DN nhìn chung có tăng trưởng nhưng vẫn còn không ít nỗi lo vì còn nhiều mặt hàng xuất khẩu của địa phương có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước, nhất là các mặt hàng gốm mỹ nghệ, mộc tinh chế, đũa tre, tiêu đen... Riêng mặt hàng tiêu đen, 4 tháng đầu năm chỉ đạt 351 tấn trên kế hoạch cả năm là 2.000 tấn, bằng 17,6% kế hoạch năm và bằng 44% so cùng kỳ; còn mặt hàng gốm mỹ nghệ thì có tới khoảng 80% DN có mức sản xuất xấp xỉ hoặc giảm so với cùng kỳ... Đây là những con số đáng quan tâm , đòi hỏi các DN xuất khẩu, nhất là các DN tiêu thụ sản phẩm chậm, chưa chủ động được các hợp đồng xuất khẩu phải có những biện pháp tích cực hơn, nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong các tháng cuối năm thì mới có khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch xuất khẩu đề ra.
Hoa Thơm