Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cẩm Mỹ, tính đến hết quý I năm 2011, toàn huyện đã có trên 2.700 lao động vào làm việc tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đây là một con số rất đáng phấn khởi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực, khi mà huyện đã xác định từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển mạnh về công nghiệp...
Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cẩm Mỹ, tính đến hết quý I năm 2011, toàn huyện đã có trên 2.700 lao động vào làm việc tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đây là một con số rất đáng phấn khởi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực, khi mà huyện đã xác định từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển mạnh về công nghiệp...
* Lợi thế cho ngành công nghiệp phát triển
Là một huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có các đầu mối giao thông thuận lợi về đường bộ, Cẩm Mỹ đang có rất nhiều điều kiện để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa với các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, theo quy hoạch của trung ương và của tỉnh, huyện Cẩm Mỹ nằm trong một vùng kinh tế phát triển với nhiều công trình được xây dựng quy mô lớn, có tác động mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, như: Sân bay quốc tế Long Thành (kế cận huyện Cẩm Mỹ); đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (dài 54,94km, đoạn đi qua huyện Cẩm Mỹ dài 8km); Cụm cảng nước sâu Vũng Tàu - Thị Vải... Các công trình này khi xây dựng hoàn thành có thể thu hút rất nhiều nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương.
Trên cơ sở nghiên cứu, khai thác các tiềm năng, lợi thế nói trên, Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ đã xác định, từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện mục tiêu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, riêng về công nghiệp, huyện sẽ ưu tiên tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực, bao gồm: công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; công nghiệp dệt may, giày dép; công nghiệp cơ khí; công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.
Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phấn đấu đạt trên 50% kế hoạch sản xuất năm trong quý II Trong quý II, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) huyện Cẩm Mỹ đặt mục tiêu phấn đấu đạt trên 50% kế hoạch sản xuất năm. Cụ thể, huyện sẽ phối hợp với UBND các xã hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt cho nhân dân và các doanh nghiệp để tăng giá trị sản xuất quý II đạt trên 70 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng sẽ phối hợp Trung tâm khuyến công Đồng Nai tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở CN-TTCN trên địa bàn huyện. Cũng trong quý II này, cùng với UBND các xã, huyện sẽ rà soát lại các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp cơ khí; công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó, làm cơ sở triển khai thực hiện chương trình khuyến công năm 2011 đạt kết quả tốt nhất. |
Để thực hiện được mục tiêu này, huyện sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư có chiều sâu vào ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và tính cạnh tranh cao, đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện về môi trường. Đối với ngành công nghiệp dệt may, giày dép, mặc dù cũng ưu tiên phát triển, nhưng huyện sẽ không thu hút dệt nhuộm do sử dụng nhiều nước và nguy cơ ô nhiễm cao. Riêng lĩnh vực công nghiệp cơ khí, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án ngành cơ khí điện tử, chủ yếu là thiết bị điện để đến năm 2020 đưa ngành cơ khí trở thành một trong những ngành chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu ngành công nghiệp của huyện. Ngoài ra, huyện Cẩm Mỹ cũng sẽ dựa trên nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương để tiếp tục phát triển các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
* Tập trung đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, huyện Cẩm Mỹ đã thực hiện tốt chương trình kế hoạch hóa dân số gắn với phát triển giáo dục và đào tạo, nên số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của huyện đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động của huyện đang chiếm khoảng 60%, trong đó tỷ lệ lao động thuộc khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm gần 80%, còn lại là lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ. Tuy số lượng và chất lượng lao động công nghiệp còn khiêm tốn, nhưng trong những tháng đầu năm 2011, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của huyện cũng đã có nhiều tín hiệu đáng phấn khởi. Tính đến hết quý I năm 2011, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện đạt trên 62,3 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đã có nhiều hợp đồng thực hiện có giá trị cao, như: chế biến nông sản, gỗ mỹ nghệ, kỹ nghệ sắt...
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra, thì nguồn nhân lực của huyện hiện vẫn còn thiếu hụt rất lớn, nhất là đối với ngành công nghiệp có kỹ thuật cao và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh doanh... Bởi, theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu lao động công nghiệp trên địa bàn huyện sẽ phát triển lên tới khoảng 15 ngàn người.
Để khắc phục tình trạng khó khăn nói trên, huyện xem việc phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những chủ trương, chính sách hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người lao động tiếp cận và tham gia, huyện cũng khuyến khích và đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đa dạng hóa các hình thức sở hữu và thu hút vốn đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tăng đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, huyện cũng sẽ quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách đầu tư xây dựng mới Trung tâm dạy nghề huyện để có khả năng đào tạo từ 2 - 3 ngàn lao động/năm; khuyến khích mở rộng các cơ sở dạy nghề tư nhân và tăng cường nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Cùng với đó, huyện sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần, giải quyết tốt vấn đề nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống để giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Đồng thời, phát triển các loại hình dịch vụ có chất lượng, như dịch vụ nhà trọ, nấu ăn cho công nhân, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa, dịch vụ vui chơi giải trí... Đây cũng chính là một trong những yếu tố tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư và người lao động đến với địa phương.
Toàn huyện Cẩm Mỹ có 668 cơ sở sản xuất công nghiệp Theo thống kê của Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Cẩm Mỹ, đến hết quý I, toàn huyện có 668 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 17 cơ sở so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 66 doanh nghiệp tư nhân, còn lại là các hộ sản xuất cá thể. Các cơ sở này đã tạo việc làm cho hơn 2.700 lao động. Các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện là: nước đá, đá xây dựng, gạch các loại, cửa sắt, mộc dân dụng, may đo, bàn ghế đá, tinh dầu điều, hạt điều nhân... Cũng trong thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đã có nhiều hợp đồng thực hiện có giá trị cao, như: chế biến nông sản, gỗ mỹ nghệ, kỹ nghệ sắt... Đến hết tháng 4, giá trị sản xuất của ngành trên 86,4 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch năm. |
Lâm Ngân