Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai quản lý các bến phà ở xã Thanh Sơn?

10:02, 26/02/2007

Sông Đồng Nai là con sông chảy suốt chiều dài xã Thanh Sơn, trở thành ranh giới ngăn cách xã với bên ngoài. Vì thế, muốn ra quốc lộ 20 để đi Biên Hòa, Sài Gòn, Đà Lạt... người dân nơi đây nhất thiết phải qua sông bằng phà hoặc đò.

Bốc dỡ hàng hóa qua sông.

Sông Đồng Nai là con sông chảy suốt chiều dài xã Thanh Sơn, trở thành ranh giới ngăn cách xã với bên ngoài. Vì thế, muốn ra quốc lộ 20 để đi Biên Hòa, Sài Gòn, Đà Lạt... người dân nơi đây nhất thiết phải qua sông bằng phà hoặc đò.

 

* Qua sông thì phải...  lụy phà!

 

Nắm được lợi thế nói trên, nhiều tư nhân đã mở ra các bến phà, phục vụ nhu cầu đi lại cho gần 30.000 người dân Thanh Sơn và rất nhiều người từ nơi khác đến. Và, cũng chính vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân Thanh Sơn vẫn luôn phải gồng mình chịu khoản phí phà, đò khá lớn do các chủ tư nhân quyết định. Trong khi đó, tuyệt đại đa số người dân Thanh Sơn sinh sống bằng nông nghiệp: lúa, bắp, quýt, điều... Muốn chở nông sản ra ngoài hay mua hàng hóa về và tất cả những nhu cầu như học hành, khám chữa bệnh, lên huyện, tỉnh chứng hồ sơ... đều bắt buộc phải qua phà. Nếu chỉ tính với mức giá thấp nhất hiện nay là 3.000 đồng cho một lượt người và xe máy qua phà, thì cả lượt đi và về đã là 6.000 đồng. Và, nếu chỉ qua sông với mức tương đối thấp là 10 lần một tháng, thì mỗi người dân cũng đã mất 60.000 đồng, tính tổng cộng 1 năm, chỉ riêng phí qua phà đã "ngốn" một khoản khá lớn trong thu nhập của người dân xã Thanh Sơn. Đó là chưa kể, giá ban đêm sẽ tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi tùy thuộc chủ phà hoặc đò. Còn qua sông vào mùa mưa hoặc ngày lễ, Tết, giá cũng tăng gấp đôi, từ 5.000 - 6.000đồng/người, xe. Người viết bài này đã có dịp đi qua bến phà 107, bến phà lớn nhất Thanh Sơn vào ngày mùng 2 Tết vừa qua. Người thu tiền phà nêu giá 6.000 đồng cho một lượt người và xe, gấp đôi ngày thường. Khi bị phản ứng, người thu tiền tỉnh bơ: "Thôi vậy bớt cho 1.000 đồng đó, 5.000 đồng, không bớt được nữa đâu!".

Tình trạng áp đặt giá cả tùy tiện không phải chỉ xảy ra đối với phà chở khách mà cả với phà lớn chở xe tải hoặc hàng hóa. Tất cả các bến phà trên địa bàn xã Thanh Sơn không có bến phà nào quy định rõ mức giá dành cho xe tải hoặc mức giá cho vận chuyển hàng hóa. Bà M. L, một chủ xe tải chuyên buôn bán hàng nông sản và chở vật liệu xây dựng cho các vựa vật liệu ở Thanh Sơn cho biết: "Xe tải của tôi là xe 8 tấn nên phải chịu mức giá là 220.000 đồng  cho một lượt qua lại. Ngày nào tôi cũng qua ít nhất một chuyến, tính cả tháng, phí phà đò của tôi lên đến gần 7 triệu đồng. Tôi cũng như mọi chủ xe khác đều mong muốn mức giá này hợp lý hơn và có quy định rõ ràng hơn. Chẳng hạn: giá tính theo trọng tải xe, theo mùa nước, đêm hoặc ngày... phải minh bạch, đàng hoàng cho dân nhờ".

 

* Ai quản lý giá?

 

Tiếp xúc với hai chủ phà tư nhân ở xã Thanh Sơn, một là chủ bến phà S.T (ấp 2) và một là chủ bến phà Bàu Kiên - Năm Bửu ở ấp 8, chúng tôi được biết, việc định giá cho khách, xe lớn hoặc bốc dỡ hàng sang sông hoàn toàn tùy  thuộc vào mỗi chủ phà tư nhân, muốn nâng hay hạ giá gì cũng tùy ở họ. Có lẽ vì thế mà đầu tư mở bến hoặc mua phà đang là nơi "ngon ăn" nhất của những người thích kinh doanh, bởi Thanh Sơn đang là vùng đất phát triển khá mạnh với hàng nghìn hecta quýt, điều, xoài... Chưa kể, tổng lượng hàng hóa phải lưu thông đến xã hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của mấy chục nghìn người dân như: xi măng, sắt thép, gạch, thực phẩm, rau quả...

Ông V.H.E chủ bến phà tư nhân Bàu Kiên - Năm Bửu, nằm giữa ranh giới xã Thanh Sơn (Định Quán) và xã Phú Thịnh (Tân Phú) ở ấp 8 cho biết: "Hiện tại tôi có 2 chiếc phà: 1 phà lớn chở xe tải, hàng hóa và một phà nhỏ, hàng tháng chỉ phải nộp thuế 170.000 đồng cho huyện và một khoản tiền tôi thuê đất mở bến, còn lại không phải thêm một khoản nào nữa. Về giá cả, do đây là bến tư nhân lại mở cách xa trung tâm xã nên giá cả có cao hơn đôi chút: khoảng 4.000 đồng cho một lượt người và xe qua và vào ngày thường, với xe tải thì tôi lấy giá khoảng từ 7.000 đồng - 200.000 đồng một lượt qua lại, tùy xe lớn nhỏ".

Cũng theo ông V.H.E thì chi phí đóng một chiếc phà nhỏ chở khách khoảng từ 100 - 150 triệu đồng và phà lớn chở hàng từ  400 - 450 triệu đồng. Với 2 chiếc phà của ông, mỗi ngày sau khi trừ chi phí, ông lãi từ 600.000 - 700.000 đồng bất kể ngày mưa hay nắng, số lãi này còn tăng cao hơn vào ngày lễ, Tết hoặc vụ mùa.

Hành khách qua phà

Theo ông S.T, một chủ bến phà tư nhân ở ấp 2, thì lượng khách đi vào dịp tết phải gấp 2 - 3 lần ngày bình thường, tức là khoảng từ 2.000 - 3.000 lượt người qua lại, với mức giá ngày Tết khoảng 5.000 đồng/lượt khách thì lợi nhuận quá hời! Một điều khá phi lý là phà chở khách nào cũng hoạt động từ 12 - 15 tiếng mỗi ngày và chỉ chạy khi nào nhiều khách, còn ngoài những giờ đó ra, ai có nhu cầu qua sông thì... xin mời đi đò, vì khách ít nên chủ phà không thu đủ lợi.

Rất nhiều người dân Thanh Sơn đã phàn nàn tình trạng độc quyền giá cả của các chủ phà tư nhân xã Thanh Sơn từ nhiều năm nay nhưng vì không có một phương tiện qua sông nào khả dĩ khá hơn nên đành phải cắn răng chịu đựng. Đó là chưa kể những thiết bị đảm bảo an toàn giao thông đường thủy như áo phao, phao cứu sinh... thì có phà treo, phà không và phần lớn đều đã rất cũ, nát. Ở một số phà chở khách, khách hàng cũng không biết ai là người lái chính, vì nay một người, mai một người, thậm chí người lái chỉ khoảng 15 - 16 tuổi!

Vi Lâm

 .

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT