Những năm qua, các doanh nghiệp (DN) thường có ứng xử khác nhau trong việc thưởng Tết, gây nhiều phản ứng nơi người lao động (NLĐ), dẫn đến đình công hay xảy ra vào dịp cận Tết Nguyên đán. Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ - TB - XH), một trong những biện pháp ngăn ngừa đình công dịp cuối năm là các DN cần sớm xây dựng quy chế trả lương, thưởng và công khai cho NLĐ.
Tổ chức Công đoàn tổ chức lấy kiến nghị của công nhân trong một vụ đình công tại KCN Amata vào dịp Tết Nguyên đán 2006. |
Những năm qua, các doanh nghiệp (DN) thường có ứng xử khác nhau trong việc thưởng Tết, gây nhiều phản ứng nơi người lao động (NLĐ), dẫn đến đình công hay xảy ra vào dịp cận Tết Nguyên đán. Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ - TB - XH), một trong những biện pháp ngăn ngừa đình công dịp cuối năm là các DN cần sớm xây dựng quy chế trả lương, thưởng và công khai cho NLĐ.
Theo kế hoạch nhằm tăng cường xây dựng quan hệ lao động lành mạnh tại DN do Sở LĐ - TB - XH vừa soạn thảo, trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở yêu cầu các DN cần sớm xây dựng thang bảng lương và quy chế trả lương, trả thưởng để công khai cho NLĐ theo những điều khoản mà luật đã quy định. Thực tế cho thấy, càng đến thời điểm cận Tết Nguyên đán, NLĐ càng trông chờ rất nhiều vào tiền lương, tiền thưởng. Thế nhưng, nhiều DN lại coi những thông tin về tiền thưởng là bí mật, chỉ được công khai vào cận ngày nghỉ Tết nhằm tránh những so sánh của NLĐ với các DN khác. Bà Mai Thị Tuyết, Thư ký Hội đồng trọng tài tỉnh cho rằng, mức thưởng Tết là dựa trên tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm của DN. Do vậy, để hài hòa lợi ích của DN với chính bản thân NLĐ, NLĐ không nên có những yêu cầu quá đáng, vượt quá khả năng giải quyết của DN. Về phía các DN, việc sớm xây dựng và công khai quy chế trả lương, thưởng trong DN mình cũng sẽ tạo được động lực để NLĐ phấn đấu trong công việc, tránh tình trạng ỷ lại của NLĐ, coi thưởng Tết là trách nhiệm đương nhiên của DN. Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay có rất ít DN làm được điều này. Do vậy, càng gần đến thời điểm cận Tết, quan hệ lao động tại nhiều DN càng trở nên căng thẳng, hầu hết đều liên quan đến những vấn đề như lương, thưởng, tiền phép năm, các khoản phụ cấp...
Cũng trong kế hoạch vừa soạn thảo, Sở LĐ - TB - XH nhấn mạnh, các DN nên xây dựng quy chế phối hợp giữa Tổng giám đốc DN với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, tăng cường hợp tác tại nơi làm việc trên cơ sở hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau bằng nhiều hình thức như: thảo luận, trao đổi, thông tin hai chiều, xử lý các vướng mắc tại nơi làm việc. Thông qua đó, các bên có cơ hội hiểu biết lẫn nhau nhằm tháo gỡ những bất đồng, xung đột để ổn định sản xuất. Lãnh đạo DN cũng cần thường xuyên tiếp xúc với NLĐ để nắm bắt các tâm tư nguyện vọng của họ, giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại ngay từ đầu nhằm ngăn chặn các tranh chấp xảy ra. Trường hợp khi có tranh chấp xảy ra, lãnh đạo DN phải chủ động bàn bạc với ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Hội đồng hòa giải lao động cơ sở cùng giải quyết trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên. Nếu không giải quyết tại DN được thì các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc đoàn công tác của tỉnh cùng trao đổi, thống nhất cách giải quyết phù hợp với luật định. Khi chưa có kết quả giải quyết của Hội đồng trọng tài hay đoàn công tác của tỉnh, NLĐ không được tự phát đình công. Từ nay đến cận Tết, Sở cũng sẽ tăng cường hệ thống thanh kiểm tra, giám sát và giải quyết tranh chấp lao động tại các DN; đôn đốc, hướng dẫn các DN tự rà soát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật tại đơn vị mình.
Ngay từ thời điểm giữa năm, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng đưa ra những kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như các biện pháp ngăn ngừa đình công. Theo đó, tổ chức Công đoàn các cấp sẽ chủ động phối hợp với DN và các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động trong việc xây dựng thang, bảng lương, các chế độ phụ cấp và quy chế trả lương, thưởng..., coi đây là biện pháp hữu hiệu để tạo sự ổn định, lành mạnh trong quan hệ lao động ở DN. LĐLĐ tỉnh và Công đoàn cấp huyện sẽ thành lập tổ công tác, phối hợp cùng cán bộ Công đoàn cơ sở nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Khi cần thiết, tổ công tác sẽ phối hợp cùng lãnh đạo DN tổ chức đối thoại ngay tại DN nhằm giải tỏa những vướng mắc, mâu thuẫn xảy ra. Tổ công tác này đã được triển khai thực hiện trong quý III - năm 2006 và tập trung chủ yếu tại các Công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động.
Minh Chánh