Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỏi mòn chờ điện

09:04, 13/04/2009

Xuân Thọ là xã anh hùng của huyện Xuân Lộc, nhưng hiện tại vẫn chưa có đường dây hạ thế điện của Nhà nước kéo về. Để có điện sử dụng, thời gian qua, người dân nơi đây phải bắt nhờ điện ở những khu vực khác với giá tiền phải trả cao ngất ngưởng...

Xuân Thọ là xã anh hùng của huyện Xuân Lộc, nhưng hiện tại vẫn chưa có đường dây hạ thế điện của Nhà nước kéo về. Để có điện sử dụng, thời gian qua, người dân nơi đây phải bắt nhờ điện ở những khu vực khác với giá tiền phải trả cao ngất ngưởng...

 

* Chóng mặt vời giá điện...

 

Đường đi ngang qua tổ 1 và 2 ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, dài chừng 2km được tráng nhựa. Tuy nhiên, ngoài 2 đầu đường đã được kéo điện, còn lại đoạn giữa chỉ hơn 1km, song người dân từ lâu đã phải mòn mỏi chờ đợi hệ thống điện hạ thế.

 

Anh Vũ Quang Lâu ở tổ 1, ấp Thọ Lộc đang phải sử dụng nguồn điện với giá cao để tưới cho vườn tiêu của mình.

Anh Vũ Quang Lâu, ngụ ở đây, tâm sự: "Nhiều năm qua, để có điện sinh hoạt và sản xuất, chúng tôi phải câu nhờ điện của tư nhân ở nơi khác. Do đường dây điện từ đồng hồ chính về khá xa (hơn 500 mét) nên lượng điện hao hụt nhiều. Vì vậy, cộng các khoản như tiền điện được tính theo giá thỏa thuận, tiền phạt vì xài lố... mỗi kW điện chúng tôi phải trả lên đến gần 5.000 đồng". Đáng kể là từ khi giá xăng, dầu tăng cao, dân ở đây chuyển sang sử dụng điện sản xuất thay cho máy nổ để tưới tiêu. Chỉ riêng gia đình anh Lâu, khi sử dụng điện để tưới cho 1,5 hécta tiêu, đã phải trả trên dưới 200 kW điện/tháng. Tính ra, trong mỗi mùa tưới, anh Lâu mất đứt 6 triệu đồng. Để hạn chế chi phí, người dân khu vực này gồm 6 hộ kéo chung một đường dây điện, và tưới luân phiên mỗi gia đình dùng điện 1 ngày. Có những hộ sử dụng nhiều phải kéo nhờ 2 đường dây khác nhau, điển hình như gia đình ông Phạm Văn Thăng. Ông Thăng cho biết, để chăm sóc cho gần 2 hécta tiêu, ông phải câu nhờ điện ở 2 nơi, vì nếu chỉ sử dụng một đường điện sẽ không tưới kịp.

 

Theo tính toán của các hộ dân nơi đây, chi phí tiền điện để tưới 1 hécta cây trồng, tiêu tốn khoảng 4 triệu đồng/năm. Như vậy, toàn tổ 1 và tổ 2 ấp Thọ Lộc có trên 50 hécta tiêu phải dử dụng điện giá cao, mỗi năm người dân phải trả hơn 200 triệu đồng.

 

* Bao giờ dân được hưởng giá điện chính thức?

 

Ông Hồ Đăng Văn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết, ngoài tuyến điện ở khu vực tổ 1 và 2 ấp Thọ Lộc thì trên địa bàn xã còn 11 tuyến nữa cũng chưa có điện. Mặc dù ngành điện đã tiến hành khảo sát lập hồ sơ từ lâu, nhưng mọi chuyện vẫn còn nằm trên giấy. Một trong những chậm trễ này, theo ông Văn là do liên tục có những thay đổi về chính sách. Chẳng hạn, việc Nhà nước hỗ trợ 30% để xây dựng đường điện hạ thế tại khu dân cư (còn 70% do dân đóng góp), đang triển khai thì có chương trình hỗ trợ 50% của tỉnh cho các xã anh hùng. Khi đang tiến hành dang dở quy định này thì chính quyền địa phương lại  nhận được thông báo, là công ty điện lực đầu tư 100% đường dây hạ thế, dân không phải đóng góp. Đến nay, người dân ấp 1 và 2 vẫn tiếp tục phải chờ, vì công tác khảo sát thiết kế do Điện lực Xuân Lộc thực hiện đã xong, nhưng còn phải chờ phê duyệt của Công ty điện lực Đồng Nai.

 

Nói về tình hình lưới điện ở địa phương, ông Trần Hữu Thuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ bức xúc: "Năm ngoái, khi tiếp xúc cử tri, trả lời về vấn đề điện, đại biểu HĐND huyện khẳng định trong quý I năm nay sẽ có. Nay đã bước sang quý II, nhưng mọi chuyện dường như vẫn chẳng nhúc nhích gì. Việc Nhà nước đầu tư 100% chi phí xây dựng đường dây hạ thế điện, người dân rất mừng, nhưng cứ kéo dài tình trạng mãi thì chẳng biết dân sẽ còn phải chịu thiệt thòi đến bao giờ...".

Khắc Giới

 

Tin xem nhiều