Năm 2007, sản lượng tiêu xuất khẩu của nước ta đứng đầu thế giới với trên 100 ngàn tấn. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba tỉnh có sản lượng tiêu cao nhất nước. Nhưng hiện nay tiêu ở Đồng Nai đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm, chết hàng loạt gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng cho bà con nông dân. Để ngăn chặn bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, mới đây Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đã mời một số nhà khoa học chuyên nghiên cứu về phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng phổ biến các phương pháp phòng trừ bệnh cho nông dân.
Năm 2007, sản lượng tiêu xuất khẩu của nước ta đứng đầu thế giới với trên 100 ngàn tấn. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba tỉnh có sản lượng tiêu cao nhất nước. Nhưng hiện nay tiêu ở Đồng Nai đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm, chết hàng loạt gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng cho bà con nông dân. Để ngăn chặn bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu, mới đây Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đã mời một số nhà khoa học chuyên nghiên cứu về phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng phổ biến các phương pháp phòng trừ bệnh cho nông dân.
* Vì sao tiêu chết hàng loạt?
Cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực được nhiều hộ nông dân Đồng Nai trồng từ nhiều năm qua. Nhiều gia đình đã nhờ cây tiêu mà thoát nghèo vươn lên khá giả. Năm 2007, giá tiêu tăng cao (khoảng 50 - 56 ngàn đồng/kg) người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh lời gần 200 triệu/hécta, hiện nay diện tích ở Đồng Nai có khoảng trên 7.000 hécta, dự tính sẽ phát triển 10 ngàn hécta vào năm 2010. Giá tiêu trên thế giới đang có nhiều dấu hiệu khả quan. Thế nhưng bắt đầu từ tháng 11-2007, cây tiêu tại nhiều nhà vườn ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú... bị bệnh chết hàng loạt, đến thời điểm này đã lên tới trên 500 hécta và còn diện tích nhiễm bệnh khoảng 1.200 hécta. Huyện Cẩm Mỹ là nơi có diện tích tiêu lớn nhất tỉnh (2.250 hécta, bằng 32% diện tích tiêu toàn tỉnh) có tỷ lệ nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm cũng cao nhất tỉnh. Trong đó, riêng xã Lâm San (Cẩm Mỹ) tiêu bị bệnh khoảng 231 hécta. Cây tiêu bị bệnh khiến sản lượng tiêu hạt năm 2007 của Cẩm Mỹ giảm trên 700 tấn, ước thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng và toàn tỉnh là trên 100 tỷ đồng.
Thạc sĩ Đoàn Xuân Ái, chuyên gia nghiên cứu về dịch bệnh hại cây trồng cho biết: "Nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh trên cây tiêu là do nấm phytopthora kết hợp với một số loại nấm trong đất xâm nhập vào rễ, gốc, cành hoặc lá sau đó gây ra bệnh héo lá, rụng đốt và cây chết chỉ trong vòng 1 - 2 tuần. Loại nấm này không chỉ gây hại cho cây tiêu mà chúng còn gây bệnh xì mủ, thối trái, héo nõn, thối gốc trên cây có múi, sầu riêng, cao su, ca cao, bầu bí... Còn tác nhân gây ra bệnh chết chậm trên tiêu là rệp sáp, tuyến trùng meloidogyne incognita tấn công vào bộ rễ của tiêu trong thời gian dài, làm rễ bị tổn thương khi gặp độ ẩm cao, nhiệt độ thấp sẽ phát tán làm lá chuyển vàng, quả và đốt thân rụng dần rồi thối gốc". Thạc sĩ Võ Văn Phi, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay, sở dĩ các vườn tiêu bị bệnh chết hàng loạt và lây lan nhanh là do bà con không làm hệ thống thoát nước trong vườn tiêu, để các hốc tiêu bị úng nước và chảy tràn từ vườn này qua vườn khác khiến mầm bệnh lây lan đi mọi nơi. Ngoài ra, do tiêu đang có giá bà con tiến hành trồng hàng loạt, mật độ trồng quá dày, xen canh nhiều loại cây khiến cây không có đủ ánh sáng làm cho nấm phytopthora dễ phát sinh gây hại. Bên cạnh đó, phương pháp canh tác không đúng kỹ thuật cũng là lý do gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.
* Để khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu
Cách khống chế bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu hữu hiệu nhất là áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ sớm và toàn diện. Dùng giống sạch bệnh, chỉ trồng tiêu trên đất thấm và thoát nước tốt, không nên trồng quá sâu dễ gây úng nước thối rễ. Trong vườn tiêu không nên trồng xen nhiều loại cây khác và không trồng với mật độ quá dày; quản lý tốt việc tưới nước, không để thiếu nước trong mùa nắng và ngập úng trong mùa mưa; làm mương thoát nước và bờ ngăn không để nước chảy tràn từ vườn này sang vườn khác dễ lây lan mầm bệnh; thường xuyên vệ sinh vườn bằng cách cắt tỉa toàn bộ cành cấp từ mặt đất lên 25cm để bồn tiêu luôn được thông thoáng. Những cành lá bị bệnh phải đưa đi tiêu hủy; tăng cường bón phân hữu cơ hoại mục (đặc biệt là phân gà) nhằm kích thích sự phát triển của một số nấm đối kháng với phytopthora. Khi bón phân cho cây tiêu phải cân đối cho đầy đủ theo từng giai đoạn, chú ý bón vôi 0,5-1kg/hốc/năm để giảm độ chua phèn và trị một số nấm hại cây trong đất.Không nên bón phân vô cơ trong thời gian dài, liên tục sẽ làm cho bệnh phát triển và gây hại nặng hơn.
Có thể dùng một số loại thuốc hóa học Agri-Fos 400, Aliette, Acrobat MZ, Alpine... phun kỹ toàn cây và tưới gốc rễ để trị bệnh. Ông Phan Xuân Chiên ở ấp 3, xã Lâm San cho biết: "Ở đây các vườn tiêu chết hàng loạt nhưng vườn tiêu 2 hecta khoảng 5 tuổi của tôi chỉ chết khoảng 2%. Để khống chế được bệnh tôi đào mương thoát nước trong vườn, bón phân hữu cơ 10kg/cây, phân NPK là 1kg/cây/năm chia đều làm 4 lần và phun thuốc bảo vệ thực vật 4 lần/năm. Năng suất tiêu hạt của tôi đạt 3 tấn/hécta, trừ chi phí đi tôi còn lời trên 100 triệu đồng/hécta".
Hương Giang