Báo Đồng Nai điện tử
En

Trảng Bom phấn đấu trở thành một huyện công nghiệp vào năm 2010

09:09, 02/09/2006

Huyện Trảng Bom từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất năng động về phát triển kinh tế và ổn định trật tự xã hội. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây việc hướng đến mục tiêu xây dựng một huyện Trảng Bom công nghiệp đang dần hiện rõ thông qua quy mô cơ cấu kinh tế: công nghiệp 69,5%, dịch vụ 20,9% và nông nghiệp 9,6%.

Huyện Trảng Bom từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất năng động về phát triển kinh tế và ổn định trật tự xã hội. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây việc hướng đến mục tiêu xây dựng một huyện Trảng Bom công nghiệp đang dần hiện rõ thông qua quy mô cơ cấu kinh tế: công nghiệp 69,5%, dịch vụ 20,9% và nông nghiệp 9,6%. Hiện nay với 3 khu công nghiệp gồm: Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo được hình thành và đã cho thuê hơn 86% diện tích đất, cùng với 8 cụm công nghiệp địa phương đã và đang xây dựng, có thể xem vùng đất Trảng Bom đang thật sự là một công trình công nghiệp có quy mô lớn. Không chỉ ở ngay trung tâm thị trấn, dọc tuyến quốc lộ 1A, mà ngay cả  những vùng sâu, vùng xa như các xã: An Viễn, Giang Điền, Sông Thao, Sông Trầu cũng đã và đang hình thành những cụm công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp  ra đời đã tạo ra bộ mặt làm ăn mới, giúp đời sống kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển lớn mạnh. Thanh niên tại chỗ được đào tạo nghề và tuyển dụng vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Các hộ gia đình phát triển dịch vụ kinh doanh nhà trọ, các chợ ra đời quanh các khu, cụm công nghiệp...
Một góc khu công nghiệp Sông Mây.

Sự hình thành của các khu, cụm công nghiệp này còn góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn thông qua việc xây dựng hệ thống lưới điện và đặc biệt là các tuyến giao thông. Đến nay, hầu hết người dân ở huyện Trảng Bom đều đã sử dụng điện lưới để thắp sáng, cũng như phục vụ sản xuất kinh doanh. Ngoài các tuyến giao thông quan trọng dẫn vào các khu, cụm công nghiệp, phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn cũng đã giúp cho 100% số xã ở huyện Trảng Bom có đường nhựa về đến trung tâm, thậm chí đến nhiều ấp. Tuy chỉ chiếm có 9,6% trong cơ cấu kinh tế nhưng  nông nghiệp ở Trảng Bom đang phát triển theo hướng công nghiệp và hiện đại, nhất là đàn heo chăn nuôi theo quy trình công nghiệp và chăn nuôi bò thịt cao sản đã giúp nhiều hộ nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả. Nhiều loại cây công nghiệp cho năng suất, giá trị cao như: mì, điều, bắp, chuối, đậu nành... cũng đã được huyện và các đơn vị kinh tế giúp đỡ về kỹ thuật, hỗ trợ về giống, đồng vốn, tạo điều kiện cho nông dân vùng Tây Hòa, Thanh Bình, Cây Gáo có thu nhập cao. Đời sống kinh tế của người dân huyện Trảng Bom nhờ đó đến nay đã được xếp vào loại cao nhất tỉnh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Trảng Bom khoảng 950 USD/người/năm.

Kinh tế phát triển, xã hội ổn định nên cả Nhà nước và nhân dân rất quan tâm đến công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ người nghèo vươn lên khá giả. Hiện nay, toàn bộ các xã, ấp trong huyện đều có trường tiểu học, trung học cơ sở và nhiều nơi xây dựng được trường mầm non khang trang. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở huyện Trảng Bom được đánh giá cao, nhờ có sự đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại từ huyện đến các xã; những người dân thuộc diện nghèo được chăm sóc sức khỏe ban đầu miễn phí. Hơn 14% số  hộ dân thuộc diện nghèo cũng đã và đang được huyện tạo điều kiện vay vốn làm kinh tế, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ vượt nghèo, xây dựng nhà tình thương...

Huyện Trảng Bom hiện đang tiếp tục có kế hoạch lấp kín diện tích các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo để đến năm 2010 cơ bản trở thành một huyện công nghiệp giàu mạnh.

 Phong Vũ

 

Tin xem nhiều