Có thể nói, đứng trước ông "khổng lồ" Trung Quốc về ngành may gia công, các doanh nghiệp ngành may Việt Nam có lúc đã cảm thấy chao đảo, bởi Trung Quốc được miễn hạn ngạch xuất vào thị trường Mỹ và châu Âu nhờ gia nhập WTO.
Có thể nói, đứng trước ông "khổng lồ" Trung Quốc về ngành may gia công, các doanh nghiệp ngành may Việt Nam có lúc đã cảm thấy chao đảo, bởi Trung Quốc được miễn hạn ngạch xuất vào thị trường Mỹ và châu Âu nhờ gia nhập WTO. Nhưng đến thời điểm này, dạo quanh một vòng các doanh nghiệp may mặc gia công lâu đời của Đồng Nai, chúng tôi thấy không khí làm việc vẫn tất bật, khẩn trương, chuẩn bị cho những lô hàng xuất đi châu Âu và Mỹ.
* Đối mặt với cạnh tranh hay "bức tử" doanh nghiệp?
Câu trả lời dường như nằm ở vế thứ nhất. Ngay như may công nghiệp Đồng Nai là DN nhỏ, vừa được sáp nhập vào Công ty gỗ Tân Mai, chỉ có khoảng 420 công nhân nhưng hiện nay vẫn đang đảm nhận những lô hàng may theo hạn ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ và may hàng đi Nga. Giám đốc DN Nguyễn Thế Thắng "rên rỉ" : "Giá chi phí đầu vào bỗng dưng cứ lên vù vù; các đại lý hãng tàu thi nhau nâng phí hồ sơ, chia tách hàng ra khỏi container, giao nhận... Mỗi thứ lên năm, bảy "đô" thì nhà sản xuất gia công cũng thiệt hại! Vấn đề này hiện đang lam "đau đầu" đối với DN làm ngành hàng may xuất khẩu". Không chỉ có may công nghiệp Đồng Nai mà ở may Đồng Tiến, cán bộ giao nhận hàng hóa của công ty cũng chìa ra trước mặt người viết một xấp giấy thông báo từ các đại lý hãng tàu về hàng sắp cặp cảng. Nếu so với giá thông báo chủ hàng chịu các khoản phí của ngày
Sở dĩ có việc kêu ca về giá cước phí tăng này là do các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu trong tỉnh như: may Đồng Nai, may Đồng Tiến và may công nghiệp Đồng Nai đều đã chuyển mạnh sang dạng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), thay vì chỉ khư khư gia công theo mẫu mã, nguyên phụ liệu của khách hàng đem đến. May công nghiệp Đồng Nai tuy doanh số nhỏ nhưng giá trị hàng FOB cũng chiếm hơn 60%; còn may Đồng Tiến, doanh thu năm 2004 đạt 168 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng hàng may gia công chiếm 44%, hàng FOB chiếm 56%. May Đồng Nai tỷ trọng hàng FOB cũng chiếm 50% trong tổng doanh thu của năm 2004 là 190 tỷ đồng. May hàng FOB có nhiều cái lợi là DN sẽ tự mua nguyên liệu, lên hàng hoàn chỉnh và bán sản phẩm; lợi nhuận thu được sẽ cao hơn so với gia công đơn thuần, đồng thời ngành may mặc trong nước có thể sử dụng các loại vật tư của các DN bạn như: len, ren, dây kéo, vải dựng cổ... Nhưng cũng chính vì làm hàng FOB nên giá chi phí của các DN dường như phải gánh cao hơn bình thường. Bởi lẽ, nguồn nguyên phụ liệu trong nước chưa đáp ứng được bao nhiêu mà hầu như các DN phải nhập ngoại, từ vải cho đến các phụ liệu. Do mẫu mã của từng loại sản phẩm mà số nguyên vật liệu nhập về thường là hàng lẻ, không đủ container nhưng khi hàng về đến cảng thì vẫn phải chịu đủ các thứ phí như nhận nguyên lô hàng 20 feet, 40 feet; phí tách hàng phải chịu theo m3; phí hồ sơ, phí giao nhận... nên đã làm tăng giá thành, giảm lợi nhuận.
Nhưng dù sao thì việc nâng tỷ trọng hàng may theo dạng FOB lên 50/50 đã là một sự chuyển dịch đáng kể trong ngành may gia công xuất khẩu của tỉnh. Trong tình hình cạnh tranh khá quyết liệt ngay trong thị trường trong nước như hiện nay mà các DN Đồng Nai vẫn vững vàng đương đầu với cuộc cạnh tranh là một tín hiệu đáng mừng.
* Đầu tư chiều sâu - con đường dẫn đến hội nhập
Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Đồng Nai Bùi Thế Kích :
Nếu muốn có được thương hiệu nổi tiếng, trước hết phải đi từ nước mình rồi mới ra đến nước ngoài
Làm hàng FOB tỷ lệ rủi ro cao hơn rất nhiều so với hàng làm gia công thế nhưng chúng tôi đang phấn đấu đưa tỷ lệ hàng FOB đạt từ 70% trở lên và tỷ lệ DN tự lo "đầu vào" phải đạt 35%. Điều này có nghĩa là DN phải cố gắng nhiều hơn để đáp ứng các yêu cầu về quản lý, về kỹ thuật và chất lượng; Chúng tôi hiện có một đội ngũ công nhân lành nghề chiếm đến 70% số lao động hiện có của công ty. Ngoài mục tiêu tăng tỷ lệ hàng FOB, may Đồng Nai cũng sẽ hướng mạnh đến thị trường nội địa. Sắp tới, một siêu thị về sản phẩm may mặc sẽ được thực hiện ngay tại Biên Hòa để bán các sản phẩm chuyên thiết kế cho thị trường hàng nội của may Đồng Nai. Tôi nghĩ một thương hiệu mạnh trước hết phải được khách hàng nhận biết nơi cư trú; phải từ nước mình rồi mới ra khu vực, ra quốc tế. Hiện nay, tỷ trọng bán hàng nội địa đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhưng chúng tôi sẽ phải chú trọng đúng mức hơn cho thị trường ngay tại địa phương Đồng Nai - một thị trường đông dân và còn rất nhiều tiềm năng.
|
Thật ra, ngành may còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước mắt là vấn nạn thiếu lao động. Nhiều đơn vị phải ra tận miền Bắc, lên tận cao nguyên để tìm kiếm lao động. Ngoài nguồn nhân lực, vấn đề cải tiến quản lý để nâng cao năng suất cũng đã được các DN tính đến một cách rất khẩn trương. Cả may Đồng Tiến và may Đồng Nai đều tính đến con đường đầu tư thiết bị để đáp ứng cho nhu cầu cải tiến quản lý, nâng cao năng suất lao động. Một chiếc máy cắt tự động điều khiển bằng vi tính với giá khoảng 300.000 USD cũng đã được Đồng Tiến nhập về, kể cả máy trải vải tự động, máy may nhám, máy ép dán đường may... giá mỗi chiếc cũng hàng ngàn USD. Đồng Tiến xác định sẽ không mở rộng sản xuất mà chỉ tập trung đầu tư chiều sâu để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Đồng Nai Bùi Thế Kích luôn miệng than: "Khó lắm, khó lắm, ngày càng khó nhà báo ơi!". Và ông đã liệt kê những cái khó "tiêu biểu" của DN là: năng suất còn thấp nhưng chi phí cho người lao động lại tăng lên (đào tạo, chăm lo phúc lợi về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, xe đưa rước, thu nhập người lao động phải ổn định và tăng bình quân 10%/người/năm...), trong khi giá gia công có xu hướng đứng nguyên một chỗ hoặc giảm. Tuy khó là vậy nhưng năm 2004, may Đồng Nai cũng đã đầu tư khoảng 2 triệu USD nhập các thiết bị chuyên dùng điện tử và tự động của Nhật và Đức về để từng bước hiện đại hóa ngành may. Việc đầu tư này đã nâng vị thế của may Đồng Nai ngang bằng với các đơn vị tiên tiến trong ngành may của cả nước và của khu vực. Đầu tư mới cũng đã làm tăng thêm 20% năng lực sản xuất và tiết kiệm được lao động.
Hiện nay, cả may Đồng Nai và may Đồng Tiến đều đã giảm 50% thời gian lao động tăng ca như trước đây và người lao động đã được nghỉ ngày chủ nhật. Một số được đào tạo để thích nghi với thiết bị chuyên dùng tiên tiến mới nhập về. Và, tuy có những khó khăn nhất định nhưng dường như DN nào cũng đang cố gắng vượt qua chính mình bằng những giải pháp rất tích cực như: gia tăng tỷ trọng hàng FOB, đa dạng hóa mặt hàng và đa dạng hóa thị trường để không bị "cháy hàng" theo mùa vụ và tăng độ an toàn cho DN. Như vậy, bản thân ngành may mặc gia công nhìn từ may Đồng Nai, may Đồng Tiến cho thấy vẫn có một khả năng tiếp cận với những bạn hàng khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng và đa dạng về mẫu mã. Đặc biệt, không chỉ dựa vào thị trường Mỹ, các sản phẩm của những công ty này có thể xâm nhập vào nhiều thị trường khác mà không đòi hỏi hạn ngạch. Điều quan trọng là ngành may không ngồi chờ thời mà tự mình phải nâng tầm quản lý, kỹ thuật lên; biết chăm lo cho người lao động tốt hơn để đủ sức có ảnh hưởng với khách hàng và tìm kiếm được những đơn hàng ổn định, liên tục.
Kim Loan