Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây tiêu sẽ trở lại thời hoàng kim?

09:11, 30/11/2010

Người Bình Phước mỗi khi nói về quê mình thường tự hào giới thiệu hương vị đậm đà, thơm béo của hạt điều; vẻ đẹp rực rỡ của những vườn cây cao su mùa thay lá. Và trong niềm tự hào ấy, còn có hương vị cay nồng của hạt hồ tiêu...

Người Bình Phước mỗi khi nói về quê mình thường tự hào giới thiệu hương vị đậm đà, thơm béo của hạt điều; vẻ đẹp rực rỡ của những vườn cây cao su mùa thay lá. Và trong niềm tự hào ấy, còn có hương vị cay nồng của hạt hồ tiêu...

 

Chăm sóc hồ tiêu.

Cây tiêu có mặt tại Bình Phước từ rất sớm. Mảnh đất bazan màu mỡ này rất thích hợp để loài cây này phát triển. Nông dân Bình Phước gắn bó với loại cây trồng này như một lẽ tự nhiên. Vườn nhà họ hầu như chỗ nào cũng có cây tiêu, vài nọc để ăn, để làm quà tặng người thân, bạn bè; nhiều thì hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn nọc để làm kinh tế. Cây tiêu Bình Phước dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng, vào lúc cao điểm năm 2003, cả tỉnh có trên 14.000 hécta tiêu, tương đương với khoảng 30 triệu nọc, cho sản lượng khoảng gần 20 ngàn tấn/năm.

 

* Hồ tiêu: cay và... đắng

 

Đã có một thời, chuyện cây tiêu, giá tiêu, và nỗi vất vả nhưng đầy niềm vui của nghề trồng tiêu là câu chuyện trọng tâm trong đại đa số bà con Bình Phước. Nhờ cây tiêu mà đời sống một bộ phận người dân trong tỉnh khấm khá dần lên; nhiều vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Ai trồng tiêu cũng ấp ủ trong mình giấc mơ về một tương lai tươi sáng...

 

Trong 8 huyện, thị của tỉnh Bình Phước, Lộc Ninh được mệnh danh là thủ phủ của cây tiêu. Đến Lộc Ninh những năm trước đây, có thể nhìn thấy màu xanh bạt ngàn của những vườn tiêu. Không ít người dân trồng tiêu ở vùng biên giới này giàu lên khi giá tiêu liên tục đứng ở mức cao. Sức hấp dẫn của những con số 50.000, 70.000 đồng/kg thời điểm cách đây gần 15 năm đã kích thích người nông dân mở rộng diện tích trồng tiêu, bởi xét về hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, ít có loại cây công nghiệp nào có thể so sánh được.

 

Thế nhưng, sau một thời gian hoàng kim, cây tiêu cũng không vượt qua được quy luật cung - cầu khắc nghiệt của thị trường. Giá tiêu nhanh chóng giảm dần, giảm dần, tỷ lệ thuận với sự thất vọng của người nông dân. Giá cả sút giảm, dịch bệnh trên cây tiêu lan rộng đã làm cho diện tích trồng tiêu của Lộc Ninh nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung thu hẹp dần. Một số hộ gia đình đã chuyển đổi sang cây trồng khác do không đủ kiên nhẫn bám trụ với cây tiêu. Một số hộ có tiềm lực kinh tế vẫn tiếp tục đầu tư chăm sóc, dù niềm hy vọng về hiệu quả kinh tế mà cây tiêu mang lại đã nguội dần. Lúc này, đối với người nông dân trồng tiêu, ngoài vị cay, hạt tiêu đã có thêm vị đắng.

 

* Thời hoàng kim trở lại?

 

Sau nhiều năm rớt giá, đến vụ thu hoạch 2006, giá hồ tiêu đã phục hồi và liên tục đứng ở mức 65.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng tiêu Bình Phước rất phấn khởi, tiếp tục tin tưởng về triển vọng của loại cây trồng truyền thống này. Sau nhiều năm chăm sóc cầm chừng, lúc này, nhiều nông dân đã tích cực khôi phục lại vườn tiêu.

 

Qua những ngày bĩ cực, từ năm 2006 đến nay, giá tiêu đã đạt tới 90.000 đồng/kg. Những vùng tiêu của Bình Phước hôm nay tuy không tạo được "cú sốc thu nhập" cho nông dân như thời hoàng kim trước đây nhưng tạo được sự phấn khởi cho bà con so với chuyện trồng điều. Ông Trần Hoàng Út ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp cho chúng tôi biết, ông luôn vững niềm tin có ngày giá tiêu sẽ tăng trở lại. Cách đây trên 10 năm, khi gia đình ông từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên Bù Đốp lập nghiệp, ông đã quyết định chọn hồ tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Lúc đó giá tiêu ổn định trong khoảng từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến khi vườn tiêu nhà ông cho thu hoạch thì cũng là lúc giá tiêu tuột dốc, nhiều năm liền chỉ từ 16.000 đến 18.000 đồng/kg. Trong khi nhiều nhà chuyển sang trồng cây khác thì ông vẫn chăm sóc vườn tiêu với niềm tin cây tiêu sẽ quay trở lại thời hoàng kim của nó. Ông cho biết: "Gia đình tôi rất hâm mộ cây tiêu, bởi đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, thích hợp cho những gia đình ít đất sản xuất như gia đình tôi. Nếu giá cả cứ duy trì như hiện nay thì mỗi năm trừ chi phí, nguồn thu của gia đình tôi từ 1.800 nọc cũng đạt trên 150 triệu đồng. Tôi rất phấn khởi khi giá tiêu đã phục hồi, không phụ công tôi chăm sóc mấy năm nay".

 

* Còn đó những băn khoăn

 

Giá tiêu tăng trở lại, nhưng người nông dân vẫn không giấu được nỗi lo khi giá vật tư, phân bón cũng đang ở mức cao và giá cả thị trường, trong đó có giá vàng tăng quá cao trong năm nay. Tuy vậy, trước sức hấp dẫn của giá tiêu, đồng thời với lợi thế là trồng tiêu không cần nhiều diện tích đất nên không ít hộ dân ở Bình Phước cũng đang tích cực chuẩn bị cho một mùa trồng mới. Bình Phước đang xanh lại vùng tiêu, nhưng để hạn chế thiệt hại như đã từng xảy ra với chính cây tiêu 10 năm trước đây, nhiều nông dân rất cẩn trọng khi quyết định đầu tư cho cây tiêu. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ trồng tiêu ở Bình Phước, như ông Nguyễn Văn Phú ở xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh thì "việc chạy theo người khác trồng tiêu khi thấy giá cao rồi chuyển sang cây khác khi rớt giá không phải là cách làm thông minh. Quan trọng là phải gắn bó với loại cây mình đã chọn, tìm mọi cách để giảm chi phí đầu tư, nhưng phải chăm sóc để lấy năng suất bù giá cả trong trường hợp giá tiêu không thuận lợi như thời gian vừa qua".

 

Về vấn đề quy hoạch, phát triển cây tiêu như thế nào để tránh vòng lẩn quẩn "chặt - trồng, trồng - chặt", đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho rằng, điều cốt yếu là phải tuyên truyền, vận động người dân không nên chạy theo bất kỳ loại cây trồng nào khi thấy giá cao. Việc quy hoạch phát triển cây tiêu ở những vùng phù hợp là rất quan trọng. Ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến cáo người dân không nên trồng tiêu một cách ồ ạt, mà phải dựa vào khả năng của mình, quan trọng là thâm canh để có năng suất ổn định phòng khi giá cả không như mong muốn.

 

Thanh Nhàn - Thanh Phương

 

 

 

Tin xem nhiều