Nằm cách trung tâm huyện lỵ Xuân Lộc khoảng 4km, các khu thị tứ chợ Suối Cát chừng 1km, nhưng bà con nhân dân ở tổ 24 đoạn ngang ngã 3 Bảo Chánh và một số khu vực lân cận hoàn toàn không có được nguồn nước sạch để sinh hoạt và ăn uống. Cứ mỗi chiều sau giờ lao động, bà con mỗi người một chiếc xe đạp đi chở từng thùng nước về nhà...
Nằm cách trung tâm huyện lỵ Xuân Lộc khoảng 4km, các khu thị tứ chợ Suối Cát chừng 1km, nhưng bà con nhân dân ở tổ 24 đoạn ngang ngã 3 Bảo Chánh và một số khu vực lân cận hoàn toàn không có được nguồn nước sạch để sinh hoạt và ăn uống. Cứ mỗi chiều sau giờ lao động, bà con mỗi người một chiếc xe đạp đi chở từng thùng nước về nhà...
ADVERTISEMENT
Hiện nay ở các xã: Xuân Phú, Suối Cát, người dân còn phải sống trong cảnh khó khăn vì thiếu nguồn nước sạch. Nhiều bà con sinh sống ở khu vực ngã 3 Bảo Chánh than thở: "Tụi tui sống ở đây thiệt thòi lắm! Thời buổi này mà còn phải đạp xe đi chở từng thùng nước sạch để về sinh hoạt. Nước ở đây phèn và vôi nhiều lắm, không thể sử dụng được". Khi được một người bạn dẫn đi một vòng, tôi mới thấy rõ không phải người dân không đào được giếng mà nước giếng ở đây cái nào cũng có màu vàng khè, ngậm vào miệng thì vừa chua vừa chát. Một vài hộ dân đánh liều khoan giếng sâu thêm vài chục mét nhưng càng sâu thì nước lại càng bị phèn nhiều hơn. Bác Ba Nhu, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết: "Chúng tôi sống ở đây mấy mươi năm rồi, ai cũng phải chịu cái cảnh cực khổ như thế này vì không có nước sạch để sinh hoạt. Nước ở đây giặt quần áo thì bị ố vàng, nước đựng vào thau, vào thùng lâu ngày đóng từng lớp thấy sợ lắm, nhất là khi chúng tôi rửa rau sống và rửa các loại thực phẩm, chế biến thức ăn, chất vôi và phèn bám vào rất dễ gây ra bệnh. Chúng tôi biết mà vẫn sử dụng, vì ở đây không có nguồn nước sạch". Anh Năm Mộc, nhà cũng gần đấy chen vào: "Chú không biết, chứ nước ở đây ghê lắm, vậy mà chúng tôi phải ráng xài, vì nếu không thì lấy nước ở đâu? Chú em thử tắm loại nước này mà xem, trên da sẽ đóng bợn và rít không chịu được, chúng tôi ao ước có được nguồn nước sạch để sinh hoạt". Ngoài việc thiếu nước sinh hoạt, đất đai ở đây cũng khá nhiều nhưng do không có nguồn nước nên bà con chỉ canh tác được một vụ duy nhất vào mùa mưa. Bác Hai Triện, tổ trưởng tổ 24, ấp Suối Cát 1 cho biết: "Cuộc sống của bà con ở đây còn khổ lắm. Hơn 85% hộ dân có người đi làm xa để mưu sinh, con cái học tới lớp 8 lớp 9 thì nghỉ học đi phụ hồ. Chúng tôi buồn và lo lắm nhưng hoàn cảnh nó thế đành phải chịu". Bác Triện còn cho biết thêm, bà con chúng tôi đã từng kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nghe nói vừa rồi Công ty cấp nước huyện có cử cán bộ xuống khảo sát nhưng họ sợ là người dân ở đây không vào đồng hồ nước, công ty sẽ lỗ tiền đầu tư? Về vấn đề này, anh Hùng, tổ phó 24 cho biết: "Người dân ở đây ai cũng ao ước có nước sạch để sinh hoạt. Trước đây cái vụ điện cũng vậy, lúc đầu nhà Nước cứ sợ là bà con không vô nhưng đến nay thì nhà nào cũng có công tơ điện chính cả". Qua khảo sát một vòng địa bàn xã Suối Cát ở khu vực chợ và một số khu vực khác, chúng tôi nhận thấy giếng ở những nơi này không có phèn, hoặc phèn ít nhưng lại có thêm nước máy, còn những vùng như tổ 24 và một số vùng lân cận thì không có được một giọt nước sạch, người dân phải đi mua từng thùng nước để sinh hoạt.
ADVERTISEMENT
Điều đáng nói là ở những khu vực thiếu nước sinh hoạt chỉ nằm cách quốc lộ 1A, nơi có đường nước máy đi qua khoảng chừng vài trăm mét. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, Công ty cấp nước Xuân Lộc và các ngành chức năng cũng nên xem xét, tạo điều kiện cho bà con sớm đạt được mơ ước là có nước sạch để sinh hoạt, giúp họ an tâm làm ăn phát triển kinh tế.
Ngọc Hoàng