Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăn nuôi tự động hóa ở Bình Phước

09:12, 14/12/2010

Năm 2006, thị xã Đồng Xoài - Bình Phước lần đầu tiên có một mô hình chăn nuôi heo siêu nạc theo quy trình tự động hóa do ngành khuyến nông hỗ trợ làm thí điểm để nhân rộng trong toàn tỉnh. Từ quy mô ban đầu chỉ có 36 con heo siêu nạc, đến nay, mô hình chăn nuôi tự động hóa này đã được nhân ra nhiều nơi trong tỉnh Bình Phước.

Năm 2006, thị xã Đồng Xoài - Bình Phước lần đầu tiên có một mô hình chăn nuôi heo siêu nạc theo quy trình tự động hóa do ngành khuyến nông hỗ trợ làm thí điểm để nhân rộng trong toàn tỉnh. Từ quy mô ban đầu chỉ có 36 con heo siêu nạc, đến nay, mô hình chăn nuôi tự động hóa này đã được nhân ra nhiều nơi trong tỉnh Bình Phước.

 

* Từ nuôi heo...

 

Ông Nguyễn Văn Tình, người đầu tiên được hỗ trợ thực hiện quy trình này cho biết, áp dụng quy trình chăn nuôi tự động hóa phải chuyên nghiệp trong tất cả các khâu, từ đầu tư chuồng trại, hệ thống máng ăn, nước uống, thực phẩm, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh đến khâu kiểm tra, chăm sóc. Bản thân ông Tình từng thua lỗ nặng do kiểu chăn nuôi heo truyền thống, nay bắt tay thực hiện quy trình chăn nuôi mới, ông nói rằng mình đã có những thay đổi lớn trong tư duy làm ăn mấy năm nay.

 

Một trại nuôi gà trong phòng lạnh có quy mô lớn.

Xu thế chăn nuôi heo quy mô lớn, hiện đại ngày càng được áp dụng đại trà và bài bản hơn ở Bình Phước những năm qua. Không chỉ các doanh nghiệp chăn nuôi, mà các tập đoàn sản xuất, các hộ nông dân cũng đã đầu tư áp dụng.

 

Ông Trần Văn Minh, ở ấp 10 xã Lộc Hiệp, huyện Bình Long, chăn nuôi heo gia công với Công ty TNHH CP (Thái Lan) cho biết, khi ký hợp đồng với đơn vị này, người chăn nuôi chỉ tốn tiền đầu tư hệ thống chuồng trại, còn con giống, thức ăn, phòng trừ bệnh và đầu ra sản phẩm là do Công ty CP chịu trách nhiệm. Hiện nay, anh Minh đang đầu tư nuôi tới 2.500 con heo. Anh xây dựng 10 chuồng trại trên tổng diện tích 2,5 hécta. Mỗi năm anh Minh nuôi được 2,5 lứa và thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng

 

Toàn tỉnh Bình Phước giờ đây có hơn 20 trại chăn nuôi heo gia công với công ty nước ngoài với gần 100 ngàn con heo thịt, chiếm gần một nửa số lượng heo nuôi trong tỉnh.

 

* ... Đến nuôi gà

 

Không chỉ chăn nuôi heo, nhiều giống vật nuôi khác cũng đã và đang được các doanh nghiệp áp dụng để chăn nuôi theo quy trình tự động hóa. Mô hình nuôi gà trong phòng lạnh của bà Phùng Thị Ngọc Khánh ở ấp 10, xã Tân Hiệp, huyện Bình Long hiện đang được đánh giá là mô hình đem lại nguồn lợi nhuận cao. Mô hình này còn có ưu điểm là nhanh thu hồi vốn, đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ thường phát sinh dịch bệnh. Mô hình chăn nuôi tự động trong phòng điều hòa nhiệt độ của bà Ngọc Khánh tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, nhưng giảm chi phí chăm sóc. Để xây dựng một phòng lạnh rộng 1.400m2 đủ nuôi 13 ngàn con gà, chị Khánh phải đầu tư khoảng cả tỷ đồng. Việc xây dựng chuồng trại phải đúng theo các tiêu chuẩn: nhiệt độ luôn duy trì ở mức 29oC, trước khi nuôi gà phải đổ trấu vào chuồng có bề dày 1 tấc và đã qua hệ thống khử trùng.

 

Ưu điểm lớn của việc nuôi gà theo mô hình này là ít tốn kém nhân công, mỗi trại gà chỉ cần 1 người trông coi, quản lý vì các khâu cho ăn, uống trong phòng lạnh đều phải qua một hệ thống tự động. Anh Nguyễn Xuân Trường, người quản lý trại gà của bà Khánh cho biết: gà nuôi trong phòng lạnh nhanh lớn, bình quân khoảng 45 ngày là gà đạt trọng lượng khoảng 3kg. Mỗi năm, trại gà này nuôi được 5 lứa, mỗi lứa thu về lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. Nhờ quay đồng vốn nhanh nên chỉ từ 1,5-2 năm là người chăn nuôi sẽ thu hồi vốn.

 

Một trại gà khác cũng vận hành theo quy trình tự động hóa 100% có quy mô lớn ở Bình Phước là trại gà Thùy Thảo thuộc Công ty TNHH Hùng Nhơn, huyện Đồng Phú. Trại xây dựng hệ thống chuồng kín có khả năng phòng chống bệnh tốt. Gà được nuôi trong chuồng này sẽ an toàn dịch bệnh, lớn nhanh, lớn đều và đặc biệt là mật độ nuôi cao hơn chuồng bình thường.

***

Toàn tỉnh Bình Phước có khoảng 4 trại chăn nuôi gà trong phòng lạnh có quy mô lớn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điều kiện, khí hậu của tỉnh Bình Phước rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Từ thực tế này, việc chăn nuôi theo quy trình tự động hóa đang mở ra những cơ hội làm ăn mới cho bà con nông dân ở đây.

Thanh Nhàn

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích