Trong 5 năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã có những bước tiến khá dài. Thế nhưng những "nhà kiến trúc" của huyện này hiện đang ấp ủ xây dựng Xuân Lộc trở thành huyện có bước phát triển tăng tốc bằng con đường công nghiệp và dịch vụ du lịch...
Con đường dẫn vào khu công nghiệp Xuân Lộc được đầu tư khang trang không kém gì đường vào khu công nghiệp Amata của TP. Biên Hòa. |
Trong 5 năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã có những bước tiến khá dài. Thế nhưng những "nhà kiến trúc" của huyện này hiện đang ấp ủ xây dựng Xuân Lộc trở thành huyện có bước phát triển tăng tốc bằng con đường công nghiệp và dịch vụ du lịch...
* Khi công nghiệp chuyển mình
Ý đồ đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng con đường công nghiệp của huyện đã thể hiện khá rõ, khi khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Xuân Lộc do Công ty phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi) làm chủ đầu tư đã được xây dựng và kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích gần 110 hecta (gồm đất công nghiệp trên 64 hecta, còn lại là đất làm đường giao thông, đất trồng cây xanh, đất sử dụng làm kho chứa và xây dựng khu xử lý nước thải) nằm gần QL1, cách trung tâm thị trấn Gia Ray gần 2km. Ông Nguyễn Văn Châu, cán bộ Sonadezi, tổ trưởng tổ điều hành KCN Xuân Lộc cho biết, đến nay các hạng mục cần thiết như: điện, điện thoại, nước, đường chính vào KCN đã hoàn tất. Hiện đã có hai nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đến thuê đất là Công ty Ajinomoto (1,6 hecta) làm các bồn trung chuyển chứa phân bón ami cung cấp cho các vùng lân cận và Công ty Dona Standa (26 hecta) sẽ xây dựng nhà máy giày thể thao xuất khẩu. Như vậy, chỉ hai công ty này đã chiếm gần 50% diện tích đất cho thuê ở KCN. Ông Châu nói: "Vừa rồi cũng có một số công ty đến đặt vấn đề thuê đất ở đây nhưng do quá cận Tết Nguyên đán (Đinh Hợi) nên đành dời qua Tết". Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Minh Nhật cho biết: "Theo Nghị quyết của huyện Đảng bộ thì năm 2007 huyện sẽ phấn đấu đưa 50 - 60% diện tích KCN này vào đầu tư xây dựng. Chúng tôi mong Công ty Dona Standa sớm triển khai, xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động vì đây là công ty sản xuất giày da lớn với vốn đầu tư 15 triệu USD, dự kiến sử dụng 3.000 - 5.000 lao động địa phương. Không chỉ vậy, vấn đề dịch vụ kèm theo như: nhà trọ, ăn uống... cũng sẽ phát triển".
Bên cạnh KCN này, huyện Xuân Lộc còn quy hoạch 4 cụm công nghiệp (CCN) khác ở các xã: Suối Cát (20 hecta), Xuân Hưng (20 hecta), Xuân Hòa (50 hecta) và Xuân Định (30 hecta). Đến nay, hai CCN: Suối Cát và Xuân Hưng đã được tỉnh phê duyệt cho phép xây dựng. Có thể nói, khi KCN và CCN trên địa bàn huyện đi vào hoạt động thì sự chuyển đổi về cơ cấu lao động cũng như phát triển kinh tế ở Xuân Lộc sẽ mạnh mẽ hơn. Năm nay huyện Xuân Lộc phấn đấu đẩy giá trị kinh tế công nghiệp lên 24,9%, tăng 3% so với năm 2006.
* Khai thác du lịch
Ngoài KCN và các CCN nói trên, Xuân Lộc là huyện miền núi, do vậy việc khai thác cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch cũng thuận lợi. Điển hình như Núi Chứa Chan (còn gọi là núi Gia Lào) có độ cao 836m so với mực nước biển. Dãy núi này tọa lạc sừng sững trên diện tích khoảng 55 hecta tại xã Xuân Trường và cũng là điểm tựa lưng của thị trấn Gia Ray, trung tâm hành chính huyện Xuân Lộc. Lưng chừng núi, ở độ cao 600m có chùa Bửu Quang Tự (còn gọi là chùa Gia Lào) được xây dựng từ khá lâu. Hàng năm, khách thập phương hành hương về chùa rất đông và núi Chứa Chan đã được nhiều người chọn làm điểm du lịch. Ông Đặng Công Ngoan, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường cho biết, hàng năm vào rằm tháng giêng, tháng tư và tháng bảy khách du lịch hành hương từ ngoài tỉnh đổ về đây đông đến nỗi các hộ dân bên đường vào núi phải mở ra những bãi lớn để giữ xe cho khách. Ước tính có trên 100 ngàn lượt khách đến núi này mỗi năm.Ngoài vấn đề tâm linh, khách hành hương chọn chùa Gia Lào vì nơi đây có phong cảnh đẹp và việc bảo vệ an ninh trật tự cho khách khá tốt. Để giữ gìn trật tự cho khu du lịch núi Gia Lào, UBND xã Xuân Trường đã thành lập 1 tổ bảo vệ gồm 6 người, được chia thành từng trạm để giữ trật tự từ chân núi lên đến chùa, vào lúc cao điểm còn bổ sung thêm các lực luợng công an, dân phòng địa phương. "Những người ăn xin ở các xã đến đây làm phiền lòng du khách đều được chúng tôi vận động quay trở về địa phương. Suốt dọc đường từ chân núi lên tới chùa chỉ còn 2 người bị khuyết tật có nhà ở tại đó được cho bán vé số", ông Ngoan nói. Khả năng thu hút khách du lịch đến với núi Gia Lào hiện vẫn rất lớn. Hiện nay, chỉ riêng khách hành hương mỗi năm về huyện Xuân Lộc cũng thu được trên 500 triệu đồng tiền vé. Ông Ngoan còn cho biết, số tiền thu được nói trên (giá vé 5.000 đồng/vé) chỉ là thu của khách du lịch theo đoàn, còn lượng khách đi lẻ và người dân địa phương thì vẫn chưa bán vé. Để khai thác phong cảnh hữu tình của núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc đã có dự án phát triển du lịch trên núi này. Theo đó, dự kiến trên đỉnh núi Chứa Chan sẽ được đầu tư một hệ thống cáp treo để thu hút khách du lịch đến núi Gia Lào đông hơn.
Nếu đứng trên đỉnh núi Gia Lào vào những ngày trời đẹp, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa thấy biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Núi Chứa Chan là một điểm nhấn du lịch của Xuân Lộc và là bước đệm cho việc phát triển du lịch ở những hồ chứa nước như: hồ Núi Le, Gia Ui... sắp tới.
Vân Nam