Xây dựng các khu công nghiệp (KCN) là một thành tựu quan trọng trên con đường phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 5 năm: 2001 - 2005, góp phần đưa Đồng Nai liên tục trở thành địa phương đứng thứ 3 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Thành công của các KCN tại Đồng Nai về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã được các bộ, ngành trung ương đánh giá là một điển hình của Việt Nam.
Xây dựng các khu công nghiệp (KCN) là một thành tựu quan trọng trên con đường phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 5 năm: 2001 - 2005, góp phần đưa Đồng Nai liên tục trở thành địa phương đứng thứ 3 của cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Thành công của các KCN tại Đồng Nai về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã được các bộ, ngành trung ương đánh giá là một điển hình của Việt
Tính đến cuối năm 2005, các công ty phát triển hạ tầng KCN đã đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng các công trình như: đường giao thông, đường điện, đường điện thoại, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống thoát nước nội khu, hệ thống chiếu sáng và cây xanh... Nhờ vậy, nhiều KCN đã có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, điển hình như các KCN: Amata, Loteco, Nhơn Trạch I, Gò Dầu, Biên Hòa I và II. Đến nay, 17 KCN được Chính phủ phê duyệt đã cho thuê được 2.124 hécta, đạt tỷ lệ gần 60% diện tích đất cho thuê, trong đó có 6 KCN đã lấp kín diện tích đất cho thuê là Biên Hòa I, Biên Hòa II, Loteco, Tam Phước, Gò Dầu và Định Quán.
Do làm tốt việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và cải thiện môi trường đầu tư, cho đến cuối năm 2005 các KCN ở Đồng Nai đã thu hút được 756 dự án (DA) của các nhà đầu tư đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 7,5 tỷ USD. Hiện đã có 514 DA đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 6,12 tỷ USD, 60 DA đang triển khai xây dựng có tổng vốn đăng ký 260 triệu USD và 182 DA chưa triển khai với vốn đăng ký 1,12 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn đăng ký. Có nhiều DA vốn ĐTNN lớn đã đi vào sản xuất như Công ty hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa: 482 triệu USD, Công ty Hualon VN: 477,1 triệu USD, Công ty Vedan VN: 387 triệu USD, Công ty sản phẩm máy tính Fujitsu VN: 198,8 triệu USD, Công ty CP VN: 125 triệu USD, Công ty TNHH Cargill - VN 80 triệu USD...
Các KCN phát triển đã tạo ra sản lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn và đóng góp nguồn thu đáng kể cho Đồng Nai. Riêng 5 năm 2001-2005, các KCN thu hút 385 DA mới và có 338 DA mở rộng đầu tư với tổng vốn 3,12 tỷ USD. Trong đó, năm 2004 thu hút 840 triệu USD và năm 2005 là 816 triệu USD. Tổng doanh thu hàng hóa của các nhà máy nằm trong KCN hàng năm lên tới nhiều tỷ USD. Từ năm 2001, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đã đạt trên 1 tỷ USD và đến năm 2005 đã vượt lên đạt 2,1 tỷ USD; đóng góp cho ngân sách từ 101 triệu USD (năm 2001) đã tăng lên 179 triệu USD vào năm 2005. Trong 5 năm qua, các KCN đã giải quyết việc làm cho 135.000 lao động.
Thành tựu trong phát triển kinh tế của Đồng Nai nhiều năm qua có sự đóng góp quan trọng của các KCN là điều ai cũng thừa nhận. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của các KCN cũng đã phát sinh một số vấn đề bất cập về xã hội, an sinh và môi trường. Đó là chỗ ở, dịch vụ vui chơi, đi lại, chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ công nhân làm việc tại các KCN chưa đáp ứng nhu cầu; cuộc sống người lao động còn không ít khó khăn. Việc tăng thêm nhiều nhà máy sản xuất tất nhiên là tăng thêm khí thải, nước thải và chất thải rắn, trong khi điều kiện vật chất xử lý các loại chất thải để bảo vệ môi trường cũng chưa được quan tâm đầy đủ.
Mục tiêu của 5 năm tới (2006-2010) của tỉnh là tiếp tục phát triển các KCN nằm trong quy hoạch và lấp đầy diện tích đất cho thuê. Theo đó, đến năm 2010, Đồng Nai quy hoạch xây dựng tổng cộng 34 KCN với tổng diện tích 11.726 hécta (cho đến cuối tháng 3-2006 chính thức có 19 KCN được thành lập). Các KCN sẽ được phân bố rải đều từ TP. Biên Hòa tới thị xã và các huyện, trong đó có ưu tiên cho các huyện mới thành lập và huyện miền núi như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ. Với 19 KCN đã có sẽ hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, còn các KCN mới phấn đấu đạt 50% hạng mục công trình. Đồng Nai phấn đấu trong 5 năm tới sẽ thu hút từ 3 - 3,2 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước vào KCN, giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động và nộp ngân sách bình quân đạt 180 triệu USD/năm.
Đến năm 2005, tỉnh Đồng Nai quy hoạch 23 KCN với tổng diện tích 8.119 hécta, trong đó có 17 KCN đã chính thức được thành lập và hoạt động theo Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất theo Nghị định 36/CP ngày 24-4-1997 của Chính phủ với tổng diện tích 5.124 hécta. Bao gồm: KCN Amata (361 hécta), KCN Biên Hòa I (335 hécta), KCN Biên Hòa II (365 hécta), KCN Gò Dầu: (184 hécta), KCN Loteco (100 hécta), KCN Hố Nai (230 hécta), KCN Sông Mây (227 hécta), KCN Nhơn Trạch I (430 hécta), KCN Nhơn Trạch II (350 hécta), KCN Nhơn Trạch III (720 hécta), KCN Long Thành (510 hécta), KCN An Phước (130 hécta), KCN Tam Phước (323 hécta), KCN Nhơn Trạch V (302 hécta), KCN dệt may Nhơn Trạch (184 hécta), KCN Định Quán (54 hécta) và KCN Nhơn Trạch VI (319 hécta). |
Rút kinh nghiệm những năm qua, việc thành lập và phát triển 34 KCN sẽ theo hướng phát triển bền vững, có sự chọn lọc và ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, ít gây ô nhiễm môi trường và sử dụng ít lao động. Các KCN phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung và đảm bảo thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Hiện các KCN đã có nhà máy xử lý nước thải là KCN Biên Hòa II, Amata, Loteco, Nhơn Trạch I, Gò Dầu. Các KCN Nhơn Trạch II, Nhơn Trạch III, Tam Phước, Sông Mây, Hố Nai cũng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong năm 2006. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn ở, đi lại, vui chơi, giải trí... cho người lao động cũng đang được chú ý nhiều hơn từ phía chính quyền và cả doanh nghiệp. Ngoài một số rất ít đơn vị là Công ty Vedan VN, Công ty nhựa TPC, Công ty Hualon VN... có cư xá cho công nhân ngay từ khi mới đưa nhà máy vào hoạt động và Công ty kinh doanh hạ tầng KCN Nhơn Trạch I đã có khu chung cư cao tầng dành cho công nhân từ 5 năm nay, vấn đề nhà ở hiện vẫn chưa đáp ứng đủ cho số lao động ngày càng đông ở Đồng Nai. Chính quyền tỉnh cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN xây nhà ở cho công nhân, trong đó Công ty Formosa VN đã đưa vào sử dụng 2 nhà chung cư cao tầng tiện nghi dành cho khoảng 2.000 lao động của công ty được ăn, ở miễn phí; Tập đoàn Feng Tay (Đài Loan) hiện đang có 3 dự án tại KCN Sông Mây sử dụng đông lao động nên tập đoàn đã tính đến việc đầu tư khoảng 10 triệu USD đầu tư khu chung cư nhà ở cho người lao động tại huyện Thống Nhất dành cho công nhân...
Kim Loan