
Chăm lo cuộc sống cho người lao động, nhất là về thu nhập và chỗ ở ổn định là vấn đề đang được các cấp, các ngành ở Đồng Nai rất quan tâm. Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tấn Kiệt cho rằng, chỉ có chăm lo như vậy thì người lao động mới an tâm làm việc lâu dài...
Chăm lo cuộc sống cho người lao động, nhất là về thu nhập và chỗ ở ổn định là vấn đề đang được các cấp, các ngành ở Đồng Nai rất quan tâm. Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai Huỳnh Tấn Kiệt cho rằng, chỉ có chăm lo như vậy thì người lao động mới an tâm làm việc lâu dài...
* Chỗ ở vừa thiếu, vừa kém
Hiện tại Đồng Nai có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 265 ngàn lao động. Hàng năm, số lao động tăng thêm bình quân từ 40 - 60 ngàn người. Thống kê của LĐLĐ tỉnh cho biết, trên 50% số lao động ở Đồng Nai đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Phần lớn họ là những lao động chưa qua đào tạo nghề, mức lương thấp, điều kiện ăn ở, sinh hoạt văn hóa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Theo điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 47 ngàn phòng trọ, trong đó chủ yếu để công nhân nhập cư thuê ở. Do có nhiều KCN tập trung nên tại các phường, xã: Hóa An, Trảng Dài, Tam Hiệp, An Bình, Long Bình, Long Bình Tân (TP.Biên Hòa); Phước Tân, Tam Phước, An Phước, Phước Thái và thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) và một số xã của các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... đã phát sinh rất nhiều nhà trọ cho công nhân thuê. Đa số các khu nhà trọ này không nằm trong quy hoạch, xây dựng tự phát nên kết cấu đơn giản, mùa mưa ẩm thấp, còn mùa nắng thì nóng bức. Trong số này có không ít những căn phòng được các chủ nhân cải tạo lại từ các chuồng nuôi heo, nhà kho hoặc được xây mới theo kiểu phòng trọ vừa hẹp về diện tích, không đảm bảo vệ sinh, thiếu điện, nước, vừa không đảm bảo an ninh trật tự. Và, do khả năng, điều kiện về mặt bằng, kinh tế hạn chế nên phần lớn các hộ cho thuê phòng trọ đều có quy mô nhỏ. Diện tích mỗi phòng trọ chỉ từ 10 -14m2 nhưng có từ 3 - 5 người ở chung với giá thuê mỗi tháng khoảng 200 ngàn đến 300 ngàn/phòng. Bà Lê Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hầu hết những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hiện nay phải thuê nhà ở và qua kiểm tra thì có khoảng 40% công nhân phải sống tạm bợ, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.
* Khuyến khích xã hội hóa việc xây nhà trọ cho người lao động
Trước thực trạng này, tỉnh Đồng Nai có nhiều chủ trương, biện pháp trong việc tạo chỗ ở mới ổn định lâu dài và cải thiện chất lượng cuộc sống cho công nhân. Đặc biệt, trong điều kiện chính quyền địa phương chưa thể gánh vác nổi việc xây dựng chỗ ở cho hàng trăm ngàn công nhân, thì vẫn tiếp tục vận động xã hội hóa trên lĩnh vực này. Trong đó, ngoài việc tiếp tục vận động người dân có điều kiện nâng cao chất lượng xây dựng chỗ trọ cho người lao động, tỉnh cũng khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự xây dựng chỗ ở cho công nhân. Hiện nay, ở Đồng Nai có một số doanh nghiệp lớn như: Formosa, Vedan, Hưng Long, Việt Á Châu, Vina, Biti’s, Tín Nghĩa... đã xây dựng được những ký túc xá nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp. Hệ thống nhà ở này vừa đảm bảo về diện tích, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, đồng thời có không gian thoáng đãng và các tiện ích phục vụ công nhân nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Cá biệt, một số nơi còn xây dựng hệ thống nhà trẻ, trạm y tế, phòng đọc sách báo, phòng xem truyền hình cho công nhân ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 40 ngàn công nhân là các lao động có kỹ thuật, nhân viên hành chính và một phần nhỏ lao động xa nhà được ở những khu nhà “lý tưởng” như vậy.
Trong lần về thăm và làm việc với LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, bên cạnh việc xã hội hóa thông qua hệ thống doanh nghiệp và vận động người dân tham gia, tổ chức, công đoàn cần quan tâm đến xây dựng hệ thống nhà trọ cho công nhân ở miễn phí (mà ông gọi là “mái ấm công nhân”). Theo Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng, việc xây dựng mái ấm công nhân cũng cần được xã hội hóa bằng cách vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ. Trước mắt, Quỹ tấm lòng vàng của báo Lao Động sẽ ủng hộ 3 tỷ đồng để xây dựng hệ thống phòng trọ trên diện tích 2 hécta tại TP.Biên Hòa.
Báo cáo với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi về làm việc tại Đồng Nai mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một cho biết, hiện nay tỉnh đã có 34 dự án xây dựng nhà ở trên diện tích 305 hécta để bố trí cho khoảng 67.000 lao động. Tuy nhiên, các dự án này đang triển khai quá chậm và cũng chỉ giải quyết được phần nhỏ nhu cầu của người lao động. Mặt khác, vốn ngân sách cũng khó thể đáp ứng việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Hiện nay tỉnh đã vận động các doanh nghiệp và chủ trương xã hội hóa xây dựng nhà ở cho công nhân theo tiêu chuẩn xây dựng của Nhà nước, nhưng thực tế đến nay vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành liên quan xem xét ban hành cơ chế, chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, cho phép doanh nghiệp hạch toán vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vào chi phí sản xuất đối với trường hợp doanh nghiệp không thu tiền thuê nhà của công nhân.
Trường Quân