Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi cá tra thịt trắng ở Tây Ninh

09:12, 07/12/2010

Trong những năm qua, ngành thủy sản Tây Ninh đã tổ chức thả cá vào hồ Dầu Tiếng với số lượng hàng trăm ngàn con và nhiều chủng loại thích hợp với vùng nuôi cá nước ngọt đã làm tăng số lượng đàn cá phát triển trong hồ. Nhiều loại cá giống như mè, cá tra dầu, cá lăng... đã phát triển tốt, chất lượng thịt và trọng lượng cũng được nâng lên đáng kể.

Trong những năm qua, ngành thủy sản Tây Ninh đã tổ chức thả cá vào hồ Dầu Tiếng với số lượng hàng trăm ngàn con và nhiều chủng loại thích hợp với vùng nuôi cá nước ngọt đã làm tăng số lượng đàn cá phát triển trong hồ. Nhiều loại cá giống như mè, cá tra dầu, cá lăng... đã phát triển tốt, chất lượng thịt và trọng lượng cũng được nâng lên đáng kể.

 

Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước hơn 27.000 hécta, hơn 1.500km kênh mương với ba kênh chính Đông, chính Tây, kênh Tân Hưng và hai con sông Vàm Cỏ Đông,  Sài Gòn đã tạo điều kiện thuận lợi để nghề nuôi trồng thủy sản Tây Ninh phát triển. Tận dụng các vùng đất thấp gần hệ thống kênh thủy lợi, ven sông Vàm Cỏ và sông Sài Gòn, nhiều bà con đã đầu tư từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để đào ao thả cá giống, tăng sản lượng cá nuôi và tăng lợi nhuận cho bà con. Trong những năm qua, bà con các xã Phước Minh, Phước Ninh, Lộc Ninh của huyện Dương Minh Châu đã cung cấp cho thị trường tiêu dùng hơn 1.000 tấn cá lóc, cá tra mỗi năm.

 

Cá tra trắng nuôi ở xã Lộc Ninh - Tây Ninh.

Một điều đáng ghi nhận là những vùng đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nhưng chỉ được một vụ và không hiệu quả trước đây được bà con mạnh dạn chuyển đổi, thực hiện mô hình cá, lúa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Vùng ven kênh Đông, thuộc xã Lộc Ninh, nhiều nông dân đã tận dụng nguồn nước này để lập trang trại nuôi cá với diện tích lên đến vài chục hécta, như nông dân Trần Văn Diệp, chủ trang trại nuôi cá tra thịt trắng. Ông cho biết chỉ với một trang trại rộng hơn 3 hécta diện tích mặt nước tại ấp Lộc Trác, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, có sáu ao nuôi cá tra thịt trắng và nuôi cá chẽm, cá diêu hồng. Mỗi năm ông thu hoạch khoảng 1.000 tấn cá tra thịt trắng, thu về hơn 16 tỷ đồng. Nguồn cá giống ông Diệp mua từ các trại cá giống ở đồng bằng sông Cửu Long và chúng phát triển rất tốt bằng nguồn nước từ kênh Đông. Khoảng 6 tháng là ông có thể thu hoạch một lứa cá với trọng lượng mỗi con từ 1,2 - 1,5kg. Hiện nay trang trại của ông Diệp được các công ty thu mua thủy sản tại TP.Hồ Chí Minh đến tận nơi thu hoạch sản phẩm.

 

Tuy nhiên, với giá thức ăn cho cá hiện nay đã tăng lên hơn 30%, giá thu mua cá tra thịt trắng lại giảm xuống đã gây khó khăn cho bà con nuôi thủy sản trong tỉnh. Theo ông Diệp, nếu như tỉnh đầu tư một nhà máy chế biến thủy  sản tại chỗ phục vụ cho hơn 100 hécta mặt nước nuôi thủy sản trong tỉnh, xuất thẳng ra nước ngoài thì bà con nuôi thủy sản đạt lợi nhuận cao hơn. 

 

Để trang trại hoạt động hiệu quả và đảm bảo năng suất ổn định, ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn cá nuôi tại trang trại, ông Trần Văn Diệp còn xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi và có kỹ sư thủy sản theo dõi suốt quá trình chăm sóc cho cá từ ngày thả con giống đến khi thu hoạch.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi và đánh giá của Chi cục bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Tây Ninh ngày càng phát triển với diện tích ngày càng mở rộng. Nhiều nhà đầu tư đã đến Tây Ninh khảo sát và đặt cơ sở nuôi thủy  sản, xây dựng nhiều dự án tiến đến nuôi thủy sản chuyên nghiệp với quy mô lớn. Theo đó, người nuôi thủy sản ở Tây Ninh cũng mong muốn được hỗ trợ thêm về các biện pháp kỹ thuật để có được những đợt thu hoạch đạt sản lượng cao và đảm bảo chất lượng, trong đó có bà con nông dân đang nuôi cá tra thịt trắng để xuất khẩu.

Mai Quang Hiền

 

 

 

Tin xem nhiều