Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai: Hướng đi nào phù hợp?

09:04, 29/04/2009

Quý I-2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt trên 18 ngàn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2008 và bằng 20,3% so với kế hoạch cả năm, song đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây...

Quý I-2009, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt trên 18 ngàn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2008 và bằng 20,3% so với kế hoạch cả năm, song đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây...

 

* Từ chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp...

 

Trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh thì công nghiệp chế biến đạt tốc độ tăng cao nhất (12,1%), còn lại một số ngành sản xuất khác đều giảm, chẳng hạn ngành giấy giảm 6,8%; khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng giảm 4,7%; điện - điện tử giảm 4,3%...

 

Trong thời gian gần đây, thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, hàng loạt chương trình hành động của các ngành chức năng tỉnh đã hỗ trợ cho DN trong việc tìm thị trường và phục hồi sản xuất. Nhiều ngành nghề đã được tạo điều kiện tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Đáng kể là hoạt động Diễn đàn kinh tế Việt - Nhật (tổ chức tháng 3-2009); hội chợ quốc tế về đồ gỗ ở Quảng Châu - Trung Quốc (tháng 3-2009); hội chợ triển lãm National Hardware Show 2009 tại Hoa Kỳ; trao đổi với các DN vùng Kansai (Nhật Bản)... đã giúp cho nhiều DN ở Đồng Nai có cơ hội quảng bá sản phẩm của ngành mình. Mới đây nhất, thông qua cuộc gặp giữa thương nhân Malaysia và DN ở Đồng Nai vào giữa tháng 4-2009, hai bên đã tạo được mối liên kết trong hợp tác thương mại và đầu tư. Các công ty: TNHH một thành viên Tín Nghĩa, Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Donafood, cổ phần Nhất Nam, Long Châu... đã tiến hành ký kết ghi nhớ hợp đồng một số mặt hàng nhập khẩu như nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, thông qua chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, có 17 DN đề nghị được hỗ trợ vốn sản xuất với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; 5 DN đăng ký xin hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng vào các cụm CN thuộc các địa phương: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Thống Nhất; 8 dự án đăng ký vay vốn đầu tư hạng mục môi trường...    

     

* Chủ động tìm hướng đi phù hợp

 

Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Dành cho biết, một trong những lĩnh vực sản xuất ổn định trong thời gian gần đây là ngành chế biến thức ăn gia súc. Mặc dù chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế và biến động tỷ giá, đồng thời dịch bệnh trong gia súc xảy ra thường xuyên, nhưng có 5 DN vẫn duy trì mức tăng trưởng khá như: Proconco, Cargill, Thanh Bình, Minh Quân và dinh dưỡng Á Châu. Hiện tại, các DN này đã tiếp cận gói "kích cầu" của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 4% để tiếp tục đầu tư sản xuất. Chẳng hạn, Công ty dinh dưỡng Á Châu đầu tư nhà máy mới ở KCN Long An trị giá 3 triệu USD; Cargill đầu tư nhà máy sản xuất cám cá ở Đồng Tháp; Minh Quân đầu tư nhà máy sấy bắp; Proconco đầu tư 200 tỷ đồng vào việc xây kho, cải thiện máy móc nhằm nâng cao năng suất. Theo ông Dành, trong tình hình suy giảm kinh tế có nhiều rủi ro, nhưng ngành chế biến thức ăn gia súc lại xem đây là cơ hội. Bởi, nếu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng thì đó là cách kinh doanh thành công vì thị trường tiêu thụ sản phẩm 100% là nội địa.

 

Để các DN có thể chủ động sản xuất hiệu quả, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, ông Dành cho rằng Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc cho DN về cơ chế chính sách, vốn, thị trường, thông tin... Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo mọi điều kiện để DN tìm kiếm và mở rộng thị trường. Trên cơ sở phối hợp với Tham tán thương mại nước ngoài và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Thương mại thường xuyên tổ chức, trao đổi giữa các đối tác nước ngoài và DN Đồng Nai để tìm hướng đi phù hợp. Đồng thời, tiếp tục phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của sản xuất; chú ý phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao và các sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hội thảo và hệ thống phân phối tại các siêu thị lớn như: BigC, Co-op mart, Metro, Vinatex, các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp ở Đồng Nai; xúc tiến khôi phục ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đã được UBND tỉnh phê duyệt: dệt thổ cẩm (huyện Tân Phú), đúc gang (Vĩnh Cửu), mây tre lá (Định Quán), gỗ mỹ nghệ (Trảng Bom)...

 

* Kim ngạch xuất khẩu trong quý I-2009 ở Đồng Nai đạt 1,175 tỷ USD (giảm 14,1% so cùng kỳ năm 2008). Trong đó, DN trung ương đạt 24,6 triệu USD (giảm 8,5%) DN địa phương đạt 59,9 triệu USD (giảm 9,9%) và DN có vốn đầu tư nước ngoài 1 tỷ 90 triệu USD (giảm 14,5%). Cùng thời điểm, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (đạt 10,3% kế hoạch). Trong đó, DN địa phương hơn 21 triệu USD (bằng 74,6% so năm 2008), đạt 10% so kế hoạch năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất nhập khẩu đạt thấp là do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng. Đáng chú ý là thị trường Hoa Kỳ, Nga, Đức đã tác động mạnh nhất đến sản xuất và xuất khẩu ở Đồng Nai.

* Nhìn nhận về tác động của cuộc suy thoái toàn cầu, Ngân hàng Thế giới WB đánh giá khá lạc quan đối với kinh tế Việt Nam năm 2009: "Nguy cơ khủng hoảng tài chính ở Việt Nam là thấp; nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán cũng thấp". Đáng chú ý là tình trạng thâm hụt thương mại giảm, chuyển dần sang thặng dư nhỏ...

T. Nguyên

 

 

Tin xem nhiều