Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nghị các di sản và khu sinh quyển thế giới tại Việt Nam: Góp ý tưởng cho phát triển bền vững

10:12, 19/12/2006

Các nhà khoa học, nhà quản lý di sản và sinh quyển vừa có cuộc hội nghị kéo dài ba ngày, từ 16 đến 18-12 tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Tại hội nghị, rất nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa ra để các khu di sản (KDS), khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu quản lý và phát triển bền vững.

Các nhà khoa học, nhà quản lý di sản và sinh quyển vừa có cuộc hội nghị kéo dài ba ngày, từ 16 đến 18-12 tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Tại hội nghị, rất nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa ra để các khu di sản (KDS), khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu quản lý và phát triển bền vững.

 

* Hòa nhập nhanh hơn với thế giới

Vườn quốc gia Ba Bể đang đệ trình UNESCO hồ sơ đề cử là di sản thiên nhiên thế giới.

ADVERTISEMENT

 

PGS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Phó chủ tịch Ủy ban chương trình Con người và sinh quyển (MAB) thế giới đã mở đầu hội nghị như trên khi đề cập đến các KDS và KDTSQ thế giới tại Việt Nam. Ông cho rằng, việc đưa các khu vực có hệ sinh thái đặc trưng và điển hình trở thành khu "dự trữ" cho nhân loại chính là cách bảo tồn những di sản để lại cho thế hệ mai sau. Theo ông, nếu không hòa nhập nhanh hơn với thế giới, các di sản và khu bảo tồn thiên nhiên của nước ta sẽ còn chịu nhiều thiệt thòi do nằm ngoài các mạng lưới di sản và sinh quyển thế giới. Việc tham gia mạng lưới sẽ giúp các di sản và khu bảo tồn thiên nhiên trong nước dễ dàng nhận được sự hợp tác của nhiều quốc gia, tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại (GIS, internet...) trong việc giám sát, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như có cơ hội tiếp cận với các quỹ hỗ trợ của quốc tế.

ADVERTISEMENT

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục phó Cục Di sản văn hóa đề xuất một hành động chung cho các KDS & KDTSQ trong nước hiện nay là: sát cánh với nhau và với các KDS, KDTSQ thế giới theo tính chất song phương hoặc đa phương, trực tiếp hoặc thông qua các cuộc gặp gỡ thường niên. Ông còn chia sẻ với hội nghị một tin vui khi biết ý tưởng về các khu di sản và khu sinh quyển xuyên biên giới đang có những động thái đầu tiên và cụ thể. Chẳng hạn như Phong Nha - Kẻ Bàng đang bắt tay cùng khu bảo tồn Him Nam Nô của Lào để hình thành một khu di sản thiên nhiên xuyên biên giới. Nếu việc liên kết thành công, rất có thể Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được UNESCO công nhận thêm giá trị về đa dạng sinh học. VQG Chư Mom Ray nằm ngay ngã ba Đông Dương cũng đang hợp tác với các khu bảo tồn liền kề thuộc địa phận của Lào và Campuchia để tiến tới hình thành KDTSQ chung cho cả khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hòa nhập nhanh hơn với thế giới không chỉ giúp công tác bảo tồn các di sản và khu sinh quyển được tốt hơn, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, thông qua việc hình thành các con đường du lịch di sản và sinh quyển liên tỉnh và liên quốc gia.

 

ADVERTISEMENT

* Lấp khoảng trống công viên địa chất

 

Kể từ KDTSQ đầu tiên được UNESCO công nhận là rừng ngập mặn Cần Giờ, đến nay Việt Nam đã đóng góp được thêm 3 KDTSQ, gồm: rừng Cát Tiên, quần đảo Cát Bà và vùng đất ngập nước ven biển châu thổ sông Hồng. Thông tin mới nhất cho biết KDTSQ Kiên Giang vừa được UNESCO công nhận. Về di sản, Việt Nam đã có 7 di sản được UNESCO công nhận, thuộc các loại hình di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng), di sản văn hóa vật thể (cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn) và phi vật thể (Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên). Các hồ sơ đề cử dự kiến trình UNESCO sắp tới bao gồm: Quần thể di sản văn hóa Thăng Long, thành nhà Hồ, hang Con Moong, VQG Cát Tiên.

Đề xuất này của TS. Trần Tân Văn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản nhận được khá nhiều sự quan tâm của hội nghị. Ông cho biết, chỉ mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây nhưng "du lịch địa chất" (Geotourism) - một loại hình du lịch văn hóa - sinh thái mới, đã nhanh chóng phát triển rộng khắp thế giới. Là sợi dây kết nối giữa tự nhiên và văn hóa của một vùng, một khu vực, "du lịch địa chất" có thể đáp ứng những xu hướng cũng như những nhu cầu mới của du khách, qua đó góp phần vào phát triển bền vững của nhiều vùng lãnh thổ. Du lịch địa chất gắn liền với các di sản địa chất. Đó thường là nơi hội tụ, lưu giữ những dấu ấn của lịch sử phát triển địa chất, lịch sử tiến hóa của một vùng, một khu vực trên trái đất. Vì vậy, di sản địa chất có thể là hang động, hẻm sông, hồ, thác nước; các di tích cổ sinh, hóa thạch; các thành tạo, cảnh quan còn ghi lại những biến cố, bối cảnh địa chất đặc biệt, hoặc thậm chí có thể là một khu mỏ đã ngừng khai thác...

Những địa điểm, khu vực như vậy có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử đặc biệt và có tiềm năng thu hút du khách rất đáng kể. Các di sản địa chất cũng cần được bảo tồn vì nó là dạng tài nguyên một khi đã mất đi không thể tái tạo, phục hồi được nữa. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, biện pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn các di sản địa chất là thành lập các geopark (công viên hoặc khu bảo tồn địa chất). Theo TS Trần Tân Văn, nhiều khu vực ở nước ta hoàn toàn có thể thành lập công viên địa chất, chẳng hạn như cao nguyên đá ở Hà Giang, bãi biển Đá Nhảy ở Quảng Bình, vùng núi đá vôi ở Phong Nha - Kẻ Bàng... Ngay như ở Đồng Nai, khu vực các miệng núi lửa đã tắt ở Định Quán, Tân Phú cũng có thể hình thành công viên địa chất. Rất tiếc, đây vẫn còn là một khoảng trống trong công tác bảo tồn của nước ta.

 

* Không để nhiều loại hình di sản nằm ngoài luật

 

Kiến nghị này được hầu hết các phát biểu tại hội nghị đề cập tới như một vấn đề bất cập nhất trong quản lý và phát triển bền vững các di sản và khu bảo tồn ở nước ta hiện nay. Ông Hồ Minh Tuấn, Phó tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam phân tích: Trong số 3 loại hình di sản được thế giới hiện quan tâm là di sản thiên nhiên (trong đó có KDTSQ), di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) và di sản địa chất, thì có tới 2,5 loại hình nằm ngoài hệ thống luật của chúng ta hiện nay. Chỉ có di sản văn hóa vật thể là nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản. Các ý kiến cho rằng, hệ thống luật về di sản cần sớm được điều chỉnh, hình thành khung pháp lý cho những khái niệm mới trong bảo tồn di sản, chẳng hạn như di sản địa chất. Cơ chế quản lý các di sản và khu sinh quyển có phạm vi nằm trên địa giới hành chính của nhiều tỉnh còn chồng chéo và nhiều bất cập cũng được nhiều đại biểu đưa ra phân tích để kiến nghị biện pháp tháo gỡ. Ông Võ Trí Chung, chuyên gia của Viện Môi trường và phát triển bền vững cho rằng, nên thống nhất việc quản lý các khu di sản và sinh quyển về một đầu mối, chẳng hạn như thành lập một cơ quan chuyên trách nhà nước về bảo tồn mà nhiều nước đã làm.

Minh Chánh

 

 

 

 

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT