Chưa bao giờ Sàn giao dịch việc làm (SGDVL) lại đông người tìm việc đến tham dự như trong phiên giao dịch lần 2-2009, diễn ra vào sáng 10-3 tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai. Và có lẽ cũng chưa bao giờ, các doanh nghiệp lại thông báo nhu cầu tuyển dụng thấp đến thế!
Chưa bao giờ Sàn giao dịch việc làm (SGDVL) lại đông người tìm việc đến tham dự như trong phiên giao dịch lần 2-2009, diễn ra vào sáng 10-3 tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai. Và có lẽ cũng chưa bao giờ, các doanh nghiệp lại thông báo nhu cầu tuyển dụng thấp đến thế!
* Chen chân đến với sàn giao dịch
Mới hơn 7 giờ, khu vực Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã đông nghẹt người đến tìm việc. Chú Hai, người mở dịch vụ giữ xe máy gần trung tâm này, phân trần: "Đông người đến, tiền giữ xe nhiều nhưng tui thấy ái ngại quá, vì đông như vậy cũng có nghĩa là người thất nghiệp nhiều". Không chỉ đến sớm, người lao động còn tranh nhau xem thông báo, tìm hiểu thông tin, nộp hồ sơ tuyển dụng khiến không khí phiên giao dịch thật sôi động.
So với phiên giao dịch đầu cách nay một tháng, người đến tìm việc tại phiên giao dịch này đông hơn. Nhiều công nhân Công ty Lạc Cường đã tìm đến SGDVL, bởi công ty này vừa sa thải 1.000 lao động, và sắp tới sẽ cho nghỉ việc 900 lao động còn lại với lý do giải thể. Anh Lê Minh Cường, quê ở Hải Dương, vào làm công nhân Công ty Lạc Cường hơn 3 năm nay, kể: vợ chồng anh cùng bị mất việc một lượt nên cả nhà đều chới với. Với khoản trợ cấp thôi việc hơn 3 triệu đồng, vợ chồng anh tính chi phí cho gia đình 3 người có tằn tiện lắm cũng chỉ được 2 tháng, nên từ đầu tháng 3 đến nay cả hai đều tất tả lo tìm việc. "Tụi này lâu nay làm ở xưởng đúc khuôn giày, không biết nghề gì khác nên chỉ có thể xin việc ở doanh nghiệp cùng ngành nghề. Cũng có nghe bên Công ty PouChen nhận công nhân Lạc Cường, nhưng họ nhận hạn chế, chỉ bổ sung ở những khâu thiếu. Còn những khâu đã đủ người, như đúc khuôn chẳng hạn, họ không nhận nên tôi vẫn chưa xin được việc. Những công ty giày khác thì xa quá, tận Nhơn Trạch, Trảng Bom, đi lại không thuận tiện. Chắc tôi sẽ xin vào làm bảo vệ, hay việc gì cũng được miễn là có việc làm" - anh Cường nói.
Tốt nghiệp ngành điện tử của một trường cao đẳng ở Đồng Nai, nhưng mấy tháng nay Nguyễn Văn Đạt, ở phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, vẫn long đong tìm việc làm, bởi ngành nghề của Đạt đang là một trong những ngành sa thải lao động cao. "Chỗ nào em cũng đến hỏi hết rồi, nhưng doanh nghiệp điện tử nào cầm cự giỏi lắm cũng đang phải cho công nhân nghỉ luân phiên, lấy đâu mà tuyển người mới?", Đạt than thở.
Hơn 2.500 lao động đến SGDVL mong tìm được việc, nhưng nhu cầu tuyển dụng thì "khiêm tốn" hơn bao giờ hết: 10 doanh nghiệp giao dịch trực tiếp tại sàn chỉ có nhu cầu tuyển dụng có 325 lao động, trong đó có đến 200 lao động là nhu cầu của các công ty bảo vệ Đồng Nai, Quyết Tiến. Ban tổ chức SGDVL nhận định, nhu cầu tìm việc tăng khoảng 43%, nhưng nhu cầu tuyển dụng lại giảm mạnh, chỉ đạt 16,3% so với lần trước. Bàn nhận hồ sơ tuyển dụng nào, người tìm việc cũng chen đông nghẹt. Nhưng cuối phiên giao dịch, chỉ có 148 hồ sơ được nhận, tức chưa đến 6% lao động được sơ tuyển.
* "Lệch pha" do chuyển dịch cơ cấu lao động
Ông Lâm Thanh Thu, Trưởng phòng cung ứng lao động Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai nhận định, nếu so số lao động mất việc với tổng nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn thì mức cầu vẫn lớn hơn cung. Nhưng hiện nay vẫn xảy ra tình trạng người lao động mất việc bên cạnh doanh nghiệp thiếu lao động. Nguyên nhân là do thị trường lao động đang có sự chuyển đổi mạnh về cơ cấu. Các ngành nghề thu hút đông lao động trước đây như điện tử, chế biến gỗ đều giảm lao động, kế đến ngành may mặc, giày da gần đây cũng đang có dấu hiệu chựng lại do giảm đơn hàng. Tuy nhiên, các ngành xây dựng, cầu đường và dịch vụ như tư vấn bảo hiểm, nhân viên kinh doanh, bảo vệ chuyên nghiệp... lại tăng mạnh. Chính sự chuyển dịch cơ cấu lao động đã dẫn đến tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu lao động.
Tuy cầu vẫn vượt cung, nhưng áp lực về tuyển dụng lao động hiện nay đã giảm rất nhiều so với các năm trước. Việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông, hiện đã dễ dàng hơn rất nhiều khi ngày càng có nhiều lao động bị mất việc sẵn sàng kiếm việc làm mới. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ cần "ngồi nhà" chờ người lao động tự tìm đến, thậm chí không cần đến SGDVL. Chính vì thế, một số doanh nghiệp đã khắt khe hơn trong việc tuyển dụng. Do đó, để có thể tìm được việc làm trong điều kiện như hiện nay, người lao động cần phải rèn luyện một số kỹ năng để thích ứng với hoàn cảnh.
Một số chuyên gia về lao động cho rằng, với lao động trình độ cao, ngoài các kiến thức chuyên môn, người lao động nên rèn luyện thêm một số kỹ năng hỗ trợ như ngoại ngữ, vi tính. Ngoài ra, người lao động có các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc theo nhóm, giao tiếp, đàm phán thương lượng... cũng sẽ làm phía tuyển dụng hài lòng hơn. Chị Dư Diễm Trang, cán bộ nhân sự Công ty TNHH quốc tế Mê Kông than thở, công ty hiện đang có nhu cầu tuyển dụng 10 lao động từ trung cấp trở lên với yêu cầu ngoài chuyên môn phải biết tiếng Anh hoặc tiếng Hoa nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa tìm được người.
Riêng với lao động phổ thông, yếu tố nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu là sức khỏe và tính chăm chỉ. "Hôm nay không gắng sức làm việc, ngày mai phải gắng sức làm việc", khẩu hiệu có mặt khắp nơi ở Công ty sơn Urai phanich (KCN Biên Hòa 2) đã phần nào nói lên quan điểm của các nhà tuyển dụng hiện nay...
Thanh Thúy