Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Long Thành : Một điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư

11:09, 01/09/2005

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế động lực phía Nam, có đủ các yếu tố thuận lợi về khí hậu, đất đai và một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu phát triển công nghiệp-thương mại và dịch vụ, Long Thành ngày nay đã và đang trở thành một địa phương có tốc độ thu hút đầu tư nước ngòai và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất nhanh so với các nơi khác trong khu vực...

Công ty ChanSing tại Long Thành sản xuất giày Nike xuất khẩu.

 

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế động lực phía Nam, có đủ các yếu tố thuận lợi về khí hậu, đất đai và một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu phát triển công nghiệp-thương mại và dịch vụ, Long Thành ngày nay đã và đang trở thành một địa phương có tốc độ thu hút đầu tư nước ngòai và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất nhanh so với các nơi khác trong khu vực... 

* Phát triển mạnh công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài

 

Một trong những "động lực" góp phần làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đời sống kinh tế -xã hội ở huyện Long Thành trong thời gian qua chính là nhờ địa phương biết tận dụng cơ hội, tiềm năng và lợi thế để tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Phòng kinh tế huyện Long Thành cho biết, hiện nay, ngoài 107 công ty TNHH (với tổng vốn đầu tư lên đến 402,8 tỷ đồng), 11 công ty cổ phần (với tổng vốn đầu tư 113 tỷ đồng), 169 doanh nghiệp tư nhân (với tổng vốn đầu tư 118,3 tỷ đồng) và 18 HTX đã được thành lập đi vào hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho gần 15.000 lao động, toàn huyện hiện cũng đã có 78 dự án có vốn ĐTNN đã được cấp phép hoạt động, với tổng vốn lên tới hơn 1 tỷ USD...

Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển và thu hút ĐTNN, huyện Long Thành đã giao 2.397 ha đất cho các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Trong đó có các KCN: An Phước (201 hecta), Long Thành (528 hecta), Vedan (120 hecta), Gò Dầu (236 hecta), Tam Phước (402 hecta), cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rộng 92 hecta và giao 810 hecta đất cho các DN nằm ngoài KCN. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch chi tiết 5 cụm công nghiệp địa phương với tổng diện tích 657 hecta tại các xã: Phước Bình (344 hecta), Long Phước 1 (90 hecta) Long Phước 2 (30 hecta), Bình Sơn (57 hecta), Dốc 47 - Tam Phước (100 hecta) và Tam Phước 1 (36 hecta)... Đó là chưa kể, nhiều khu thương mại - dịch vụ hiện cũng đã và đang được quy hoạch, đưa vào xây dựng như: Khu du lịch sinh thái, bảo tồn động vật hoang dã Sơn Tiên (380 hecta), sân goft (208 hecta), Trung tâm thương mại dịch vụ Long Đức (36 hecta), chợ đầu mối Quản Thủ (19 hecta), dự án khu du lịch sinh thái Công ty Thiên Lộc, Công ty Đông Sài Gòn (50 hecta)...

Chính nhờ công nghiệp phát triển, vốn ĐTNN tăng nhanh, trong những năm gần đây, huyện Long Thành đã vươn lên trở thành địa phương có tốc độ phát triển khá cao. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm trên địa bàn đã tăng bình quân 11,66% và đến năm 2004 đã đạt tới 1.473 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2001. Từ một huyện thuần nông, Long Thành đang ngày càng có xu hướng chuyển dịch mạnh sang phát triển công nghiệp và dịch vụ một cách hợp lý. Đặc biệt, nếu như năm 2000, cơ cấu kinh tế của huyện còn đang ở mức: công nghiệp 47,5% - nông nghiệp 26,4% - dịch vụ 26,1%, thì đến năm 2004, tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng với mức: công nghiệp 59,7% - dịch vụ 22,54% và nông nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 17,76%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân mỗi năm vượt kế hoạch 59,18%, riêng năm 2004 thu đạt 182,25 tỷ đồng, vượt 72,38% kế hoạch. Nhờ kinh tế phát triển, ngày nay huyện Long Thành không còn hộ đói và nếu tính theo chuẩn mực mới, toàn huyện chỉ còn khoảng trên dưới 1.400 hộ xếp vào diện nghèo, chiếm tỷ lệ 3,3% trên tổng số hộ...

 

* Thời cơ và thách thức

 

Với những tiềm năng, thế mạnh và kinh nghiệm thực tiễn trong đầu tư, huyện Long Thành đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới ngày nay và triển vọng Việt Nam gia nhập WTO trong tương lai gần. Bởi, việc Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng nỗ lực thu hút ĐTNN khi hội nhập quốc tế sẽ là cơ hội tốt để Long Thành và các địa phương trong cả nước thu hút và nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng các dự án đầu tư. Riêng đối với Long Thành, nhờ có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã được Trung ương bố trí nhiều dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn. Trong đó, đáng kể nhất là các dự án: sân bay Quốc tế; đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Biên Hòa - Long Thành - Vũng Tàu. Khi các dự án này hoàn thành, khoảng cách giữa Long Thành với 4 thành phố lớn trong khu vực sẽ được rút ngắn và Long Thành sẽ trở thành trung tâm của một vùng kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây cũng chính là cơ hội để huyện Long Thành mời gọi, phát triển các dự án công nghệ cao, các công viên phần mềm, các dự án hợp tác mang tầm vóc khu vực, quốc gia và thu hút nhân tài trong phạm vi cả nước và quốc tế.

Tuy nhiên, để khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình mở cửa hội nhập, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn nhà đầu tư, các nhà lãnh đạo huyện Long Thành xác định, còn phải tiếp tục vượt qua những thách thức lớn. Bởi, các địa phương lân cận như các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Biên Hòa (Đồng Nai); Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương); Châu Thành, Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... cũng đang trở thành những đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm trong hoạt động thu hút đầu tư. Mặt khác, việc phát triển kinh tế, nhất là trong điều kiện công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh trên địa bàn, sẽ dẫn đến làn sóng lao động nhập cư ồ ạt, tạo ra nhiều áp lực lớn cho xã hội. Trong khi đó, việc tiếp nhận các dự án đầu tư mặc dù có chọn lọc cũng không tránh khỏi tình trạng môi trường ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

 

* Điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư

 

Trong phương hướng, mục tiêu đến năm 2020, huyện Long Thành xác định sẽ phát triển trở thành đô thị loại 3, với cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, tương ứng với tỷ lệ: 40%-38%-22%. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài ưu tiên phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, việc chủ động cải thiện môi trường đầu tư  bằng mô hình "một đầu mối", nhằm làm giảm bớt phiền toái, đảm bảo cho các nhà đầu tư được giao đất và triển khai thực hiện dự án trong thời gian ngắn nhất được huyện cho là một giải pháp cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, huyện Long Thành cũng xác định, sẽ tạo quỹ đất dành riêng cho phát triển công nghiệp, thương mại - du lịch để chủ động hơn trong quá trình mời gọi và thu hút đầu tư. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các nhà đầu tư, các nhà lãnh đaọ huyện Long Thành đang tỏ ra khá lạc quan, tin tưởng trong thời gian từ 10-15 năm tới, Long Thành chắc chắn sẽ trở thành một đô thị mới, một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực và là một điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

Hoàn Vũ

 

 

Tin xem nhiều