Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất công nghiệp qua thời chạm đáy suy thoái

07:09, 18/09/2009

Qua hết quý II năm 2009, tình hình sản xuất công nghiệp đã có nhiều tín hiệu khả quan. Một số ngành sau khi chạm đáy khủng hoảng đang bước vào thời kỳ phục hồi. Theo nhận định của các nhà quản lý, trong những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai sẽ có nhiều điểm sáng hơn.

Qua hết quý II năm 2009, tình hình sản xuất công nghiệp đã có nhiều tín hiệu khả quan. Một số ngành sau khi chạm đáy khủng hoảng đang bước vào thời kỳ phục hồi. Theo nhận định của các nhà quản lý, trong những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai sẽ có nhiều điểm sáng hơn.

 

* Doanh nghiệp khởi sắc

 

Anh Đỗ Văn Hùng, chủ cơ sở sản xuất hàng mây tre đan ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa, chuyên làm hàng xuất khẩu cho một công ty ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, cơ sở của anh đã nhận được nhiều hàng để sản xuất hơn so với những tháng trước. Anh Hùng tâm sự: "So với cùng kỳ năm 2008, lượng hàng sản xuất hiện nay của cơ sở chỉ bằng khoảng 70%, nhưng hiện có thêm hàng để làm là mừng rồi. Vào khoảng tháng 4 và 5 năm nay, cứ vài hôm thì công ty lại báo giảm hàng, tôi nghĩ cứ đà này có khi đến ngưng hẳn sản xuất. Nhiều gia đình nhận hàng về nhà làm phải tạm ngưng vì hàng có quá ít, còn công nhân làm việc tại cơ sở cũng không được đều". Nay thì lượng hàng sản xuất của cơ sở anh Hùng không chỉ đảm bảo thường xuyên cho hơn 20 công nhân, mà còn nối lại việc làm cho một số gia đình trước đây phải ngưng sản xuất.

 

Công nhân đang sản xuất phụ tùng xe gắn máy tại Công ty TNHH Thụy Lâm, thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom.

Tại xưởng sản xuất mộc xuất khẩu của Công ty TNHH Thành Minh ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom), không khí làm việc ở đây rất khẩn trương. Anh Nguyễn Hữu Thành, giám đốc công ty cho biết, hiện mỗi ngày công ty phải tổ chức tăng ca thêm 1 tiếng để kịp hàng xuất. Cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng mộc xuất khẩu khác, áp lực về đơn hàng của Công ty Thành Minh thời gian gần đây khá lớn. Trong gần hết quý II năm nay, sản xuất của công ty hoạt động cầm chừng do không ký được hợp đồng. Anh Thành chia sẻ: "Lúc đó phải bằng mọi cách cố duy trì sản xuất để giữ chân công nhân, nếu không họ đi hết, đến giờ có việc lại không tìm được người. Có nhiều lô hàng tôi phải chấp nhận bị lỗ. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2009 của DN chỉ đạt gần 11 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2008. Đến cuối quý II sang đầu quý III tình hình thấy đỡ hơn, tuy giá hàng xuất vẫn còn thấp".

 

Về ngành sản xuất đồ mộc xuất khẩu, nhiều DN cho biết, đến nay những thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu và Nhật đã có tín hiệu tốt hơn. Theo số liệu của Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) 8 tháng đầu năm của ngành chế biến gỗ, tre đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2008.

 

* Sản xuất phục hồi

Sở Công thương Đồng Nai cho biết, theo dự báo của các cơ quan làm chiến lược trong và ngoài nước, trong những tháng còn lại của năm 2009, tình hình kinh tế thế giới có thể có những tín hiệu tích cực, nhưng dự kiến phải đến cuối năm 2009 hoặc sang năm 2010 mới được hồi phục. Hiện nay, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước ngày càng tăng; các nước nhập khẩu quan tâm nhiều hơn đến việc giành lại thị trường cho doanh nghiệp trong nước, càng gây khó khăn cho các nước, các ngành hàng phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp (SXCN) của Đồng Nai chiếm 60 - 70% là xuất khẩu. Nhiều sản phẩm công nghiệp tuy đã có sự phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp. Giá trị SXCN trong tháng 8 năm 2009 của tỉnh đạt gần 7.160 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng 7. Với 8 tháng đầu năm 2009, giá trị SXCN đạt trên 53.100 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2008 và bằng 63,3% kế hoạch năm 2009 (kế hoạch đã điều chỉnh). Dự kiến, giá trị SXCN cả năm 2009 của tỉnh đạt trên 84.500 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm  2008.

 

Một trong những ngành sản xuất được xem là sớm thoát ra khỏi khó khăn, đó là dệt, may và giày da. Nhiều DN dệt, may bước sang đầu quý III đã ký xong đơn hàng sản xuất cho hết năm 2009, đơn cử như Công ty cổ phần may Đồng Nai (Donagamex). Tổng giám đốc Donagamex Bùi Thế Kích cho biết, hiện công ty đang tuyển dụng thêm lao động và mở rộng nhà máy để đáp ứng sản xuất. Mặc dù là năm khó khăn nhưng 8 tháng đầu năm Donagamex vẫn xuất khẩu được 18 triệu USD, bằng với cùng kỳ năm 2008. Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài khác gần đây cũng đẩy mạnh sản xuất, như: Epic Designers, Fashion Garment, Wacoat... Về sản xuất giày, hãng Nike cũng đã tăng đơn đặt hàng cho DN nên đã tăng thêm giá trị sản xuất. Tính đến hết tháng 8-2009, giá trị sản xuất của ngành dệt, may và giày da đạt trên 11.500 tỷ đồng, tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2008. Ngoài ra, một số ngành sản xuất khác cũng đã có dấu hiệu phục hồi như: cơ khí tăng 5,8% (so với cùng kỳ 2008), hóa chất tăng 8,43%, chế biến nông sản và thực phẩm tăng 13%...

 

Nhận xét về tình hình sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai, ông Lê Sĩ Lâm, Trưởng phòng Kế hoạch của Sở Công thương cho hay, hiện chỉ còn 3 ngành sản xuất là công nghiệp giấy, điện tử và vật liệu xây dựng đang gặp khó khăn, còn hầu hết các ngành CN khác giá trị sản xuất đều có mức tăng từ 8 - 13% so với cùng kỳ. "Thông thường dịp cuối năm nhiều ngành như dệt, may và giày da; chế biến gỗ; mây tre đan; chế biến thực phẩm bước vào sản xuất mạnh. Tôi nghĩ trong quý IV năm nay, mức độ phục hồi sản xuất sẽ thấy rõ hơn, lúc đó cũng là mùa sản xuất của nhiều ngành hàng, kể cả hàng tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu. Qua theo dõi, trong quý I giá trị sản xuất CN của tỉnh tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2008; 6 tháng đầu năm 2009 tăng 7,15% và  ước 9 tháng tăng khoảng 8%, như vậy mục tiêu giá trị sản xuất CN năm nay tăng 10%, tôi nghĩ là có thể đạt được".

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều