Thị trường thiết bị điện hiện rất đa dạng từ sản phẩm, mẫu mã cho đến giá cả là cơ hội cho người tiêu dùng thả sức chọn lựa. Tuy nhiên, những sản phẩm kém chất lượng đang bày bán tràn lan không chỉ gây lãng phí điện năng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến chết người.
Thị trường thiết bị điện hiện rất đa dạng từ sản phẩm, mẫu mã cho đến giá cả là cơ hội cho người tiêu dùng thả sức chọn lựa. Tuy nhiên, những sản phẩm kém chất lượng đang bày bán tràn lan không chỉ gây lãng phí điện năng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến chết người.
* Rủi ro từ hàng kém chất lượng
Chị Huỳnh Ngọc (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đã bị điện giật khi đang sử dụng bàn ủi. Chị cho biết, chiếc bàn ủi mới mua của một nhóm người bán hàng khuyến mãi với giá 330 ngàn đồng, sử dụng được 2 tuần thì có hiện tượng không "ăn" điện, mang ra tiệm sửa rồi ai ngờ khi sử dụng lại bị điện giật tê rần cả cánh tay. Chị cũng cho biết, bình thường gia đình tiêu thụ khoảng 150-160kW/tháng nhưng khi sử dụng bàn ủi này, mức tiêu thụ điện tăng thêm 15 kW/tháng.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Thanh Sơn (ấp Tân Triều, xã Tân Bình, Vĩnh Cửu) bị điện giật từ ổ cắm điện. "Ổ cắm điện dạng tròn còn mới nguyên, vừa bóc ra để nối điện từ quạt máy. Không ngờ dây điện bị rò rỉ, mình đi ngang vô tình đụng phải bị giật bắn người" - anh Sơn cho biết. Qua tiếp xúc, nhiều người cho biết đã từng bị điện giật khi sử dụng các thiết bị điện như nồi cơm điện, bếp điện, máy nước nóng, bình thủy cao tốc...
Theo anh Huỳnh Hữu Thủy, kỹ sư điện Công ty TNHH Kim Hùng (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), thiết bị điện là mặt hàng có nguy cơ gây tai nạn, thậm chí dẫn đến chết người rất cao. Trong đó, nhóm đồ điện gia dụng có khả năng gây rò rỉ, cháy nổ điện cao là bàn ủi, bếp điện, lò nướng điện, ấm điện, bình thủy điện và nồi cơm điện. Kỹ sư Huỳnh Hữu Thủy cho biết: "Nguyên lý hoạt động chung của nhóm thiết bị này là đều sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng trực tiếp hoặc gián tiếp, nên nguy cơ rò rỉ điện rất cao nếu nhà sản xuất sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng hoặc lắp ráp không đúng kỹ thuật". Thêm vào đó, dây dẫn sử dụng vỏ bọc bằng nhựa kém chất lượng, không đúng kỹ thuật dễ dẫn đến giòn, nứt hoặc bị chảy, người sử dụng sơ ý là có thể gặp ngay sự cố.
Cũng theo anh Thủy, thiết bị điện kém chất lượng thường tiêu thụ một lượng điện năng lớn hơn nhiều lần so với các thiết bị hợp chuẩn khác. Sử dụng các loại ổ cắm, công tắc không đạt chuẩn sẽ dẫn đến điện áp bị sụt giảm, cung cấp không đủ công suất làm các thiết bị điện như tủ lạnh, máy lạnh... hoạt động liên tục gây hao điện, giảm tuổi thọ.
* Kiểm soát chất lượng: bỏ ngỏ?
Khảo sát các điểm kinh doanh đồ điện tại các chợ và điểm bán mặt hàng này ở TP.Biên Hòa cho thấy, đây là một trong những nhóm hàng đa dạng nhưng cũng rất phức tạp, trong đó hàng Trung Quốc chiếm khá nhiều, kế đến là sản phẩm của các cơ sở nhỏ.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) mới đây đã công bố kết quả kiểm nghiệm 36 mẫu dây, cáp điện bọc nhựa PVC lấy ngẫu nhiên trên thị trường có 64% vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa, 25% vi phạm về vật liệu ruột dẫn, 56% vi phạm về kết cấu ruột dẫn, 64% không đạt về tiêu chuẩn điện trở...
Anh Đinh Hà Tùng, chủ một tiệm kinh doanh đồ điện khu vực chợ Phúc Hải cho biết, chỉ riêng mặt hàng dây điện, ổ cắm đã có hàng chục nhãn hiệu, giá cả chênh lệch nhau từ 30 - 50%, thậm chí 70% tùy thương hiệu và chất lượng sản phẩm. "Ví dụ ổ cắm điện, có cái giá chỉ 30 ngàn đồng, song có cái lên đến 200 ngàn đồng tùy thuộc vào chất lượng dây dẫn, phích cắm, mẫu mã. Hàng rẻ tiền thường sử dụng ruột dây dẫn điện bằng kim loại phế thải, lớp nhựa bọc ngoài cũng kém nên dễ nóng chảy" - anh Tùng dẫn chứng.
Trong khi đó, theo anh Thanh, một người phụ bán đồ điện hơn 10 năm ở chợ Biên Hòa, cho biết các mặt hàng ổ cắm, công tắc bày bán trên thị trường hiện có đến 2/3 là hàng nhái các nhãn hiệu có uy tín. "Loại hàng này giá rất rẻ, như ổ cắm, công tắc có chất lượng tương đối tốt giá từ 40.000 - 70.000 đồng/cái trong khi hàng dỏm chỉ có 7.000 - 10.000 đồng/cái; thiết bị chống giật, chống rò điện dỏm chỉ vài ba chục ngàn đồng trong khi hàng bảo đảm chất lượng giá từ vài trăm ngàn đồng, thậm chí trên 1 triệu đồng/bộ" - anh Thanh nói.
Một mặt hàng cũng được người tiêu dùng khá ưa chuộng hiện nay là bóng đèn compact vì tính năng tiết kiệm điện tốt hơn bóng đèn huỳnh quang. Song trên thực tế, thị trường có rất nhiều loại bóng đèn này và giá cả chênh nhau rất nhiều lần khiến người mua không biết đâu mà lần. "Nhiều bóng đèn mua về có độ sáng yếu, độ bền kém, chế độ bảo hành không có, xem kỹ mới biết hàng Trung Quốc" - anh Đồng Nhật Tuấn, phường Bửu Long - cho biết.
Thu Trang