Báo Đồng Nai điện tử
En

"Trẻ hóa" vườn cà phê già cỗi

09:12, 03/12/2010

Đồng Nai có nhiều diện tích cà phê ở giai đoạn già cỗi cho năng suất thấp, thế nhưng các nhà vườn không nỡ chặt bỏ để trồng mới, vì trồng mới sau 3 năm mới cho trái bói và cây sinh trưởng rất kém. Gần đây, Trung tâm khuyến nông Đồng Nai đã thí điểm mô hình ghép chồi giúp vườn cà phê trẻ lại cho năng suất cao.

Đồng Nai có nhiều diện tích cà phê ở giai đoạn già cỗi cho năng suất thấp, thế nhưng các nhà vườn không nỡ chặt bỏ để trồng mới, vì trồng mới sau 3 năm mới cho trái bói và cây sinh trưởng rất kém. Gần đây, Trung tâm khuyến nông Đồng Nai đã thí điểm mô hình ghép chồi giúp vườn cà phê trẻ lại cho năng suất cao.

 

* Chỉ 1 năm cho trái

 

Toàn tỉnh hiện có trên 17 ngàn hécta cà phê, tập trung ở các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán và TX.Long Khánh. Trong đó có đến trên 6 ngàn hécta đã ở vào giai đoạn già cỗi, năng suất thấp, chỉ khoảng hơn 1 tấn/hécta. Do cà phê là cây chủ lực của Đồng Nai nên nông dân trồng mới sẽ được tỉnh hỗ trợ giống và phân bón, song ít hộ dám chặt bỏ để trồng mới. Vì cà phê chặt bỏ trồng mới lại ngay, cây hay bị sâu bệnh, phát triển yếu và 3 năm sau mới cho trái bói. Hiện nay, Trung tâm khuyến nông đã đưa vào ứng dụng mô hình ghép chồi làm trẻ lại vườn cà phê như trồng mới và chỉ sau 1 năm cây bắt đầu cho trái bói.

 

Vườn cà phê ghép của anh Liêm ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) sau 1 năm đã bắt đầu ra bông.

Anh Nguyễn Thiện Liêm ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết: "Tôi trồng cà phê cách đây 16 năm, cây đã ở vào giai đoạn già cỗi, năng suất chỉ đạt hơn 1 tấn/hécta. Tôi định chặt đi trồng mới nhưng còn chần chừ bởi 3 năm sau cây mới cho trái. Cách đây 1 năm, theo hướng dẫn của Trung tâm khuyến nông, tôi đã tiến hành ghép chồi giống cà phê TR5. Khi chồi ghép lên tốt, tôi mới cưa bỏ cây cũ và chỉ sau 1 năm cây bắt đầu cho trái bói". Hiện vườn cà phê ghép của anh Liêm phát triển khá tốt, tuy mới ghép được 1 năm song cây phát triển không thua kém gì vườn cà phê trồng mới năm thứ 3.

 

Việc áp dụng biện pháp ghép chồi các giống cà phê mới có chất lượng  và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống nước, chỉ sau 1 năm cây ra trái bói, năng suất đạt 3 kg/gốc. Với giá cà phê hiện tại 34- 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí nhà vườn vẫn lời  60 ngàn đồng/gốc.

 

* Lợi nhưng còn chần chừ

 

Ở tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, việc ghép chồi để làm trẻ lại vườn cà phê già cỗi đã trở lên quen thuộc và năng suất của cà phê ghép đạt 4-7 tấn/hécta, tăng gấp 2 lần giống cà phê vối. Tại Đồng Nai, ghép chồi để cải tạo vườn cà phê già cỗi đối với nông dân còn khá mới mẻ, do vậy nhiều nhà vườn còn bán tín, bán nghi chưa dám mạnh dạn thực hiện.

 

Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, cho biết: "Trung tâm đã tiến hành xây dựng các mô hình ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi ở các huyện có diện tích cà phê lớn để nhân rộng. Nông dân có vườn cà phê đã lão hóa nếu đồng loạt áp dụng phương pháp này sẽ rút ngắn thời gian cho trái khoảng 2 năm, giảm được nhiều chi phí đầu vào và năng suất tăng gấp 2 lần".

 

Theo kinh nghiệm của một số hộ cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép chồi ở huyện Cẩm Mỹ, ghép chồi cà phê đơn giản, dễ làm. Cà phê ghép có ưu điểm dễ tạo tán theo ý, trái lớn, chín đồng loạt thuận tiện cho thu hoạch và chất lượng trái được nâng lên.

 

Đồng Nai là tỉnh có diện tích cà phê lớn, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt gần 2 tấn/hécta nên giá cà phê hiện đã lên đến 34- 35 ngàn đồng/kg nhưng ông dân chỉ lời hơn 30 triệu đồng/hécta. Cà phê ở Đồng Nai có năng suất thấp là do nhiều vườn đã già cỗi, lão hóa, trồng các giống cũ và xen canh nhiều loại cây khác. Theo các kỹ sư nông nghiệp, để cà phê có năng suất, chất lượng cao, nông dân nên trồng hoặc ghép các giống mới và áp dụng các kỹ thuật mới vào trong canh tác, như: lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tỉa cành tạo tán, bón phân đúng thời điểm... Như vậy, nông dân có thể đẩy năng suất cà phê lên 4-5 tấn/hécta, nếu giá cà phê có chạm đáy như niên vụ 2009- 2010 thì vẫn có lời.

 

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều