Xử lý nước thải ở khu công nghiệp :
Đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm...

09:06, 07/06/2006

Mới đây, HĐND đã có có đợt khảo sát về công tác bảo vệ môi trường tại một số khu công nghiệp (KCN) thuộc các huyện: Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Qua khảo sát lần này cho thấy, bên cạnh những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng các tiêu chuẩn môi trường, thậm chí nhiều nơi còn đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm cho có lệ.

Công ty cổ phần Taya ở KCN Biên Hòa 2.

Mới đây, HĐND đã có có đợt khảo sát về công tác bảo vệ môi trường tại một số khu công nghiệp (KCN) thuộc các huyện: Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Qua khảo sát lần này cho thấy, bên cạnh những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng các tiêu chuẩn môi trường, thậm chí nhiều nơi còn đùn đẩy trách nhiệm hoặc làm cho có lệ.

 

* Những "điểm nóng" về môi trường

 

Điểm đến đầu tiên của đoàn khảo sát là KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom, nơi đang có 28 DN đã đi vào hoạt động với lượng nước thải đổ ra khoảng 1.500m3/ngày, đêm. Cả KCN này hiện mới có 8 DN có hệ thống xử lý nước thải nội bộ, trong đó chỉ 4 DN có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, điều đáng nói là đến nay do chưa  giải phóng được mặt bằng nên KCN Sông Mây chưa triển khai được việc xây dựng công trình nhà máy xử lý nước thải và bãi chôn lắp rác thải chung, nên tất cả các lượng nước thải đều đổ trực tiếp ra hồ Sông Mây, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Một địa phương khác đang là "điểm nóng" về môi trường là huyện Nhơn Trạch. Các KCN: Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Nhơn Trạch 3 có tốc độ phát triển khá nhanh, thu hút nhiều nhà đầu tư nhưng tình hình ô nhiễm do các KCN này gây ra cũng khiến người dân phàn nàn không ít. Ông Phan Văn Hết, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) nhận định rằng, không phải tự nhiên Bộ TN-MT đưa 3 KCN này vào danh sách đen. Bởi, ngoài KCN Nhơn Trạch 1 có hệ thống xử lý nước thải chung, các KCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các DN xả trực tiếp ra bên ngoài. Đại diện Ban văn hóa - xã hội HĐND huyện Nhơn Trạch đã bức xúc cho rằng, trước đó cả 3 KCN trên đều hứa cải thiện môi trường nhưng đến nay những đơn vị này vẫn chưa có động tĩnh nhiều. Đáng nói là nước thải trực tiếp ra bên ngoài thấm xuống mạch nước ngầm đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

 

* Đầu tư cho môi trường là tự bảo vệ chính mình

 

Nhà máy chế biến cao su Long Thành thuộc Công ty cao su Đồng Nai nhiều năm qua đã là một trong những đơn vị gây ô nhiễm trầm trọng. Từ năm  1993, nhà máy này được cải tạo và đưa vào hoạt động phục vụ chế biến nguyên liệu cao su cho 4 nông trường cao su: Long Thành, Bình Sơn, An Viễn và Thái Hiệp Thành. Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ đó, người dân ở 4 xã lân cận nhà máy đã phải khổ sở vì sống chung với môi trường bị ô nhiễm do chất thải của nhà máy đổ ra, đặc biệt là những hộ dân sống dọc theo khu vực suối Nước Trong. Mặc dù nhà máy đã đưa vào hệ thống xử lý nước thải và nhiều lần cải tạo nâng cấp nhưng vẫn không đạt tiêu chuẩn về môi trường khiến cho người dân phải đi kiện cáo khắp nơi. Trước tình thế này, cuối năm 2005, Công ty cao su Đồng Nai đã ký hợp đồng với Công ty Koastal để cải tạo và nâng cấp công suất hệ thống xử lý nước thải lên 1.800m3/ngày, đêm với kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Đến nay khâu xây dựng cơ bản các bể xử lý đã hoàn thành và đang lắp đặt hệ thống máy móc thiết bị, dự kiến vào tháng 7 tới sẽ đưa vào vận hành kiểm tra sơ bộ hệ thống. Trước mắt, nhà máy sẽ  cho vận  hành, bể gạn cao su để hạn chế mùi hôi, lượng nước sau bể gạn được lưu trữ cho đến khi hệ thống hoàn chỉnh sẽ được bơm qua bể xử lý. Khi làm việc tại Nhà máy cao su Long Thành đoàn khảo sát đã đánh giá cao, những nỗ lực của đơn vị trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà máy cao su Long Thành tự tin nói: "Đến tháng 12-2006, nếu  hệ thống xử lý nước thải của chúng tôi không đạt tiêu chuẩn thì nhà máy có nguy cơ phải đóng cửa. Nhưng tôi tin rằng với tiến độ công việc như hiện nay thì hệ thống sẽ sớm được hoàn thiện và đảm bảo các tiêu chuẩn quy định. Chúng tôi quyết tâm đến cuối năm nay sẽ xin rút khỏi danh sách đen".

Trong khi đó, một trong những KCN có nhà máy xử lý nước thải sớm nhất khi đi vào hoạt động là KCN Long Thành do Công ty Sonadezi Long Thành làm chủ đầu tư. Sự quan tâm của chủ đầu tư trong việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải được đoàn khảo sát đánh giá cao. Dù hiện nay ở KCN mới có 12 DN đang hoạt động nhưng lại có nhà máy xử lý nước thải 5.000m3/ngày, đêm (giai đoạn 1), đáp ứng được yêu cầu giải quyết nước thải của các DN. Hệ thống xử lý nước thải ở KCN Long Thành được thiết kế theo công nghệ bùn hoạt tính hiếu khí, gồm các bước xử lý màu, chất lơ lửng theo phương pháp keo tụ bằng hóa chất; xử lý COD, BOD bằng phương pháp phân hủy vi sinh, có hệ thống cấp khí chìm; lọc cát và lọc qua than hoạt tính; khử trùng bằng Clo ... Bà Chu Thị Thư, Chủ tịch HĐQT Công ty Sonadezi cho biết, đơn vị sẵn sàng tiếp nhận nước thải của các DN để xử lý và cố gắng đảm bảo tốt nhất những tiêu chuẩn môi trường. Dù vậy, bà Thư vẫn tỏ ra băn khoăn vì còn một số DN chưa có ý thức trong việc xử lý nước thải nội bộ trước khi đấu nối vào hệ thống chung; có DN e ngại sẽ  tốn kém chi phí xử lý nên đã cho người đổ trộm các chất thải vào cống KCN, gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Qua đợt khảo sát về xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN, ông Huỳnh Chí Thắng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực của các DN trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường và khuyến cáo các DN còn gây ô nhiễm phải nhanh chóng khắc phục tình trạng này, đó chính là tự bảo vệ mình. Ông Thắng nói, đầu tư cho môi trường cũng là đầu tư cho chính DN nhằm tạo sự phát triển bền vững về lâu dài.

Trần Đức - P.Liễu

 

 

Tin xem nhiều