Toàn tỉnh hiện có trên 217 ngàn hội viên nông dân. Thời gian qua, phong trào thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau làm kinh tế được khá nhiều nông dân tham gia; nhiều hộ qua đó đã thoát nghèo, vươn lên khá giả...
Toàn tỉnh hiện có trên 217 ngàn hội viên nông dân. Thời gian qua, phong trào thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau làm kinh tế được khá nhiều nông dân tham gia; nhiều hộ qua đó đã thoát nghèo, vươn lên khá giả...
Trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế ở Đồng Nai, Hội Nông dân (HND) - tổ chức chính trị xã hội luôn sát cánh, đồng hành cùng nông dân trong việc tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Để giúp hội viên có điều kiện làm ăn, các cấp HND đã tranh thủ từ nhiều nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận ủy thác cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cho con em đi học… với số tiền lên đến trên 2 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, mỗi năm có hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo, trong đó có không ít hộ đã vươn lên khá giả. Trong phong trào giúp nhau làm kinh tế, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, vượt khó vươn lên làm giàu.
Nông dân huyện Cẩm Mỹ nhận hỗ trợ vốn từ Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: H.G
Một trong những trường hợp tích cực trong việc giúp hộ nông dân gặp khó khăn là anh Lâm Thanh Đức ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc). Xuất phát từ một hộ nghèo, nhưng anh Đức không ngừng tìm tòi học hỏi để ứng dụng vào sản xuất nên sau một thời gian miệt mài lao động, gia đình anh trở nên khá giả. Khi đã có “của ăn của để”, anh Đức hỗ trợ vốn, giống cho một số hộ cùng xã không có điều kiện phát triển kinh tế. Tương tự là các trường hợp: ông Nguyễn Văn Rum ở xã An Viễn (huyện Trảng Bom); ông Trần Hoàng Tuấn xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) thời gian qua là “cầu nối” trong việc phối hợp với các doanh nghiệp mua phân bón trả chậm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật làm ăn cho nhiều gia đình có hoàn cảnh túng thiếu.
Không chỉ đồng hành với hội viên trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, HND các cấp thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hàng trăm ngàn lượt hội viên nông dân; đồng thời phối hợp chính quyền địa phương và các ngành liên quan giải quyết đơn thư, khiếu nại. Mặt khác, để giúp lao động nông thôn có thêm nghề “tay trái”, năm 2011 Hội đã liên kết với Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng các trung tâm dạy nghề trong tỉnh, đào tạo cho gần 5 ngàn nông dân, thanh niên lao động học các ngành: trồng cây kiểng, hoa phong lan, vi tính, nấu ăn, đan lát... Đặc biệt, trong vụ chi trả tiền cho nông dân bị thiệt hại do Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam gây ô nhiễm, HND tỉnh đã cùng với các địa phương xác minh những hộ bị thiệt hại và lấy ý kiến người dân về phương án đền bù. Kết quả đến nay, hầu hết các hộ bị thiệt hại đã nhận được tiền đền bù và hỗ trợ để ổn định, phát triển sản xuất…
Đánh giá về hoạt động của các cấp hội thời gian qua, Phó chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh Trần Văn Quang cho biết, những năm gần đây, nông dân đã nhận thức sâu sắc hơn việc xây dựng nông thôn mới, qua đó bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi. Đối với phong trào “hộ khá giúp hộ nghèo”, trong 9 tháng năm 2011, các gia đình khá giả đã đóng góp khoảng 2,3 tỷ đồng, trên 52 ngàn cây giống, hơn 11 ngàn con giống và 22 tấn lương thực để hỗ trợ gần 4 ngàn hộ nông dân gặp khó khăn. Ngoài ra, HND các địa phương còn đẩy mạnh công tác phối hợp với nhiều đơn vị, đoàn thể vận động nông dân đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nhà tình thương… Qua đó, 9 tháng đầu năm nay, hàng ngàn trường hợp tham gia góp gần 14 tỷ đồng, trên 28 ngàn ngày công sửa chữa 205 ngàn mét đường giao thông, trên 55 ngàn mét kênh mương thủy lợi và 239 căn nhà tình thương. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại hiến đất làm đường mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, công tác Hội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế; hoạt động ở nhiều nơi còn yếu. “Những năm gần đây, các cấp HND đã có nhiều cố gắng để cùng nhau thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi và đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Song phong trào phát triển không đều, kết quả đạt được chưa vững chắc, chưa thiết thực. Quá trình sản xuất, nhiều nơi nông dân chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, chính vì vậy, năng suất của một số cây trồng chưa đạt như mong muốn. Để khắc phục những tồn tại, thời gian tới HND tỉnh sẽ chỉ đạo HND các địa phương tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Mặt khác, Hội sẽ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành trong việc vận động nông dân thực hiện đúng quy trình - trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học đối với sản xuất nông nghiệp, để nông dân ổn định cuộc sống…”- ông Quang nhấn mạnh.
H. Giang