Báo Đồng Nai điện tử
En

Chọn mũ bảo hiểm an toàn cho trẻ

11:12, 02/12/2010

Lựa chọn một chiếc mũ bảo hiểm (MBH) tốt và an toàn cho bé không khó, nhưng đòi hỏi các bà mẹ phải thật tinh tế và nắm được một số mẹo nhỏ.

Lựa chọn một chiếc mũ bảo hiểm (MBH) tốt và an toàn cho bé không khó, nhưng đòi hỏi các bà mẹ phải thật tinh tế và nắm được một số mẹo nhỏ.

 

Có rất nhiều loại MBH dành cho trẻ em với nhiều nhãn hiệu trên thị trường, do đó phải chú ý chọn mua loại MBH đã có tem kiểm định hợp pháp. Ngoài ra, kích cỡ chiếc mũ cũng rất quan trọng: nếu chật quá sẽ gây khó chịu, nhức đầu, còn quá rộng sẽ không bảo vệ được bé khi chẳng may té ngã. Vì thế, nên kiểm tra bằng cách xê dịch mũ tới lui, lên xuống, nếu không xê dịch được hoặc khoảng cách xê dịch quá 5cm thì nên chọn chiếc khác. Do các bé còn nhỏ, lại hiếu động, vì thế nên chọn loại có trọng lượng nhẹ, thông thoáng và có khe thông gió bên trên. Bên cạnh đó, với trẻ con cũng nên lưu ý yếu tố màu sắc và hình ảnh, có thể chọn chiếc mũ có màu sáng, trang trí những họa tiết vui nhộn, điều đó sẽ làm cho bé thích đội mũ hơn.

 

Theo các chuyên gia, trẻ em ở độ tuổi 14 đến dưới 16 có thể sử dụng MBH của người lớn vì ở lứa tuổi này, kích cỡ đầu của các em đã có thể bằng với người lớn. Theo quy định, MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô và xe máy được chế tạo theo 3 cỡ với vòng đầu 460mm, 480mm và 500mm. MBH trẻ em được coi là đạt chất lượng nếu đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật như sau: Khối lượng toàn bộ của mũ, kể cả các bộ phận kèm theo, đối với mũ che cả hàm thì nhỏ hơn hoặc bằng 1,2kg và không nặng quá 0,8kg với các loại còn lại. Bề mặt phía ngoài của thân mũ và các bộ phận kèm theo phải nhẵn, không có vết nứt hoặc gờ, cạnh sắc. Đầu đinh tán không được cao hơn 2mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ, không được có các gờ cạnh nhọn, sắc. Nhà sản xuất không được sử dụng các đinh tán có đầu nhọn, không được sử dụng các bu-lông, ốc, vít bằng kim loại để ghép nối các bộ phận của mũ...

 

Một chiếc mũ đạt tiêu chuẩn cũng phải được ghi rõ các thông tin về tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ; ngày, tháng, năm sản xuất... Tốt nhất nên chọn MBH không cứng lắm, quai đeo chắc chắn, nhìn màu sơn bóng loáng, không có khiếm khuyết... Với MBH dùng cho trẻ em thì yếu tố kính phía trước không quan trọng vì nó chỉ có tác dụng chắn gió. Tuy nhiên, nếu phụ huynh chọn loại có kính chắn thì phải kiểm tra xem khi nhìn qua kính, mọi vật có bị méo hay không vì điều này có thể gây rối loạn về thị giác của trẻ.

 

Mũ bảo hiểm bảo vệ bé ra sao?

 

- Lớp xốp mềm giữa mũ có tác dụng chịu lực, tránh cho não bộ bị va chạm mạnh vào xương sọ khi xảy ra va đập.

- Mũ tác động như một rào chắn, tránh xương sọ va trực tiếp vào mặt đường.

 

- Mũ giúp phân tán lực tác động, tránh tập trung vào một điểm.

Đội mũ thế nào cho đúng?

 

- Mở dây quai mũ sang hai bên cho thẳng, đội lên đầu sao cho vành dưới mũ song song với chân mày.

- Chỉnh khóa bên dây quai sao cho dây quai nằm sát phía dưới tai. Cài khóa ở dưới cằm. Chỉnh dây quai sao cho có thể nhét khít 2 ngón tay dưới cằm là được.

 

GIA HÂN (tổng hợp)

Chọn mua mũ bảo hiểm cho trẻ em tại một cửa hàng mũ bảo hiểm ở TP. Biên Hòa.

 

Tin xem nhiều