Từ một huyện thuần nông, Long Thành đang ra sức phấn đấu đến năm 2015 sẽ trở thành huyện công nghiệp với cơ cấu kinh tế: công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Long Thành đã và đang triển khai xây dựng hàng loạt các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nằm rải đều ở các vùng dân cư trong huyện...
Từ một huyện thuần nông, Long Thành đang ra sức phấn đấu đến năm 2015 sẽ trở thành huyện công nghiệp với cơ cấu kinh tế: công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Long Thành đã và đang triển khai xây dựng hàng loạt các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nằm rải đều ở các vùng dân cư trong huyện...
* Phát triển mạnh các cụm tiểu thủ công nghiệp
Song song với việc hình thành 5 khu công nghiệp tập trung là Vedan, Gò Dầu, Tam Phước, Long Thành và An Phước, cho đến nay huyện Long Thành đã chính thức quy hoạch được 7 cụm CN-TTCN : Bình Sơn (xã Bình Sơn), Tam Phước, dốc 47 (xã Tam Phước), Long Phước 1, Long Phước 2 (xã Long Phước), An Phước (xã An Phước) và Phước Bình (xã Phước Bình) với tổng diện tích lên đến gần 700 hécta. Trong đó cụm Tam Phước đã có nhiều nhà máy đi vào hoạt động và huyện hiện đang gấp rút triển khai xây dựng cơ sở kỹ thuật cho cụm Bình Sơn và Phước Bình. Ngoài 7 cụm CN-TTCN đã được UBND tỉnh phê duyện, huyện Long Thành cũng đang có dự tính, khi có cơ hội thuận lợi sẽ phát triển thêm các cụm CN-TTCN tại Lộc An, Cẩm Đường và Bàu Cạn.
Sở dĩ huyện Long Thành chú trọng phát triển các cụm CN-TTCN là nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước có vốn vừa và nhỏ vào địa phương. Ông Lâm Văn Minh, chuyên viên kinh tế huyện Long Thành nói : "Việc xây dựng các cụm CN-TTCN chính là đòn bẩy khuyến khích các doanh nghiệp có vốn vừa và nhỏ vào đây sản xuất. Thực tế cho thấy Long Thành hiện có số lượng doanh nghiệp tư nhân (169 doanh nghiệp) nhiều hơn so với các công ty trách nhiệm hữu hạn (107 công ty), công ty cổ phần (11 công ty) và kể cả các dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài (78 dự án). Ở cụm CN-TTCN, các doanh nghiệp được thuê đất với giá rẻ hơn so với các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp khi được giới thiệu địa điểm sẽ cùng nhau xây dựng cơ sở kỹ thuật, không có việc kinh doanh hạ tầng như ở các KCN tập trung". Ông Minh còn cho biết thêm, từ nay đến năm 2007, huyện sẽ hoàn tất các thủ tục cho 7 cụm CN-TTCN đã được phê duyệt. Hiện địa phương đã tiếp nhận khá nhiều hồ sơ của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư các cụm CN-TTCN này.
* Ly nông bất ly hương
Là lãnh đạo 1 xã có cả khu công nghiệp và cụm CN-TTCN, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Tam Phước đã đưa ra những so sánh khá cụ thể về việc phát triển cụm CN-TTCN và khu công nghiệp: "Ở khu công nghiệp, các công ty tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có trình độ tối thiểu hết cấp 2. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong cụm CN-TTCN tuyển dụng cả những người lao động chỉ có trình độ cấp 1 nhưng tiền lương chi trả cho người lao động không thấp hơn so với lương công nhân ở các khu công nghiệp. Điều này sẽ góp phần giải quyết nguồn lao động dư thừa cho địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khá gắn bó với địa phương. Chẳng hạn, khi đến vận động làm các công trình xã hội như: xây đường giao thông nông thôn, nhà tình thương... thì các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia". Ông Phúc cũng cho rằng, việc phát triển các cụm CN-TTCN sẽ là điều kiện tốt cho các vùng nông thôn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.
Với nét mặt rất vui khi đứng nhìn nhiều nhà máy ở cụm CN-TTCN của xã đang hoàn thành và sắp đi vào hoạt động, bà Nguyễn Thị Nhặt, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn nói: "Có được khu CN-TTCN tại địa phương là rất mừng. Chúng tôi hy vọng khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi của xã Bình Sơn và một số xã lân cận như: Bình An, Suối Trầu. Một bộ phận hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có diện tích đất canh tác ít rồi đây sẽ không phải rời bỏ quê để đi kiếm việc làm nơi xa; điều kiện buôn bán của người dân ở Bình Sơn cũng sẽ phát triển"...
Không riêng các cụm CN-TTCN ở xã Tam Phước hay Bình Sơn mà nhiều nơi khác, trong đó có các cụm CN-TTCN như: dốc 47, Long Phước 1, Long Phước 2, Phước Bình... cũng đang và sẽ tạo công ăn việc làm, giải quyết nguồn lao động cho các địa phương lân cận. Khi các cụm CN-TTCN này đồng loạt đi vào hoạt động, chắc chắn cuộc sống nông dân, các vùng nông thôn huyện Long Thành sẽ khởi sắc...
Khắc Giới
Ảnh : Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Long Thành có điều kiện làm ăn tốt nhờ huyện có quy hoạch các cụm CN-TTCN.
Trong ảnh : Sản xuất móc câu xuất khẩu của DNTN Thanh Bình ở Long Thành.
(Ảnh : KIM LOAN)