Hàn Quốc là nước đứng thứ tư trong số những quốc gia đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 6-2005, tại Việt Nam đã có 823 dự án của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 4,7 tỷ USD. Riêng trên địa bàn Đồng Nai có 110 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,13 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ ba trong số những quốc gia nước ngoài có vốn đầu tư nhiều nhất tại Đồng Nai và đã tạo việc làm cho gần 30.000 lao động.
|
Sản xuất hàng mộc gia dụng xuất khẩu của một DN Hàn Quốc tại KCN Tam Phước (huyện Long Thành). |
Hàn Quốc là nước đứng thứ tư trong số những quốc gia đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Việt
Nam. Tính đến cuối tháng 6-2005, tại Việt Nam đã có 823 dự án của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 4,7 tỷ USD. Riêng trên địa bàn Đồng Nai có 110 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,13 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ ba trong số những quốc gia nước ngoài có vốn đầu tư nhiều nhất tại Đồng Nai và đã tạo việc làm cho gần 30.000 lao động.
Cũng như nhiều nhà máy khác, để quản lý an toàn công nghiệp (ATCN) và môi trường lao động (MTLĐ), nhiều nhà máy của Hàn Quốc trên địa bàn Đồng Nai cũng đang nỗ lực gìn giữ và cải thiện MTLĐ nhằm bảo vệ người lao động và ổn định sản xuất. Song, để đạt được điều đó, sự tích cực không chỉ từ phía những chủ doanh nghiệp là đủ, mà chính người lao động là những mắt xích quan trọng để tạo nên sự an toàn đó.
Hiện nay, tại Đồng Nai ngoài những doanh nghiệp (DN) hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp như: gang thép, điện tử, xe hơi..., phần lớn DN Hàn Quốc chọn những ngành công nghiệp nhẹ, thu hút nhiều lao động như: dệt nhuộm, dệt may, kéo sợi, sản xuất bao bì, hàng gỗ gia dụng xuất khẩu, linh kiện điện tử... Chính vì thế, việc bảo đảm an toàn sản xuất cho người lao động và bảo vệ môi trường luôn được nhiều DN quan tâm. Trong đó, có những DN đã chi mỗi năm đến 500 triệu đồng cho công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) và vệ sinh môi trường (VSMT); và ngược lại, họ thu được khá nhiều lợi ích thiết thực từ sự đầu tư đúng đắn này.
Điển hình là Công ty Choongnam - Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 2) đi vào sản xuất từ năm 1997, là một trong những công ty chuyên sản xuất các loại sợi và vải nên môi trường lao động thường bị ô nhiễm do bụi bông vải. Để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, Ban giám đốc công ty đã rất quan tâm đến việc xử lý nguồn ô nhiễm này. Trong những năm qua, công ty đã chi phí khá lớn cho việc trang bị các hệ thống hút bụi tự động ngầm dưới sàn, kết hợp với hệ thống hút bụi nổi tự động được đặt dọc theo các dàn máy, có trang bị chụp hút và quạt hút khí độc thải ra ngoài. Nhưng với đặc thù sản xuất khá gây hại cho người lao động, thì việc công ty lắp đặt các hệ thống xử lý bụi trên là chưa đủ mà còn đòi hỏi NLĐ phải tuân theo các quy định về BHLĐ. Song, theo "phàn nàn" của ông Shin Hyun Woo, Giám đốc hành chính nhân sự của Công ty Choongnam: "Công ty đã ý thức được MTLĐ của mình là ô nhiễm, nên đầu tư khá tốt và đầy đủ các phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người lao động Việt Nam, nhưng người lao động Việt Nam lại khá "chủ quan" với sức khỏe của mình. Nhiều người không chịu đi khám sức khỏe định kỳ, không đeo khẩu trang, đeo nút chống ồn hoặc mắt kính bảo hộ... khiến chúng tôi thực sự lo lắng cho sức khỏe lâu dài của họ. Chúng tôi chỉ còn cách "cầu cứu" tổ chức công đoàn để tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người lao động thực hiện việc BHLĐ để bảo vệ sức khỏe cho chính mình". Còn ở Công ty ChangShin Việt Nam, đơn vị 100% vốn Hàn Quốc (đứng chân tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chuyên gia công giày thể thao cho tập đoàn Nike, cũng đang có hơn 13.000 lao động đang làm việc. Với phương châm "Con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp" và cũng để nâng cao tính cạnh tranh của công ty trên thị trường, Changshin đã không ngừng cải tiến phương tiện máy móc, trang thiết bị để vừa phục vụ tốt cho sản xuất, vừa giảm sức lao động cho công nhân. Ví dụ như trước kia, đối với máy ép đế ngoài, người lao động phải dùng sức nâng và đưa sản phẩm ra ngoài rất nặng nề, nhưng hiện nay công ty đã đầu tư hệ thống máy ép tự động để thay thế cho sức lao động của công nhân. Hoặc để tránh tai nạn cho người lao động, công ty cũng đã cải tiến hệ thống an toàn đối với máy ép (thay vì chỉ sử dụng loại máy một tay để vận hành, nay thay thế toàn bộ sang loại máy sử dụng cả hai tay để vận hành vừa an toàn, vừa tiết kiệm được sức lao động...). Chính nhờ những nỗ lực này mà số lượng tai nạn đã giảm từ 223 vụ trong năm 2004 xuống còn 78 vụ trong 6 tháng đầu năm 2005. Riêng với Công ty TNHH S.Y Vina (KCN Biên Hòa 2 và có nhà máy chi nhánh ở KCN Nhơn Trạch 2) là đơn vị chuyên về lĩnh vực sản xuất dệt nhuộm và hoàn tất vải, may gia công xuất khẩu lại rất chú trọng công tác đầu tư trang bị đồ BHLĐ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ho Gil Kwon, Tổng giám đốc công ty cho biết: "Phương châm làm việc của công ty chúng tôi là An toàn - Chất lượng - Năng suất. Ngoài ra, chúng tôi còn đề ra 5 tiêu chí: sắp xếp, trật tự, sạch sẽ, ngăn nắp, đúng mực. Đó cũng là những tiêu chuẩn bắt buộc trong hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc được chúng tôi đem áp dụng tại Việt Nam. Chính nhờ áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe này mà qua những lần đo kiểm vệ sinh môi trường của ngành chức năng Đồng Nai, nhiều mẫu như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ ồn của công ty không những đạt mà còn cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam; các nồng độ bụi và hơi khí đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Đặc biệt là công tác trang bị đồ BHLĐ, chúng tôi không ngại tốn kém cho chi phí này. Mỗi năm chúng tôi chi khoảng 300 triệu đồng, dự tính năm 2005, mức chi sẽ là gần 500 triệu đồng. Chúng tôi muốn người lao động có những điều kiện tốt nhất để làm việc, vì có khỏe mới làm việc tốt được!".
|
Lao động tàn tật đang làm việc tại Công ty ChangShin (100% vốn của Hàn Quốc) trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu |
Tuy nhiên, bên cạnh những DN Hàn Quốc nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe và an toàn tính mạng cho người lao động, vẫn còn những DN chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Trao đổi với chúng tôi, ông Rhee Hong Ji, Chủ tịch Hiệp hội an toàn công nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Do trước đây giữa Việt Nam và Hàn Quốc chưa có những thỏa thuận hợp tác lao động nên chưa có những quy định, những điều chỉnh từ phía chủ DN Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Nhưng từ tháng 2 năm 2004, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác lao động, đặc biệt có sự hợp tác giữa Hiệp hội ATCN Hàn Quốc với Viện BHLĐ, bước đầu hai bên đã thực hiện một số chương trình về AT-VSLĐ và đã thu được những kết quả khá hữu ích. Trong thời gian tới, khi sự hợp tác này ổn định, chắc chắn sẽ có những ràng buộc pháp lý về thực hiện ATCN và MTLĐ trong những DN của Hàn Quốc tại Việt Nam. Lúc đó, những DN này sẽ phải thực hiện những quy định ATCN mà hợp tác đưa ra để bảo vệ NLĐ cho cả hai nước".
Tại Hội thảo quốc tế về AT-VSLĐ và BVMT giữa Hàn Quốc và Việt Nam diễn ra mới đây tại Đồng Nai, nhiều DN Hàn Quốc đứng chân trên địa bàn Đồng Nai đã đề nghị có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, nhất là Ban quản lý các KCN trong việc hoàn chỉnh những hạng mục cơ sở hạ tầng như xử lý nước thải, cung cấp tốt những dịch vụ xử lý rác thải công nghiệp nguy hại. Đồng thời rất cần có sự hỗ trợ của Liên đoàn lao động và Sở Lao động - thương binh xã hội trong việc đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, giáo dục tác phong công nghiệp cho công nhân trước khi cung cấp lao động cho các DN Hàn Quốc nói riêng và các DN khác nói chung.
Phương Liễu