Báo Đồng Nai điện tử
En

Không cần trạm bơm điện Cao Cang, hàng trăm hécta lúa vẫn xanh tốt !

10:04, 11/04/2007

Cách đây gần 1 năm, sự kiện nên hay không nên xây dựng trạm bơm điện (TBĐ) thủy lợi Cao Cang với kinh phí dự trù khoảng 14 tỷ đồng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Hồi ấy, nhiều cuộc tranh cãi căng thẳng đã diễn ra giữa một bên là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ủng hộ dự án TBĐ và một bên là cá nhân ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đề xuất phương án bê-tông hóa và nâng cấp một số tuyến kênh mương nội đồng với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng xung quanh những giải pháp khả thi cho dự án này.

Cách đây gần 1 năm, sự kiện nên hay không nên xây dựng trạm bơm điện (TBĐ) thủy lợi Cao Cang với kinh phí dự trù khoảng 14 tỷ đồng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Hồi ấy, nhiều cuộc tranh cãi căng thẳng đã diễn ra giữa một bên là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ủng hộ dự án TBĐ và một bên là cá nhân ông Nguyễn Văn Hòa, giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đề xuất phương án bê-tông hóa và nâng cấp một số tuyến kênh mương nội đồng với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng xung quanh những giải pháp khả thi cho dự án này. Trước vấn đề liên quan đến việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, đích thân lãnh đạo Tỉnh ủy đã trực tiếp đi kiểm tra; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành liên quan phải cân nhắc trước khi quyết định một giải pháp có tính tối ưu nhất đối với công trình này.

 

Ruộng lúa ở cánh đồng Cao Cang trải dài màu xanh ngút mắt.

* Màu xanh ở cánh đồng Cao Cang

 

Trở lại cánh đồng lúa Cao Cang (một bên thuộc xã Phú Điền, huyện Tân Phú và một bên là xã Phú Hòa, huyện Định Quán) vào trưa ngày 10-4, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được, là sức sống nơi đây không còn bi đát như khoảng một năm trước đây người ta đã nhận định. Dạo ấy, rất nhiều nông dân lo lắng khi nghe tin, nếu không tiến hành xây dựng trạm bơm điện Cao Cang, thì rất nhiều khả năng lúa sản xuất vào mùa khô sẽ chết cháy vì thiếu nước. Thế nhưng đến nay, những  dự báo mang tính  chủ quan của một số người ngày ấy đều diễn ra ngược lại. Toàn bộ cánh đồng Cao Cang, cả ở bên Phú Điền lẫn Phú Hòa đang trải dài một màu xanh tít tắp.

Lội hàng cây số trên cánh đồng Cao Cang, chúng tôi thấy nhiều khu vực lúa chỉ mới chừng một tháng tuổi nhưng cũng có nhiều thửa ruộng lúa đang trổ bông. Có nghĩa là, ngay sau khi thu hoạch vụ trước (khoảng từ giữa tháng 2 trở đi), nông dân đã xuống giống - mặc dù biết rõ, đối với mùa khô, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước. Sự chủ động gieo cấy của người nông dân nơi đây trong thời kỳ khô hạn là có cơ sở. Khi chúng tôi hỏi, nước mùa khô có đủ để sản xuất vụ lúa xuân - hè không, thì  nhiều nông dân đang cặm cụi làm cỏ lúa thẳng thắn trả lời: "Mùa khô đương nhiên là ít nước, nhưng lúa ở cánh đồng Cao Cang vẫn đảm bảo phát triển tốt".

Thực tế vào cao điểm mùa khô, nước sinh hoạt ở nhiều nơi còn thiếu thì nước sản xuất làm sao dồi dào được. Song, nhờ ngành thủy lợi biết phân phối nước một cách hợp lý nên đã giải quyết đầy đủ nhu cầu canh tác của nông dân. Dĩ nhiên, nước ở các hệ thống thủy lợi phục vụ cánh đồng Cao Cang không thể tự chảy như trong mùa mưa được, mà nó chỉ đến tới chân ruộng. Từ đây, nông dân phải sử dụng máy bơm chuyền. Việc làm này rất tốn công, nhưng người làm lúa vẫn hăng hái đầu tư sản xuất, vì thu nhập nằm trong tầm tay. Khoảng 1 tháng nay, ngành thủy lợi chỉ điều tiết nước từ đập Đồng Hiệp về kênh N3 mỗi tuần 3 ngày vào thứ sáu, bảy, chủ nhật. Ban đầu, với lịch trình lấy nước như vậy,  khiến nhiều người phản ứng, do họ sợ lúa chết. Song việc hạn chế lấy nước này lại không ảnh hưởng gì nhiều đến sự tăng trưởng của lúa nên nông dân vui vẻ chấp nhận. Có người còn cho rằng, dùng nước thủy lợi bằng máy bơm trong mùa khô chỉ phải đóng phí 98 ngàn đồng/hécta, thay vì 240 ngàn đồng/hécta nếu sử dụng nước tự chảy nên hạn chế được chi phí. Nhiều nông dân ở cả hai xã Phú Điền, Phú Hòa mà chúng tôi đã gặp ngay tại ruộng lúa đã khẳng định, năng suất trong vụ hè - thu này phải đạt từ 5 tấn/hécta trở lên, tức bằng hoặc cao hơn so với vụ trước. Nhiều người bảo, nếu thời gian qua chính quyền địa phương quyết tâm cho mở hai kênh xương cá dẫn nước từ hệ thống thủy lợi (kênh N3 nối dài) vào sâu bên trong, thì diện tích sản xuất lúa ở Phú Hòa không chỉ ở mức 30 hécta, mà còn tăng cao hơn.

 

* Trạm bơm điện chống hạn đáp ứng những tình huống xấu nhất

 

Đề cập về khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất trong đợt cao điểm của nắng hạn, Chủ tịch UBND xã Phú Điền Phạm Văn Vũ nói dứt khoát: "Từ đầu mùa khô đến nay, kênh N3 (dài 5km) vừa "làm", vừa "nghỉ" nhưng chưa để cho đám ruộng nào ở Cao Cang chết cháy. Kể cả những ngày qua, mực nước ở đập Đồng Hiệp đã giảm xuống hơn 20cm, nhưng nước tưới tiêu vẫn đến được mọi cánh đồng lúa. Tôi dám bảo đảm là trong những ngày tới, đặc biệt là trong thời kỳ cuối tháng tư, chắc chắn mực nước sẽ còn xuống thấp nữa, song nguy cơ lúa chết không thể xảy ra, nhờ sự tiết kiệm nước qua cách phân lịch hợp lý của ngành thủy lợi. Bên cạnh đó, công trình trạm bơm điện (TBĐ) chống hạn đang được thi công xây dựng ngay trên bờ đê của đập Đồng Hiệp sẽ giải quyết tức khắc những tình huống xấu nhất của đợt cao điểm nắng nóng này...".

TBĐ đặt tại bờ đê đập Đồng Hiệp sắp hoàn chỉnh.

Khi chúng tôi đến đập Đồng Hiệp, một số công nhân đang dầm nửa thân người dưới dòng kênh N3. Trời nắng như đốt, nhưng họ vẫn miệt mài, chăm chỉ, cố gắng hoàn tất nốt một số công đoạn cuối cùng để TBĐ chống hạn có thể chạy thử vào ngày 13-4 tới. Trưởng trạm khai thác thủy lợi khu vực Định Quán, Tân Phú Nguyễn Văn Quy cho biết, do nắng hạn ngày càng gay gắt nên mực nước ở đập Đồng Hiệp tiếp tục giảm là điều chắc chắn. Trước tình hình phải đảm bảo lượng nước tưới cho hàng ngàn hécta ở xã Phú Điền trong khoảng 1 tháng nữa, Công ty khai thác công trình Thủy lợi Đồng Nai quyết định xây dựng TBĐ chống hạn. TBĐ này gồm 4 tổ máy, tổng công suất 1.800m3 nước/giờ; lấy nước từ hạ lưu  đập Đồng Hiệp. Đáng kể là chi phí xây dựng TBĐ này chưa đến 100 triệu đồng. Hiện tại, đập Đồng Hiệp vẫn còn đủ nước tưới tiết kiệm cho hơn 1 ngàn hécta lúa ở cánh đồng Trà Cổ, bao gồm 940 hécta thuộc hệ thống thủy lợi N1, N2; khoảng 200 hécta ở cánh đồng Cao Cang qua kênh N3 (gồm 160 hécta thuộc xã Phú Điền, 30 hécta xã Phú Hòa, 10 hécta xã Gia Canh). Tuy nhiên, nếu trong thời kỳ tới, một khi nước ở đập Đồng Hiệp không còn năng lực tạo nguồn (khi đó cao trình nước ở hạ lưu đập Đồng hiệp sẽ ở mức 103.5, 103.2), lúc đó, TBĐ sẽ hoạt động để cứu toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn. Ông  Quy khẳng định, sự sụt giảm đáng kể nước nguồn ở đập Đồng Hiệp trong những ngày qua, cho thấy dự án xây dựng TBĐ Cao Cang khi trước càng không có tính khả thi. Cùng quan điểm này, Chủ tịch UBND xã Phú Điền Phạm Văn Vũ nhấn mạnh: "Cho đến bây giờ, lượng nước phục vụ sản xuất từ đập Đồng Hiệp đã khá căng thẳng. Như vậy, nếu xây dựng TBĐ Cao Cang thì trữ lượng nước trong mùa khô hạn ở đập Đồng Hiệp không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đối với 323 hécta ở cánh đồng Cao Cang cần nước tưới (gồm 196 hécta lúa và 127 hécta cây trồng) của 2 xã Phú Điền và Phú Hòa như dự án thiết kế. Riêng ở Phú Điền, những năm trước, nông dân chỉ sản xuất 2 vụ ăn chắc, nhưng do hệ thống thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp, nên năm 2006, người dân đã gieo trồng thêm vụ hè - thu đạt hiệu quả. Điều này càng chứng tỏ một điều:  hệ thống thủy lợi hiện có đã phục vụ tốt nhu cầu canh tác của nông dân vùng lúa Cao Cang. Và, nếu như, "ông trời" làm thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hạn hán trầm trọng thì TBĐ ở đập Đồng Hiệp đủ sức "làm mát" cánh đồng mà không cần phải đầu tư thêm bất kỳ công trình nào!".

Phải nói rằng, sau gần 1 năm tranh cãi nên hay không nên thực hiện dự án TBĐ Cao Cang, đến nay kết quả đã được "lật bài ngửa" mà cơ sở để tiết kiệm 14 tỷ đồng của Nhà nước là có căn cứ!

Tạ Nguyên

 

 

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT