Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ - Một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập

08:09, 08/09/2005

Nhằm cung cấp kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ, giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, mới đây, tại Nhà Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) đã phối hợp với Sở KHCN Đồng Nai tổ chức buổi Hội thảo : doanh nghiệp với quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Đồng Nai xung quanh nội dung này...

 
Kiểm tra hàng thật và hàng giả

Nhằm cung cấp kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ, giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, mới đây, tại Nhà Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) đã phối hợp với Sở KHCN Đồng Nai tổ chức buổi Hội thảo : doanh nghiệp với quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên báo Đồng Nai xung quanh nội dung này...

 

* Sở hữu trí tuệ - một công cụ đắc lực phục vụ phát triển !

 

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1992 (trước khi chính thức đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 vào năm 1995), Công ty công nghiệp TNHH TungKuang (đơn vị 100% vốn đầu tư của Đài Loan) đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đóng logo trên sản phẩm nhôm thanh nhập vào Việt Nam để làm dấu hiệu cho người tiêu dùng dễ phân biệt. Bà Trần Bích Đoàn, Giám đốc hành chính Công ty công nghiệp TNHH TungKuang cho biết, ngay từ buổi ban đầu, công ty đã có quyết định đúng đắn trong chiến lược xây dựng và quảng bá rất sớm hình ảnh thương hiệu của mình đối với người tiêu dùng Việt Nam. Chính nhờ vậy, các sản phẩm nhôm thanh mang thương hiệu TungKuang ngày càng được rất nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Hiện nay, hơn 90% sản lượng nhôm thanh do Công ty TNHH TungKuang sản xuất tại 2 nhà máy: một ở KCN Biên Hòa 2 (có công suất 550 tấn/tháng) và một ở tỉnh Hải Dương (công suất 1.000 tấn/tháng) đã được tiêu thụ tại chính thị trường Việt Nam.

Tại Đồng Nai, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt mới đây, việc Công ty cổ phần viễn thông tin học Đắc Nhân quyết định mua lại thương hiệu VINACOM (thương hiệu máy tính xách tay đầu tiên của Việt Nam) từ Công ty Cổ phần máy tính Viết Nam cũng đã minh chứng cho điều này. Ông Phạm Hoài Nhân, Giám đốc Công ty Đắc Nhân và cũng là một trong số những người tạo nên máy tính xách tay đầu tiên của Việt Nam mang thương hiệu VINACOM cho biết, do phải chia sẻ quyền sử dụng thương hiệu máy tính VINACOM với Công ty Viết Nam nên trước đây, những ý định, chiến lược phát triển thương hiệu riêng cho VINACOM đều trở nên rất khó thực hiện. Kể từ ngày 30-4-2005, với nhãn hiệu hàng hóa VINACOM thuộc sở hữu độc quyền của Công ty cổ phần viễn thông tin học Đắc Nhân do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp,  chắc chắn sẽ là công cụ đắc lực, mở ra một bước phát triển mới cho Công ty Đắc Nhân và những người đã tạo ra thương hiệu này.

Ông Hoàng Văn Tân, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, khác với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi đặt chân đến làm ăn tại Việt Nam, đều tỏ ra rất coi trọng vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bởi, theo ông, các sản phẩm do lao động trí tuệ làm ra phải đầu tư khá tốn kém và có giá trị rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đã xem đây là một tài sản quan trọng, có tính quyết định nhất đối với sự phát triển của đơn vị mình. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm rất dễ bị các cá nhân, đơn vị khác sao chép, bắt chước để cạnh tranh, thu lợi bất chính. Chính vì vậy, trong quan hệ kinh tế quốc tế hiện nay, tất cả các sản phẩm lao động trí tuệ (bao gồm cả các tác phẩm khoa học, văn học nghệ thuật; quyền của người biểu diễn, người sản xuất chương trình, lẫn các phát minh, sáng kiến, sáng chế; các kiểu dáng công nghiệp; tên thương mại của doanh nghiệp; nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ; thiết kế bố trí mạch tích hợp; thành tựu chọn giống...) đều được các nước đòi hỏi phải bảo hộ quyền sở hữu.

 

Nhận dạng hàng thật và hàng giả.

* Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

 

 

Cũng theo Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Hòang Văn Tân, thì sau công ước Stockholm 1967, những năm gần đây, khi gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế (Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và gần đây nhất là các cuộc đàm phán gia nhập WTO), Việt Nam đều đã có những cam kết gắn liền với vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. So với các điều kiện đặt ra của WTO, các đối tượng sở hữu trí tuệ ở nước ta đến nay đều đã được bảo hộ tương đối đầy đủ, đúng chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, do còn nặng về hành chính và chưa được coi trọng các biện pháp dân sự; hệ thống pháp luật lại chưa hòan thiện nên hiệu quả thực thi còn thấp. Bà Trần Bích Đoàn, Giám đốc hành chính Công ty TNHH TungKuang cũng tỏ ra khá bức xúc khi cho biết, trong vài năm gần đây, công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý được một số trường hợp xâm phạm sở hữu công nghiệp bằng cách làm nháy logo TungKuang trên thanh nhôm do đơn vị sản xuất. Bà nói, tình trạng xâm phạm sở hữu công nghiệp nói trên đã làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, gây thiệt hại đến lợi ích của công ty và người tiêu dùng.  Bà mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu thương hiệu, đồng thời phải có biện pháp chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn các hành vi xâm phạm này.

Ông Lê Văn Kiều, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, tại Việt Nam, khi phát hiện bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các chủ sở hữu có thể khởi kiện vụ án tại Tòa Dân sự cấp tỉnh hoặc gửi đơn cho cơ quan cảnh sát điều tra hay hải quan (nếu là hàng hóa nhập khẩu) để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông, để hạn chế tới mức thấp nhất việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trước hết các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xem quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản lớn, ngày càng gia tăng về giá trị để có biện pháp chủ động phòng chống phù hợp với đặc điểm của chính mình. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngay từ khi sản phẩm còn đang nằm trong giai đoạn dự kiến chuẩn bị đưa ra thị trường và đầu tư tài chính, nhân lực cho việc bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là khi xây dựng chiến lược kinh doanh cho đơn vị mình...

Hoàn Vũ

 

 

Tin xem nhiều