Năm nay, do tình hình thời tiết phức tạp, mưa ít, lượng nước về các hồ chứa thấp, gây khá nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Tân Phú. Vì vậy, để khắc phục nguy cơ thiếu nước cho vụ đông-xuân, ngay từ đầu vụ, huyện đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp...
Năm nay, do tình hình thời tiết phức tạp, mưa ít, lượng nước về các hồ chứa thấp, gây khá nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Tân Phú. Vì vậy, để khắc phục nguy cơ thiếu nước cho vụ đông-xuân, ngay từ đầu vụ, huyện đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp...
* Giảm diện tích trồng lúa để tránh hạn
Theo dự báo của Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, hiện lượng nước tại hồ Đa Tôn chỉ gần bằng một nửa so với những năm trước (năm 2009 là 19 triệu khối, năm 2010 khoảng trên 9 triệu khối). Chính điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn hécta cây trồng vụ đông-xuân của các xã: Thanh Sơn, Phú Lâm, Phú Thanh và Phú Điền. Ngoài ra, mực nước tại các dòng sông La Ngà và Đồng Nai cũng xuống thấp hơn từ 1-1,5m so với năm 2009, nên việc gieo trồng ở các xã dọc theo hai tuyến sông này cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, trước khi bắt tay vào vụ gieo trồng đông-xuân, UBND huyện đã chỉ đạo cho các xã giảm bớt diện tích trồng cây lúa nước để chuyển sang trồng cây ngắn ngày, tiêu thụ ít nước, nhằm đảm bảo đủ nước tưới tới cuối vụ thu hoạch. Trong đó, ngoại trừ 2 xã Tà Lài và Đắk Lua tăng diện tích trồng lúa lên khoảng 300 hécta ở các vùng bàu trũng, các xã có diện tích lúa được cắt giảm chuyển sang cây trồng khác, bao gồm: Phú Thanh, Phú Bình (giảm gần 2.000 hécta lúa); Phú Điền, Thanh Sơn, Phú Lâm, Trà Cổ (giảm trên 3.000 hécta). Riêng 16 xã còn lại đều không tăng diện tích trồng lúa nước, mà đã có kế hoạch chuyển hết 1.500 hécta cây trồng thâm canh sang trồng bắp và các loại cây rau màu.
Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: "Sở dĩ huyện phải thực hiện việc chuyển đổi như vậy là do tình hình thời tiết hiện nay bất lợi, gây nhiều khó khăn cho sản xuất vụ đông-xuân. Đặc biệt, UBND huyện đã tổ chức triển khai xuống các xã chủ động phòng chống hạn ngay từ đầu vụ, trong đó có giao chỉ tiêu thực hiện trồng các loại cây ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao; đồng thời kiểm tra lại các máy bơm dã chiến, các đường kênh mương dẫn nước để đảm bảo nước tưới tới cuối vụ đông-xuân".
* Chống hạn sớm
Để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng chống hạn trong vụ đông-xuân năm 2010-2011, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí trên 90 triệu đồng từ nguồn ngân sách để mua giống cho nông dân; đồng thời chỉ đạo các xã chủ động cân đối nguồn ngân sách, nhằm hỗ trợ động viên, khuyến khích nông dân tự chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao nhất.
Khi nói với chúng tôi về kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân ở địa phương mình, ông Lê Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lua - một xã nằm sát sông Đồng Nai cho biết: "Lượng nước trên sông năm nay xuống rất thấp, một phần là do mưa ít, phần khác là do các hồ thủy điện tích nước ở phía thượng nguồn, nên lượng nước đổ về không đáng kể. Trước tình hình này, ngay từ đầu tháng 10, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng và thông báo cho bà con nông dân biết. Cụ thể, chúng tôi đã thông báo lịch gieo trồng cho khoảng 100 hécta lúa ở vùng trũng thuộc các ấp: 4, 9 và 10. Ngoài ra, xã cũng đề nghị bà con chuyển đổi 400 hécta lúa kém hiệu quả nơi chân ruộng cao, sang trồng bắp lai và cây rau màu khác. Như vậy, có thể nói, việc chống hạn luôn được xã sẵn sàng và chủ động, nhằm phấn đấu để có một vụ đông-xuân đạt được hiệu quả cao nhất".
Được biết, bên cạnh việc vận động nông dân giảm diện tích trồng lúa nước, các địa phương ở huyện Tân Phú hiện còn chủ động thực hiện khơi thông các hệ thống kênh mương nội đồng; xử lý, sửa chữa các trạm bơm và máy bơm dã chiến để kịp thời chống hạn khi thiếu nước. Ngoài ra, trong năm 2010, huyện cũng đã đầu tư xây dựng được hai trạm bơm tại hai xã Núi Tượng và Nam Cát Tiên, phục vụ nước tưới cho khoảng 300 hécta cây trồng; đồng thời phối hợp với Trạm thủy nông Tân Phú - Định Quán thường xuyên kiểm tra lực tưới các công trình thủy lợi, các trạm bơm điện trên địa bàn; phân công trực tưới, tiêu 24/24 để điều tiết nước kịp thời và hợp lý, tránh xảy ra ngập úng, gây lãng phí nước sản xuất. Riêng Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cũng đã đưa về một số máy bơm dã chiến tại đập dâng Năm Sao (xã Phú Bình) để giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới.
Với việc tích cực chủ động phòng chống hạn hán trong sản xuất nông nghiệp của huyện, hy vọng vụ đông-xuân năm 2010-2011, người nông dân Tân Phú sẽ có một mùa bội thu.
Hồng Văn