Thành lập tháng 7-2007, Công ty TNHH Scansia Pacific (huyện Nhơn Trạch), doanh nghiệp liên kết giữa Anh và Na Uy, chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu. Thời kỳ đầu khi mới đi vào hoạt động, riêng khoản điện sử dụng, mỗi năm công ty tiêu thụ gần 200 ngàn kWh, tương ứng với hàng tỷ đồng.
Thành lập tháng 7-2007, Công ty TNHH Scansia Pacific (huyện Nhơn Trạch), doanh nghiệp liên kết giữa Anh và Na Uy, chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu. Thời kỳ đầu khi mới đi vào hoạt động, riêng khoản điện sử dụng, mỗi năm công ty tiêu thụ gần 200 ngàn kWh, tương ứng với hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2010 cho đến nay, hưởng ứng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiết kiệm điện (TKĐ), Scansia Pacific đã giảm chi phí mỗi tháng gần 100 triệu đồng.
Phó giám đốc Công ty Scansia Pacific Đinh Diễm Thuý cho biết, là doanh nghiệp sản xuất vật dụng đồ gỗ dùng trong nội thất và để ngoài trời, nên nhu cầu sử dụng điện là khá lớn. Tuy nhiên, thời gian đầu sản xuất, do còn thiếu kinh nghiệm nên chi phí cho khoản sử dụng điện rất cao. Dạo ấy, tại mỗi phân xưởng sản xuất, mỗi lần đóng cầu giao là toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng đều bật. Doanh nghiệp có 4 phân xưởng và hai kho hàng, mỗi phân xưởng lắp đặt hàng ngàn bóng đèn néon 1,2 mét và hàng trăm đèn cao áp. Tính ra mỗi ngày sản xuất, chỉ tính riêng hệ thống đèn chiếu sáng đã tốn hàng ngàn kWh điện. Đó là chưa kể những chi phí khác như quạt, các thiết bị sản xuất không sử dụng nhưng máy vẫn chạy.
Trước khó khăn chung về điện sử dụng, cuối năm 2009, sau khi công ty rà soát lại nhu cầu sử dụng điện năng, mới thấy được những bất hợp lý trong việc sử dụng điện một cách tùy tiện, lãng phí ở mọi khâu sản xuất. Từ đó, lãnh đạo Scansia Pacific đã đặt ra quy chế, mọi công nhân phải có ý thức tự giác trong việc hưởng ứng, thực hiện TKĐ hiệu quả. Ban đầu, công ty cắt hoàn toàn hệ thống đèn cao áp tại các phân xưởng, và giảm đèn néon từ hàng ngàn bóng xuống còn 300 bóng, đồng thời gắn trực tiếp trên mỗi các máy như: cắt gỗ, bào, cắt mộng, đục... "Thiết kế" mới này giúp độ sáng tập trung hơn vào những nơi cần ánh sáng. Đối với hai kho hàng, chỉ khi nào cần thiết mới bật 1 bóng đèn huỳnh quang duy nhất. Ngoài ra, khi không làm việc, công nhân đứng máy phải có trách nhiệm tắt đèn, rút ổ cắm quạt (nếu có). Mặt khác, ở mọi phía trong các phân xưởng đều được tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách luôn lau chùi cửa kiếng sao cho lấy được độ sáng tốt nhất.
Một trong những "chế tài" khi mới áp dụng đã khiến nhiều người khó chịu, nhưng dần dần đã tạo được sự nhận thức đúng đắn, đó là phạt tiền mỗi khi vi phạm các quy định về TKĐ. Trường hợp tái phạm lần hai sẽ phải làm cam kết, lập lại nhiều lần hình thức vi phạm thì thời gian tăng lương sẽ phải kéo dài; sai phạm nghiêm trọng có thể bị cắt hợp đồng. Theo bà Thúy, từ khi phổ biến chủ trương TKĐ, quy ước giữa lãnh đạo Công ty và người lao động được giám sát chặt chẽ, chưa người nào bị phạt tiền nhiều lần.
Thống kê tài chính ở Scansia Pacific cho thấy, năm 2009 khi chưa thực hiện TKĐ và thời gian này chỉ sản xuất một ca, nhưng điện năng tiêu thụ ở Công ty mỗi tháng lên đến 190 ngàn kWh, chi phí hết hơn 2,1 tỷ đồng. Sang đến năm 2010, dù liên tục sản xuất hai ca 16 tiếng, nhưng điện năng cũng chỉ sử dụng hết khoảng 240 ngàn kWh/tháng, phí tổn 2,7 tỷ đồng (thời điểm giá điện cao hơn năm 2009). Tính ra, mỗi tháng doanh nghiệp giảm được khoảng 70 ngàn kWh điện, tương ứng gần 100 triệu đồng.
Đánh giá về việc thực hiện TKĐ tại Công ty Scansia Pacific, Điện lực Nhơn Trạch cho rằng, năm 2010 doanh nghiệp làm ăn đạt hiệu quả cao hơn những năm trước, trong đó một phần nhờ vào tiết giảm chi phí điện. Chỉ đơn cử trong tháng 4-2011, sản lượng điện sản xuất phân bổ cho Scansia Pacific mỗi ngày 7.783kWh, trong khi đơn vị chỉ sử dụng 4.400kWh. Điều này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Công ty trong việc ứng dụng các giải pháp, nhằm hạn chế thấp nhất chi phí sản xuất để gia tăng lợi nhuận.
Đỗ Duy