Báo Đồng Nai điện tử
En

Công nghiệp Đồng Nai - Hành trình đi tới hội nhập

10:09, 01/09/2005

Nói tới công nghiệp Đồng Nai trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không thể không nhắc đến khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là KCN Biên Hòa 1) được quy hoạch trên diện tích 376 hécta cách nay hơn 40 năm, với đa phần nhà máy phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và phụ tùng thay thế nhập khẩu từ nước ngoài.

Dây chuyền sản xuất acid mới được đầu tư đưa vào sản xuất tại nhà máy Super phốt phát Long Thành có công suất 40.000 tấn/năm.

Nói tới công nghiệp Đồng Nai trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không thể không nhắc đến khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là KCN Biên Hòa 1) được quy hoạch trên diện tích 376 hécta  cách nay hơn 40 năm, với đa phần nhà máy phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và phụ tùng thay thế nhập khẩu từ nước ngoài. Cho tới sau năm 1975,  KCN Biên Hòa 1 chỉ còn 33 nhà máy hoạt động cầm chừng, 12 nhà máy đã ngưng hoạt động, có khoảng 3.000 công nhân thiếu việc làm... Ngày nay, sau 30 năm phát triển, ngành công nghiệp Đồng Nai đã có bước tiến vượt bậc, xứng danh là một đầu tàu công nghiệp năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong những năm đầu sau giải phóng nhiệm vụ phục hồi sản xuất cho các nhà máy là hết sức khó khăn vì cả nước vừa qua khỏi cuộc chiến tranh kéo dài.  Các phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để khắc phục thiếu thốn và khan hiếm về vật tư, nguyên liệu và phụ tùng thay thế phải nhập khẩu đã nhanh chóng khôi phục được sản xuất của hàng chục nhà máy ở KCN Biên Hòa 1. Hàng chục hợp tác xã và tổ hợp sản xuất tiểu - thủ công nghiệp cũng đã được hình thành. Cơ khí tư nhân cũng có bước phát triển... Tuy nhiên, do nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp kéo dài  nên sản xuất của không ít nhà máy quốc doanh bị "trói buộc", đạt hiệu quả thấp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của những năm 1981 - 1985 chỉ  đạt khoảng 8,5%/năm.

Cột mốc đáng ghi nhớ của ngành công nghiệp Đồng Nai là từ năm 1986 - 1990, thời kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều nhà máy được "cởi trói", đã năng động tìm ra hướng phát triển theo cơ chế thị trường. Mặc dù trên thực tế thì cơ chế quản lý hành chính thời bao cấp vẫn còn "níu kéo", chưa dứt hẳn do vậy nhịp độ tăng trưởng công nghiệp chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ. Đến năm 1990 giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 1,35 lần so với năm 1985, tỷ trọng của ngành công nghiệp chiếm khoảng 20% GDP toàn tỉnh. Trong giai đoạn 1991-1995 công nghiệp Đồng Nai với sự khuyến khích phát triển của mọi thành phần kinh tế, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đã tạo ra sự phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 37,2%/năm. Năm 1995, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.139 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần (so với năm 1990), thu hút hơn 77.000 lao động,  tăng gấp 2 lần, đưa tỉ trọng công nghiệp chiếm gần 40% GDP toàn tỉnh. Trong 10 năm gần đây, từ 1996 - 2005, công nghiệp Đồng Nai đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính - tiền tệ của khu vực châu Á, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là sản xuất công nghiệp  ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những đầu tàu tăng trưởng nhanh công nghiệp của cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của  thời kỳ này đạt khoảng 19,4%.

30 năm qua  đã đánh dấu bước phát triển khá dài của công nghiệp Đồng Nai trên tất cả các thành phần kinh tế cùng với sự ra đời của hàng loạt các KCN. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp cả thời kỳ 1976 - 2005 đạt bình quân 22%/năm. Đến năm 2005, qui mô giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 320 lần so với năm 1976, đưa ngành công nghiệp Đồng Nai đứng hàng thứ 3 cả nước về qui mô sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Nhờ vậy, từ một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp là chính nay đã chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm trên 57% GDP toàn tỉnh. Xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp cũng tăng trưởng nhanh chóng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD/năm (chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước). Không chỉ tập trung ở TP. Biên Hòa, công nghiệp đã phát triển về nhiều vùng nông thôn thuần nông nghèo khó trong tỉnh như: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom...  đã góp phần tạo ra một cuộc sống mới, khởi sắc cho những địa phương này. 

Mặc dù đã đạt được sự phát triển vượt bậc nhưng ngành công nghiệp Đồng Nai vẫn bộc lộ một số mặt hạn chế như: phát triển công nghiệp chủ yếu theo chiều rộng, có nhiều nhà máy làm hàng gia công sử dụng nhiều lao động thủ công và giá trị gia tăng công nghiệp còn thấp, chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ sản xuất đầu nguồn. Các ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn chưa có sự đầu tư mang tính đột phá. Đáng chú ý là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của địa phương năng lực cạnh tranh chưa cao, trình độ quản trị, công nghệ và vốn còn hạn chế.

Theo qui hoạch phát triển của ngành công nghiệp Đồng Nai từ 2006 đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 16%/năm. Để hội nhập kinh tế với thế giới, trong những năm tới ngành công nghiệp Đồng Nai khuyến khích, ưu tiên cho các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp mũi nhọn, kỹ thuật cao, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và có giá trị gia tăng nhiều như công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị điện, điện tử, sản xuất vật liệu mới, mời gọi các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng hiệu quả vốn đầu tư vào các KCN đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm  sử nguồn nguyên liệu tại chỗ và phát triển các ngành nghề truyền thống làm hàng xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương và giảm dần tỉ trọng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như giày da, dệt may...

X.Phú

 

Tin xem nhiều