Báo Đồng Nai điện tử
En

Cù lao Hiệp Hòa thời công nghiệp hóa

09:11, 16/11/2007

Từ năm 1997, cùng với thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, người dân cù lao Hiệp Hòa cũng đã được thông báo về quy hoạch lại vùng đất rộng gần 700 hécta như hình cái chuông nếu từ trên máy bay nhìn xuống này. Đâu là khu dân cư, đâu là công viên cây xanh, đâu là phố... Thế nhưng từ đó đến nay cứ trông chờ mỏi mòn, rồi qua điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, cũng chưa thấy định dạng cù lao sẽ thành "phố".

Từ năm 1997, cùng với thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, người dân cù lao Hiệp Hòa cũng đã được thông báo về quy hoạch lại vùng đất rộng gần 700 hécta như hình cái chuông nếu từ trên máy bay nhìn xuống này. Đâu là khu dân cư, đâu là công viên cây xanh, đâu là phố... Thế nhưng từ đó đến nay cứ trông chờ mỏi mòn, rồi qua điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, cũng chưa thấy định dạng cù lao sẽ thành "phố".

 

Con đường chính dẫn vào xã Hiệp Hòa.

* Nỗi lòng người cù lao

 

Bí thư xã Hiệp Hòa Vi Minh Tiền, người con của đất Hiệp Hòa, có thâm niên hoạt động tại địa phương cho biết, xã có khoảng 250 hécta đất sản xuất nông nghiệp nhưng nay bỏ hoang đến 200 hécta không sản xuất! Lý do bỏ hoang thì có nhiều, nhưng chủ yếu là khan hiếm lao động, giá vật tư, phân bón đều tăng mà công lao động thuê mướn cao, sản xuất không có lời, nên người dân thà để đất hoang cho đỡ lo. Theo quy hoạch, đến tháng 6-2008, tất cả các phường, xã ở TP. Biên Hòa phải di dời việc chăn nuôi ra khỏi thành phố, do vậy người dân cù lao cũng đã giảm dần đàn và có người đã sớm bán hết heo, gà, vịt... Ông Lâm Cục, một trong những nông gia chăn nuôi có quy mô lớn ở Hiệp Hòa, cũng đang giảm dần đàn heo mặc dù hiện nay là thời điểm nuôi heo có giá. Con trai ông là Lâm Thành Mỹ, một trong những nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, đã "di tản" lên Vĩnh Cửu để phát triển chăn nuôi. Ông Cục cho biết, sau này ngưng chăn nuôi thì có lẽ sẽ chuyển nơi đây thành dịch vụ câu cá giải trí như một loại hình du lịch sinh thái để có việc làm chứ hiện nay cũng chưa biết quy hoạch đến đâu, như thế nào nên không thể phát triển quy mô làm ăn hay xây dựng gì...

Dân số Hiệp Hòa giờ đây cũng đông lên, do gia đình tách hộ, người vãng lai đến định cư... Cả xã có khoảng 2.400 hộ với 13.000 người nhưng có đến khoảng 70% người trong độ tuổi lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp. Những người hơi lớn tuổi, khó xin việc ở các doanh nghiệp  thì cũng còn một số vẫn đeo đuổi con đường làm thợ hồ - một nghề mà trước đây nông dân Hiệp Hòa vẫn làm khi mùa vụ nhàn rỗi, hoặc chạy xe ôm...

 

* Đến bao giờ mới lên... phố

 

Trong cơn sốt đất ở những vùng quy hoạch, cù lao Hiệp Hòa cũng là nơi lý tưởng để các "đại gia" tìm đến tính chuyện đầu cơ đất đai hay nhằm mục đích mua đất để có nơi nghỉ dưỡng khi về già.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chung của TP. Biên Hòa, Cù lao Hiệp Hòa được quy hoạch là một khu trong phân khu chức năng ở của toàn thành phố với khoảng 2.357 hécta. Nhưng đặc biệt hơn là Hiệp Hòa lại nằm trong chuỗi hệ thống trung tâm đô thị khoảng 150 hécta, kéo dài từ ngã ba Vườn Mít sang cù lao Hiệp Hòa. Riêng Hiệp Hòa, sẽ có khoảng 100 hécta được bố trí trở thành trung tâm thương mại tổng hợp, giao dịch quốc tế, dịch vụ cấp vùng có quy mô khoảng 100 hécta. Một chiếc cầu nối từ phía ngã tư Vũng Tàu, từ phía khu vực nhà máy Cogido; hay một chiếc cầu nối từ phía đường vành đai ven sông Cái, nhánh của sông Đồng Nai phía bên Bình Đa hay Thống Nhất nối qua Hiệp Hòa, và cả chiếc cầu nối từ phía Tân Vạn qua cù lao cũng đã được các nhà quy hoạch đặt ra. Trong quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh và mặt nước thì Hiệp Hòa cũng được bố trí là công viên du lịch - sinh thái có quy mô 240 hécta...

Có thể nói, trong hướng đi lên của đô thị Biên Hòa, thì cù lao Hiệp Hòa là tâm của các trục đường bộ hướng vào, dù từ ngã ba Vườn Mít hay từ đường Đồng Khởi sang; từ ngã ba Tam Hiệp nối qua ngã ba đường Trần Quốc Toản để nối sang cù lao Hiệp Hòa... Các nhà quy hoạch cũng đã tính đến việc hạn chế khai thác cát khu vực sông Đồng Nai đoạn qua thành phố, để tránh sạt lở sông Cái, sông Đồng Nai và cù lao Hiệp Hòa.

Viễn cảnh thì tươi sáng, cù lao Hiệp Hòa sẽ trở về vai trò "phố" như thời Nông Nại Đại Phố cách nay mấy trăm năm nhưng hiện đại hơn với phố tài chính, ngân hàng, các dịch vụ... Và người dân cù lao Hiệp Hòa sẽ tự hào mình trở thành dân phố thị, không còn là xã nông nghiệp... Nhiều người hỏi: từ đây đến đó còn bao lâu? Quả là câu hỏi chưa ai dám chắc sẽ có câu trả lời chính xác.

 

* Không thể ngồi chờ

 

Đất ruộng bỏ hoang khắp nơi trên cù lao Hiệp Hòa.

Dù chưa biết bao giờ lên phố, nhưng cù lao Hiệp Hòa hiện nay cũng đang sống đời phố, vì chỉ cách trung tâm TP. Biên Hòa có cây cầu Ghềnh. Bởi, dân không làm nông nghiệp thì đi làm thợ hồ, thợ hầm đá, công nhân, kinh doanh, làm công chức, doanh nghiệp ... Những tiện nghi sinh hoạt và dịch vụ sử dụng hàng ngày cũng đều như người thành phố. Duy chỉ có cuộc sống là chưa thực sự phát triển mấy. Nhiều người đã bán bớt đất cho những người thành phố để có tiền chi dùng trong thời gian trước mắt. Có "đại gia" nơi khác đến thì dám mua đất cất biệt thự hoành tráng nhưng dân tại chỗ mấy ai đã dám cất nhà, vì cứ sợ vướng quy hoạch. Nhiều người có nâng cấp nhà thì cũng chỉ ở cấp 4, chứ ít người dám xây dựng kiên cố.

Chưa ai hình dung ra diện mạo một cù lao Hiệp Hòa sẽ ra sao dù 10 năm đầu của thế kỷ 21 sắp qua đi. Nhưng trước mắt, thì việc sản xuất nông nghiệp đang chựng lại; chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đang thu lại cho tới giữa năm sau là chấm dứt hoàn toàn. Và, không phải ai cũng có đường đi làm công chức hay có sức để làm công nhân, có tài năng để kinh doanh. Vậy có ai nghĩ đến việc hướng dẫn, tư vấn, đào tạo cho người dân ở các khu dân cư lâu đời tại Hiệp Hòa này một khả năng, một cơ hội để sau này tiếp cận với các dịch vụ của một trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch... Bởi, dù gì đi nữa, thì người dân Hiệp Hòa vẫn phải sống và phát triển cùng mảnh đất cù lao.

Kim Loan

 

 

 

Tin xem nhiều