Anh Nguyễn Văn Thiều, một nông dân ngụ tại ấp 3, xã Xuân Hưng là người đầu tiên ở huyện miền núi Xuân Lộc đã trồng thành công cây sắn dây lấy bột.
Anh Nguyễn Văn Thiều, một nông dân ngụ tại ấp 3, xã Xuân Hưng là người đầu tiên ở huyện miền núi Xuân Lộc đã trồng thành công cây sắn dây lấy bột. Loại cây trồng này rất thích hợp với vùng đất xám nơi đây và một năm có thể cho hoa lợi đến 500 triệu đồng/hécta, sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Hiệu quả tăng gấp 2 - 3 lần so với các loại cây trồng khác.
Rời quê hương Thái Bình đến xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc lập nghiệp vào những năm 1990 với số vốn ít ỏi nên anh Thiều phải vào tận vùng sâu Suối Lạnh mua đất trồng hoa màu kiếm sống. Bao năm vất vả trên gần 3 hécta với đủ loại cây trồng: mì, bắp điều... nhưng cuộc sống của anh cũng chẳng khá lên. Năm 2003, sau vài chuyến đi thực tế để tìm hiểu về cây sắn dây, anh đã quyết định trồng thử nghiệm gần 500 gốc sắn dây trên diện tích 1 sào đất. Điều khá bất ngờ là cây sắn phát triển xanh tốt, củ nặng, bình quân từ 7 - 8kg.
Hiện nay, gia đình anh Thiều đã có 7 sào sắn dây với gần 3.500 gốc đang trong thời kỳ thu hoạch. 1 sào sắn dây bình quân đạt 3,5 tấn củ, tương đương với 1 tấn bột khô thành phẩm. Nếu tính giá bán sỉ là 8.000đ/kg củ tươi và 100.000đ/kg bột khô như hiện nay, gia đình anh thu về 700 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí đầu tư, anh còn lãi trên 300 triệu đồng.
Sau khi mô hình sắn dây đầu tiên của gia đình anh Thiều ở Xuân Hưng thành công, hiện đã có một số hộ nông dân khác mạnh dạn chặt bỏ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang trồng sắn dây. Ông Phạm Quang Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, chính quyền địa phương đã có kế hoạch định hướng cho nông dân nhân rộng diện tích trồng sắn dây.
Ngọc Hoàng