
Hiện nay, những dự án hạ tầng lớn như: Sân bay quốc tế Long Thành, khu trung tâm hành chính - thương mại mới của TP.Biên Hòa, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn những cơ hội rất lớn cho Đồng Nai trong thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế.
![]() |
Tiến độ hình thành khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại TP. Biên Hòa sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. |
Hiện nay, những dự án hạ tầng lớn như: Sân bay quốc tế Long Thành, khu trung tâm hành chính - thương mại mới của TP.Biên Hòa, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn những cơ hội rất lớn cho Đồng Nai trong thời kỳ tăng tốc phát triển kinh tế.
* Long Thành cất cánh cùng sân bay?
Có thể nói, việc công bố rộng rãi quy hoạch chi tiết sân bay quốc tế Long Thành vào cuối năm 2006 là sự kiện được khá nhiều người dân trong vùng quan tâm. Trả lời báo Đồng Nai nhân sự kiện này, ông Nguyễn Huy Hùng, Tổng giám đốc Cụm cảng hàng không miền Nam nói, những cơ hội đem lại từ sân bay quốc tế này cho người dân địa phương là rất lớn. Trước hết, việc hình thành sân bay sẽ mở ra những khu dân cư mới, hiện đại. Với công suất thiết kế 80 - 100 triệu hành khách/năm, vốn đầu tư vào khoảng 8 tỷ USD, sân bay này sẽ cần rất nhiều các dịch vụ xung quanh và việc kinh doanh các dịch vụ này sẽ giúp đời sống người dân khá lên. Vì, khi đạt đến công suất 50 - 60 triệu khách/năm, số lượng lao động mà sân bay cần sẽ lên đến vài chục ngàn người. Như vậy, sự ra đời của sân bay này sẽ góp phần làm cho mức tăng trưởng của địa phương tăng nhanh và người hưởng lợi trực tiếp chính là người dân Đồng Nai. Ngoài ra, với năng lực vận chuyển hành khách lớn, sân bay quốc tế Long Thành còn thúc đẩy du lịch cho cả khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các nhà buôn bán thương mại vận chuyển hàng hóa thông qua sân bay. Thời gian xuất khẩu những mặt hàng cao cấp đi các nước cũng sẽ được rút ngắn, nâng cao tính cạnh tranh cho các khu công nghiệp tại Đồng Nai và trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Theo ông Hùng, do có quy mô lớn nên dự án này sẽ được chia thành nhiều giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 gồm một đường hạ cất cánh, hệ thống đường lăn, sân đậu sẽ được cố gắng đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian từ 2010 - 2015. Ngay sau khi quy hoạch được công bố, các sở, ngành chức năng và UBND huyện Long Thành đã tích cực tìm những giải pháp tái định cư cho 2.300 hộ đang sinh sống trong khu vực quy hoạch sân bay. Nếu tính cả hai dự án lớn khác có liên quan đến địa bàn huyện là đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang, số lượng các hộ phải di dời sẽ lên tới 5.000 - 6.000 hộ cho thời gian từ nay đến năm 2010. Do vậy, UBND huyện đã quy hoạch được 8 khu tái định cư với tổng diện tích lên tới hơn 400 hecta để triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới.
* Biên Hòa đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Khi nhìn trên những kế hoạch hành động mà UBND TP. Biên Hòa đã dự tính cho năm mới, có thể thấy năm 2007 cũng sẽ tiếp tục là năm diện mạo TP. Biên Hòa có những thay đổi lớn, nhất là khu vực trung tâm. Tiến độ hình thành khu trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại hiện được đánh giá là đã chậm so với kế hoạch. Vì vậy, trong thời gian này, UBND TP. Biên Hòa đã ráo riết tìm các giải pháp tái định cư để dự án có thể triển khai vào đầu năm 2008. Dự kiến, ngay trong tháng 2-2007, thành phố sẽ công bố cho người dân phương án tổng thể về bồi thường, tái định cư. Theo tính toán của thành phố, để giải phóng mặt bằng 87 hecta đã quy hoạch cho khu trung tâm mới, sẽ có 1.604 hộ thuộc diện giải tỏa trắng. Riêng kết quả của cuộc thi phương án kiến trúc cho trụ sở khối Đảng, khối Nhà nước, quảng trường, nhà hát và trung tâm hội nghị của thành phố sẽ được chấm và công bố vào cuối tháng 2-2007.
Một dự án khác mang ý nghĩa rất lớn đối với Biên Hòa trong chỉnh trang diện mạo đô thị là dự án nâng cấp quốc lộ 15 - một trong những cửa ngõ của thành phố. Tổng chiều dài toàn tuyến là 4,75km, mặt đường rộng 10,5m hiện nay sẽ được giữ nguyên nhưng vỉa hè mỗi bên sẽ được mở rộng thành 5m. Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện chiếu sáng, thoát nước thải, cấp nước sinh hoạt... sẽ được đầu tư lại đồng bộ. Dự án cũng bổ sung đầu tư xây dựng các đoạn cống thoát nước mới để giải quyết vấn đề ngập úng trên tuyến đường; di dời lưới điện và trồng mới cây xanh theo quy hoạch. Tổng mức đầu tư cho dự án này dự kiến trên 67 tỷ đồng, với tổng diện tích đất thu hồi cho dự án trên 96.000m2, tổng số hộ cần giải tỏa là 718 hộ. Hiện, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đơn vị tư vấn đang lập thiết kế kỹ thuật, hội đồng bồi thường thành phố đang trình phương án đền bù tổng thể.
ADVERTISEMENT
* Những dự án kết nối Đồng Nai với khu vực
ADVERTISEMENT
Có thể nói, đây là một trong những mục tiêu trọng tâm của tỉnh trong chương trình phát triển kết cấu hạ tầng cho giai đoạn 2006 - 2010. Mục tiêu này đã được cụ thể hóa trong dự thảo đề án chương trình kết cấu hạ tầng cho 5 năm (2006 - 2010) mà Sở Kế hoạch và đầu tư đang soạn thảo, sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt tới đây. Theo đề án, từ nay đến năm 2010, tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông gắn kết, hòa mạng vào hệ thống giao thông quốc gia và mạng giao thông của TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh lân cận. Để thực hiện mục tiêu này, sẽ có các công trình: cầu đường nối Nhơn Trạch với Quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), đường và cầu Thủ Biên nối qua tỉnh Bình Dương, cầu Hóa An tạo thuận lợi lưu thông giữa Đồng Nai với Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh), cầu Mã Đà nối Đồng Nai với Bình Phước, cầu Đắc Lua nối Đồng Nai với Lâm Đồng. Riêng các công trình của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này sẽ là: sửa chữa và nâng cấp cầu Đồng Nai, thêm 2 làn xe thô sơ ở quốc lộ 51, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phần lớn những dự án trên đều đã và đang được tỉnh, Trung ương xúc tiến triển khai. Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện đang trong giai đoạn trình báo cáo đầu tư lên Bộ Giao thông - vận tải. Tuyến cao tốc này dài 72 km, bắt đầu từ quốc lộ 15 (Đồng Nai) và kết thúc tại giao điểm với quốc lộ 51C (TP. Vũng Tàu), hình thức đầu tư là B.O.T. Toàn tuyến được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn từ quốc lộ 15 đến KCN Mỹ Xuân B và khu đô thị mới Phú Mỹ, nối vào đường vành đai cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, dài khoảng 48km, rộng 24m với 4 làn ô tô lưu thông, kinh phí vào khoảng 2.200 tỷ đồng. Giai đoạn 2 thi công tiếp đoạn còn lại và mở rộng toàn tuyến này lên thành 34m, với 4 làn xe ô tô lưu thông, kinh phí dự kiến 3.700 tỷ đồng. Các dự án như cầu Nhơn Trạch - Quận 9, cầu Hóa An... đang trong giai đoạn tiếp tục tìm nhà đầu tư đủ năng lực. Riêng dự án đường và cầu Thủ Biên sẽ được triển khai xây dựng ngay trong năm nay.
Minh Chánh
ADVERTISEMENT