KCN đã trở thành quen thuộc và không thể thiếu trong quá trình CNH-HĐH vì các lợi ích của nó, như: sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất và kết cấu hạ tầng chung, thuận tiện trong quản lý và bảo vệ môi trường (đảm bảo diện tích cây xanh, xử lý chất thải, cách ly dân cư), tăng cường xã hội hóa các nguồn đầu tư.
KCN đã trở thành quen thuộc và không thể thiếu trong quá trình CNH-HĐH vì các lợi ích của nó, như: sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất và kết cấu hạ tầng chung, thuận tiện trong quản lý và bảo vệ môi trường (đảm bảo diện tích cây xanh, xử lý chất thải, cách ly dân cư), tăng cường xã hội hóa các nguồn đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để thu hút nhà đầu tư thì việc "thay áo mới" cho KCN là vấn đề thiết thực.
* Tăng cường chăm sóc nhà đầu tư
Theo các nhà đầu tư hạ tầng, việc suy giảm đầu tư trong các KCN là tình hình chung của nền kinh tế trong thời kỳ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, KCN chậm phát triển cũng đồng nghĩa với công nghiệp sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu kém phát triển. Chính vì thế, cần nhìn nhận những nguyên nhân dẫn đến việc thu hút nhà đầu tư vào các KCN giảm để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc nhằm phát triển các KCN, nhất là các lĩnh vực như: thuế, đầu tư, lao động, xây dựng, môi trường, hạ tầng...
Ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, chính những ưu đãi thu hút vào KCN gần đây đã bị bãi bỏ, những quy định mới của Nghị định 69 cùng mức thuế mới đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Ông Lập dẫn chứng: "Việc ưu đãi thuế giảm liên tục và không theo lộ trình nhất định cũng như cam kết với nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chưa mặn mà. Quy định Luật Thuế thu nhập DN thay đổi cả những ưu đãi của những nhà đầu tư được pháp luật cho phép hưởng trước đó, thay đổi quan điểm từ ưu đãi theo dự án sang ưu đãi theo pháp nhân. Hàng loạt DN có vướng mắc về ưu đãi thuế, nhiều DN khiếu nại, DN bị truy thu thuế. Đặc biệt, trong năm 2009, đầu tư vào KCN không còn được hưởng ưu đãi, trừ khi đầu tư vào một số ngành nghề hạn chế và các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn đặc biệt".
Nhiều chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng than phiền rằng, trước đây quy định KCN lấp đầy từ 70% diện tích phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng vài năm gần đây thì có sự thay đổi, các KCN phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung mới cho thuê đất. Trong khi đó, các KCN mới thành lập chưa có thông tin về nguồn nước thải của DN nên gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải hoàn chỉnh nhưng thực tế hoạt động lại rất lãng phí. Như nhà máy xử lý nước thải của KCN Nhơn Trạch 3 với công suất 2.000m3/ngày nhưng thực tế hiện chỉ xử lý 300m3/ngày.
* Hoàn chỉnh hạ tầng trong và ngoài KCN
Nhiều chủ đầu tư cho rằng, hạ tầng môi trường ngoài KCN thuộc trách nhiệm của nhà nước đầu tư cũng chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến dân cư và môi trường sinh thái, ngược lại gây áp lực cho nhà đầu tư. Ông Trần Việt Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Nhơn Trạch 3, cho rằng phải tăng cường chăm sóc nhà đầu tư từ chủ trương tới chính sách, đặc biệt là hoàn chỉnh hạ tầng trong và ngoài KCN mới có thể thu hút DN. Tại KCN Nhơn Trạch 3, các hạng mục dịch vụ hạ tầng KCN như: đường giao thông, điện, nước sạch, môi trường, dịch vụ khách hàng đều được chú trọng hoàn chỉnh. "Đó là những điều nhà đầu tư hạ tầng có thể làm được, song còn rất nhiều điều nằm ngoài tầm với của các chủ đầu tư hạ tầng, như: nguồn lao động, nhân lực bậc cao, dịch vụ ăn uống, taxi, nhà nghỉ dành cho chuyên gia nước ngoài, dịch vụ vui chơi, giải trí... Ví dụ như đường 25B vẫn còn kém, đường chưa mở rộng; hệ thống cảng Phước An chưa đáp ứng, tàu hàng lớn không thể vào được. Những bất cập này cũng là trở ngại lớn và cứ kéo dài" - ông Hà cho biết.
Nhà máy xử lý hệ thống nước thải KCN Nhơn Trạch 3 công suất 2.000m3/ngày nhưng hiện chỉ xử lý 300m3/ngày. |
Trong khi đó, chủ trương của Đồng Nai là hạn chế thu hút các ngành nghề thâm dụng lao động phổ thông, ưu tiên thu hút dự án đầu tư công nghệ cao, ít ảnh hưởng môi trường, đòi hỏi các địa phương phải có lực lượng lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao. Song, thực tế Đồng Nai khan hiếm nguồn nhân lực cao. Theo ông Võ Cao Nhất, Giám đốc KCN Định Quán, chất lượng lao động thấp, thiếu công nhân có tay nghề, lao động chất lượng cao, nhà ở cho công nhân, bệnh viện, trường học phục vụ KCN đều thiếu... là nguyên nhân khiến nhiều DN ngần ngại.
Thu Trang