Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch - kiến trúc đô thị vùng công nghiệp: Đối mặt với nhiều thách thức

09:03, 30/03/2007

Với 65 khu công nghiệp (KCN) chiếm tổng diện tích trên 19 ngàn hécta, trong đó có 42 KCN đã và đang hoạt động, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là vùng tập trung KCN lớn nhất cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đóng góp ngày càng cao vào thành quả chung của đất nước. Thế nhưng công nghiệp phát triển nhanh đồng thời cũng đặt ra cho các đô thị trong vùng những vấn đề cần được nghiên cứu về hình thái đô thị và các giải pháp quy hoạch - kiến trúc cho phát triển bền vững.

Với 65 khu công nghiệp (KCN) chiếm tổng diện tích trên 19 ngàn hécta, trong đó có 42 KCN đã và đang hoạt động, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là vùng tập trung KCN lớn nhất cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đóng góp ngày càng cao vào thành quả chung của đất nước. Thế nhưng công nghiệp phát triển nhanh đồng thời cũng đặt ra cho các đô thị trong vùng những vấn đề cần được nghiên cứu về hình thái đô thị và các giải pháp quy hoạch - kiến trúc cho phát triển bền vững. 

ADVERTISEMENT

Từ các viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp của giới kiến trúc sư (KTS), các cơ quan quản lý Nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, những tham luận được gởi về hội thảo khoa học "Quy hoạch - kiến trúc các đô thị vùng phát triển công nghiệp" (diễn ra sáng nay, 31-3 tại TP. Biên Hòa) sẽ đề cập tới  khá nhiều nhóm vấn đề. Trong số này, nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất chính là nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng phục vụ cho công nhân.

 

ADVERTISEMENT

* Nan giải nhà ở cho công nhân

 

ADVERTISEMENT

Nhà ở cho công nhân hiện đang thiếu trầm trọng. Theo KTS Hồ Văn Thọ  (Hội KTS TP.Hồ Chí Minh), hiện TP.Hồ Chí Minh có 14 KCN - KCX, cần đến 140 ngàn chỗ ở cho công nhân nhưng chỉ mới đáp ứng được 3.000 chỗ ở (khoảng 2%). Chưa kể dự báo đến năm 2010 cần thêm 70 ngàn chỗ ở để phục vụ cho khoảng 500 - 600 doanh nghiệp mới mở ra. Nguồn cung nhà ở chạy theo không kịp với nhu cầu, thế nên khi hàng ngàn lao động từ các vùng miền khác đổ về làm việc trong các nhà máy mọc lên ngày càng nhiều đã tạo những bức xúc, căng thẳng về nhà ở (từ phòng ở tập thể cho đến phòng gia đình). Trước tình hình này, nhiều hộ dân ở các vùng ven, lân cận các KCN - KCX, hay bên cạnh các nhà máy ngoài KCN tham gia vào dịch vụ xây và cho thuê nhà trọ một cách tự phát.

Sức ép về mặt kinh tế đối với chủ nhà trọ và sức ép của nhu cầu đã biến bộ mặt của các khu vực nhà trọ ngày càng trở nên chật chội, lộn xộn, nhếch nhác và kém tiện nghi. Ngay chính các chủ nhà trọ cũng phải chịu áp lực của môi trường sống căng thẳng khi phải chia nhỏ  diện tích đất nhà để cho thuê, góp phần tạo ra sự lộn xộn chung của diện mạo đô thị. Trên bình diện rộng hơn, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện mới có khoảng 2% trong số hơn 1 triệu công nhân tại các KCN, KCX của cả nước được thuê nhà do chủ doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn xây dựng. Còn lại hơn 90% phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo an ninh trật tự, đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội.

Thế nhưng, theo PGS - TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, dù nhu cầu nhà ở cho công nhân thành phố rất căng thẳng nhưng vẫn tồn tại một nghịch lý là nhiều nhà lưu trú trong các KCN, KCX vẫn còn thừa chỗ. Kết quả thăm dò cho thấy, công nhân không hài lòng với các qui định khắt khe, gò bó của nhà lưu trú, khó khăn khi thân nhân, bạn bè đi lại, thăm hỏi.

 

* Nóng bỏng ô nhiễm do chất thải

 

Đây cũng là vấn đề được khá nhiều ý kiến đề cập, phân tích và gợi hướng giải quyết. Cùng với hệ quả gia tăng sự quá tải của các dịch vụ xã hội, hạ tầng xã hội, nhà ở và các vấn đề xã hội khác, việc tập trung quá nhiều cơ sở công nghiệp cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng ở nhiều khu vực trong vùng, đặc biệt là nguồn nước. Khảo sát của Viện quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) cho thấy, tại TP.Hồ Chí Minh,  chỉ 65% lượng nước thải công nghiệp thải ra môi trường là có qua xử lý và chỉ có 6/15 KCN - KCX là có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Kết quả khảo sát của Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) vào đầu năm nay cũng cho thấy, 44 KCN thuộc vùng TP.Hồ Chí Minh hàng ngày đã xả vào hệ thống sông Đồng Nai 111.605m3 nước thải, trong đó có nhiều chất thải độc hại. Tại Bình Dương, lượng nước thải từ các nhà máy được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung chỉ mới đạt 75%, còn lại chỉ được xử lý sơ bộ trong nhà máy và thải ra thẳng ra hệ thống thoát nước công cộng.

Tình trạng gia tăng nhanh chóng số người làm việc tại các KCN tập trung cũng dẫn đến sự ô nhiễm. Nguyên nhân là do nhiều KCN chưa có hệ thống xử lý rác thải công nghiệp tập trung. Các loại đất khác bị thu hẹp do phải chuyển đổi thành đất công nghiệp. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, môi trường trong các KCN - KCX đã đến lúc báo động, điều này càng trở nên đặc biệt khi các KCN - KCX này lại nằm tiếp cận với sông nước như vùng TP.Hồ Chí Minh.

 

* Thiếu liên kết vùng

 

 Theo Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư), tính đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã mở rộng bao gồm 8 tỉnh, thành phố, bao gồm: TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Diện tích của vùng là 30.412 km2, dân số năm 2005 là 14,86 triệu người. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2%, dân số 18% cả nước so với cả nước, nhưng đây là vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao gấp 1,78 lần cả nước (48,4% so với cả nước là 27%), đóng góp 37,3% GDP của cả nước. GDP bình quân đầu người của vùng đạt 1.733 USD/ người. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2005 chiếm 58% tổng thu ngân sách của cả nước. Giá trị xuất khẩu bằng 73,4% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Mức xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.602 USD/ người, gấp 4,1 lần mức bình quân cả nước.

Một vấn đề lớn là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang thiếu sự liên kết và cơ chế liên kết trong phát triển vùng. Đã một thời gian dài, vùng kinh tế này duy trì sự quản lý, điều tiết, phát triển, nhưng sự liên kết giữa các địa phương, bổ sung cái thuận lợi cho nhau và hạn chế những tác hại lẫn nhau vẫn chưa thành nguyên tắc điều phối vùng. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa có công trình hạ tầng đầu mối, nhằm đưa lại hiệu quả, chất lượng cho đầu tư và quản lý môi trường. KTS Nguyễn Tấn Vạn đã nhận định như vậy khi bàn về các vấn đề quy hoạch, kiến trúc các đô thị vùng phát triển công nghiệp hiện nay. Cùng nhận định này, KTS Lã Thị Kim Ngân, Viện phó Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, cơ cấu của hệ thống các KCN trong vùng hiện nay chưa được định hình. Cụ thể là không có sự phân chia chức năng và xác định vai trò của từng KCN trong hệ thống. Các tỉnh, thành trong vùng đều có quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp riêng, nhưng toàn vùng lại thiếu quy hoạch chung, thiếu định hướng của cả vùng. Mỗi tỉnh đều cố gắng thu hút đầu tư theo cách của mình mà chưa quan tâm đến định hướng vùng, ưu tiên vùng. Vì vậy, dẫn đến tình trạng các KCN gần như giống nhau, trong đó chủ yếu phát triển những ngành nghề như giày da, dệt may, chế biến... Về tổng thể, số KCN của cả vùng vừa thừa, lại vừa thiếu: thừa vì có quá nhiều KCN có tính chất giống nhau, mà thiếu những KCN có chức năng chuyên biệt. TS Nguyễn Bá Ân, Viện phó Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cũng cho rằng, ranh giới hành chính vẫn là trở ngại lớn, gây ra tình trạng chia cắt, không tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu quy hoạch cấp vùng theo một không gian kinh tế thống nhất. Theo GS-TS.NGND Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các KCN là những cơ sở rất lớn và rất cơ bản để phát triển đô thị. Nếu KCN và quy hoạch các KCN bị coi nhẹ và làm ảnh hưởng đến những việc của hôm nay và ngày mai thì không cần thiết và không nên do dự, phải có một thái độ cương quyết để ngăn chặn không cho xây dựng, nhằm giúp cho đô thị tồn tại văn minh và bền vững.

Minh Chánh

Một dãy nhà trọ cho công nhân nhập cư thuê tại phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa).

 

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT