Không phải là tròn trịa, vì vẫn có doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa (CPH) bị thua lỗ và thậm chí phải bán đi, nhưng nhìn chung đa số các doanh nghiệp CPH ở Đồng Nai đều có sự tăng tiến về vốn điều lệ, về quy mô sản xuất, doanh thu và lợi nhuận.
Không phải là tròn trịa, vì vẫn có doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa (CPH) bị thua lỗ và thậm chí phải bán đi, nhưng nhìn chung đa số các doanh nghiệp CPH ở Đồng Nai đều có sự tăng tiến về vốn điều lệ, về quy mô sản xuất, doanh thu và lợi nhuận.
Thống kê của 19 doanh nghiệp CPH cho thấy, lợi nhuận năm 2005 đã đạt hơn 45,7 tỷ đồng, tăng 111% (so với trước khi CPH), trong đó có các doanh nghiệp tăng cao là Xây dựng Sonadezi (tăng 2,8 lần), Xây dựng dân dụng công nghiệp (tăng gấp 3 lần). Các doanh nghiệp này đã nộp ngân sách 40,3 tỷ đồng, tăng 5,6% trong đó Công ty CP thương mại Long Thành nộp ngân sách 7 tỷ 950 triệu đồng (tăng gấp 3,5 lần). Cổ tức bình quân hàng năm của các doanh nghiệp CPH đạt khá cao, từ 15-18%/năm, như Xây dựng Sonadezi đạt cổ tức 15-20%/năm, Xây dựng Đồng Nai 15-22%/năm, Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 từ 13- 18%/năm, Sơn Đồng Nai chia cổ tức 12-18%/năm...
Có thể thấy nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai sau khi CPH đã liên tục tăng đà phát triển, đồng thời đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Công ty CP bao bì Biên Hòa (Sovi) được chuyển sang cổ phần từ tháng 9-2003 với vốn điều lệ 32,5 tỷ đồng. Để nâng cao vị thế cạnh tranh với các "đại gia" có vốn đầu tư nước ngoài ở trong tỉnh và các địa phương lân cận, Sovi đã xây dựng dự án đầu tư phân xưởng bao bì carton 25.000 tấn/ năm có thiết bị khá hiện đại trên diện tích mới, rộng 4,5 hécta ở KCN Biên Hòa 1 với tổng vốn khoảng 85 tỷ đồng. Giai đoạn 1, Sovi đã thực hiện xong trong năm 2005 có tổng trị giá 55 tỷ đồng, gồm nhà xưởng và dây chuyền, thiết bị sản xuất carton 25.000tấn/năm. Giai đoạn 2 đang được cho đấu thầu, sẽ hoàn chỉnh phần nhà xưởng còn lại, nhập 1 máy in fleco 5 màu tự động và một số thiết bị khác. Không những thế, thông qua một công ty tư vấn chuyên nghiệp, Sovi còn xây dựng chương trình "tái cấu trúc và phát triển nguồn nhân lực" để rà soát và bố trí lại lao động cho hợp lý đi đôi với cải tiến quy trình sản xuất. Nhờ đó, năm 2005, Sovi đã sản xuất được 27.114 tấn sản phẩm, tăng hơn 12.500 tấn so với trước khi CPH năm 2002, đạt doanh thu 195,7 tỷ đồng (tăng hơn 75 tỷ đồng), lãi 7,3 tỷ đồng (tăng 2,7 tỷ đồng). Công ty sơn Đồng Nai (Donasa) chuyển sang CPH và hoạt động từ năm 2000 với vốn điều lệ 7,2 tỷ đồng, đến năm 2005 đã tăng vốn điều lệ lên 11,4 tỷ đồng. Các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu và nộp ngân sách đều được thực hiện tăng rất cao so với trước khi CPH. Cổ tức nhiều năm liên tục đạt 18%/năm. Năm 2005, Donasa hợp tác với tập đoàn PPG của Mỹ thuê 1 nhà xưởng ở KCN Amata để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất sơn công nghiệp chất lượng cao có công suất 4 triệu lít/ năm với vốn đầu tư 2 triệu USD. Công ty CP ong mật đi vào hoạt động từ tháng 3-1999, đến nay đã tăng được sản lượng mật ong bình quân hàng năm lên 86%/năm, sáp ong tăng 59%/năm, doanh thu tăng 120%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng 208%/năm và cổ tức chia bình quân đạt 32%/năm. Công ty CP xây dựng Đồng Nai sau 4 năm CPH (2002-2005) đã thực hiện doanh thu tăng bình quân hàng năm 45,5%/năm, lợi nhuận tăng 5,6 lần, nộp ngân sách tăng 16 lần và cổ tức chia bình quân 46,5%/năm.. .
Theo thống kê đến cuối năm 2005, nguồn vốn của 19 DNNN đã được cổ phần hóa (gồm có: thương mại dịch vụ Đồng Nai, ong mật Đồng Nai, khách sạn Vĩnh An, sơn Đồng Nai, thương mại Long Thành, gốm Việt Thành, xây dựng Sonadezi, xây dựng Đồng Nai, xây dựng DDCN số 1, điện cơ Đồng Nai, xây dựng số 2, cơ khí giao thông - vận tải, bao bì Biên Hòa, cơ khí Đồng Nai, vật liệu xây dựng - chất đốt, chế biến hàng xuất khẩu, bến xe và dịch vụ vận tải, tư vấn xây dựng - đầu tư, giống cây trồng) là 202 tỷ 409 triệu đồng, tăng gần 60% so với trước khi CPH. Trong đó có các công ty tăng trưởng nguồn vốn mạnh so với điều lệ ban đầu như Công ty CP xây dựng Sonadezi hiện có 21 tỷ 504 triệu đồng (tăng gấp 2,8 lần), Công ty CP xây dựng Đồng Nai: 13 tỷ 975 triệu đồng (tăng 2,3 lần). Công ty CP sơn Đồng Nai: 12 tỷ 475 triệu đồng (tăng 1,7 lần)... + Doanh thu của 19 doanh nghiệp cổ phần thực hiện năm 2005 là 1.412 tỷ đồng, tăng 61,5% so với trước khi CP. Các doanh nghiệp tăng cao là xây dựng Sonadezi có doanh thu 153 tỷ 543 triệu đồng (tăng 2,5 lần), xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 đạt doanh thu 127 tỷ đồng (tăng gấp 2,9 lần), xây dựng Đồng Nai với doanh thu 71 tỷ 700 triệu đồng (tăng gấp 2,5 lần)... + Từ năm 1999 đến năm 2002, Đồng Nai CPH 11 doanh nghiệp gồm: Công ty CP thương mại - dịch vụ Đồng Nai, Công ty CP ong mật Đồng Nai, Công ty CP khách sạn Vĩnh An, Công ty CP sơn Đồng Nai, Công ty CP thương mại Long Thành, Công ty CP gốm Việt Thành, Công ty CP xây dựng Đồng Nai, Công ty CP xây dựng Sonadezi, Công ty CP xây dựng DDCN số 1, Công ty CP điện cơ Đồng Nai và Công ty CP thương mại Tân Định (do làm ăn thua lỗ nên UBND tỉnh đã cho bán vào cuối năm 2004). + Từ năm 2003-2005, tỉnh CPH 23 doanh nghiệp, gồm xây dựng số 2, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí Đồng Nai, bao bì Biên Hòa, vật liệu xây dựng - chất đốt Đồng Nai, chế biến hàng xuất khẩu, bến xe Đồng Nai, tư vấn - xây dựng Đồng Nai, giống cây trồng Đồng Nai, chăn nuôi heo Phú Sơn, chăn nuôi Đồng Nai, bò sữa An Phước, bia - nước giải khát Đồng Nai, khai thác cát Đồng Nai, bông Đồng Nai, kinh doanh nhà Đồng Nai, xây dựng DDCN số 2, công trình giao thông vận tải Đồng Nai, cảng Đồng Nai, xuất nhập khẩu Biên Hòa, du lịch Đồng Nai, dược phẩm Đồng Nai và gỗ Tân Mai. |
Nhiều doanh nghiệp khác tuy mới thực hiện CPH nhưng cũng đã tạo ra sự chuyển biến mới về huy động nguồn vốn ngoài xã hội hoặc đầu tư phát triển kinh doanh mở rộng sang lĩnh vực mới. Công ty CP phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) khi chuyển sang cổ phần đã giữ nguyên phần vốn nhà nước hơn 41,1 tỷ đồng và đã phát hành thêm 32,3 tỷ đồng để hình thành vốn điều lệ 73,5 tỷ đồng. Hay như Công ty CP đầu tư xây dựng và VLXD Đồng Nai mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm mới là gạch lát màu cao cấp và ngói màu theo công nghệ nước ngoài, đồng thời đầu tư kinh doanh hạ tầng khu dân cư, cao ốc văn phòng và khu công nghiệp.
Tuy đã có nhiều đổi mới sau CPH, nhưng các doanh nghiệp cũng còn bộc lộ một số mặt yếu kém có ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là nguồn lực tài chính còn nhỏ bé, gần 70% DNNN trước khi chuyển sang CPH có quy mô vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng/ doanh nghiệp. Do vậy, thực hiện CPH theo dạng "khép kín" và việc huy động vốn ngoài xã hội bị hạn chế làm ảnh hưởng đến việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Có những doanh nghiệp CPH nhưng vốn sở hữu nhà nước còn chiếm tỉ lệ rất cao như CP cơ khí giao thông vận tải có vốn nhà nước chiếm đến 82%, CP cơ khí Đồng Nai với vốn nhà nước chiếm gần 93%... Do mô hình tổ chức và nhân sự của doanh nghiệp nhà nước đã ăn sâu vào suy nghĩ rất lâu năm, nên nay chuyển sang CPH, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc đào tạo và tuyển chọn nguồn nhân lực quản trị giỏi, thích ứng với thời kỳ phát triển và hội nhập.
X.Phú