Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Văn Phúc - một nông dân ở thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) mua 300 cây bưởi giống trồng trên 2 mẫu đất. Sau bao ngày bỏ công chăm sóc, vườn bưởi của ông ra lứa quả đầu tiên.
Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Văn Phúc - một nông dân ở thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) mua 300 cây bưởi giống trồng trên 2 mẫu đất. Sau bao ngày bỏ công chăm sóc, vườn bưởi của ông ra lứa quả đầu tiên. Nhưng khi nếm thử trái, ông xót xa khi phát hiện trong 300 gốc bưởi ấy, có nhiều cây không cho trái xanh vỏ đỏ lòng, có vị ngọt như giống bưởi da xanh thường thấy. Và ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên ấy, ông đành ngậm ngùi chặt bỏ hơn 50 gốc bưởi đã trồng...
Ông Phúc tâm sự: "Khi đi mua giống, tôi được người bán nói chắc nịch đó là giống bưởi da xanh ruột hồng. Lâu nay tôi cứ yên tâm trồng và chăm sóc. Giờ tới lúc thu hoạch, thương lái vào mua thì mới biết đó là giống bưởi Long Cổ Cò".
* Bỏ thì thương, vương không được
So với giống bưởi da xanh ruột hồng thì giống Long Cổ Cò khác nhau một trời một vực. Một loại có ruột hồng, không hạt, vị ngọt; còn một loại ruột trắng, hạt nhiều, vị chua ngọt. Giá trị kinh tế của bưởi da xanh ruột hồng cao gấp 3 lần so với bưởi Long Cổ Cò.
Nhiều người khởi công làm vườn bưởi đều biết rằng giống bưởi da xanh ruột hồng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên quyết tâm chọn mua. Còn người sản xuất cây giống thì biết tâm lý của nhà nông ham rẻ nên trộn cây giống giả vào để bán. Chuyện mua nhầm cây giống kém chất lượng từ lâu đã được các nhà chuyên môn cảnh báo nhưng giờ đây, không ít nông dân làm vườn ở miền Đông vẫn còn tiếp tục phải trả giá.
Anh Lê Quang Chiến, một nông dân từ Thanh Hóa vào miền Đông lập nghiệp, sau nhiều năm bôn ba, anh đã chọn vùng Tân Hưng, huyện Bến Cát, Bình Dương để dừng chân. Vay bạn bè hơn 500 triệu đồng, mượn được 3,2 hécta đất bên dưới đường điện 500KV, anh bắt đầu quyết tâm làm vườn. Anh chọn trồng giống bưởi da xanh ruột hồng vì giống cây này ngoài giá trị kinh tế còn phù hợp với yêu cầu "phải thấp hơn 4m" mà Nhà nước đề ra đối với những loại cây trồng dưới đường dây điện 500KV. Anh đã mua gần 2.000 cây giống bưởi về trồng trong niềm hy vọng được đổi đời, ổn định cuộc sống gia đình. Nhưng sau 5 năm đầu tư chăm bón, khi những trái bưởi đầu tiên ra đời thì anh mới té ngửa ra rằng vườn bưởi của anh hoàn toàn không phải giống bưởi da xanh ruột hồng như người bán giống giới thiệu trước đây.
Anh Lê Quang Chiến bức xúc: "Tôi mua cây giống 2 lần ở trại Sáu Đức thuộc xã Long Nguyên và trại Chơn Thành, Bình Phước. Đến khi thu hoạch lứa đầu tiên, tôi mừng rỡ mời trang trại Thanh Thủy lên để bán thì mới hay bưởi nhà mình có lộn nhiều cây bưởi chua chứ không phải toàn bưởi da xanh ruột hồng. Giờ đây, tôi phải bấm bụng chặt...".
* Giống trôi nổi, ai quản lý?
Anh Lê Quang Chiến đã phải chặt 165 gốc bưởi giống giả. Theo tính toán của anh, chuyện mua nhầm giống kém chất lượng làm anh mất ít nhất là 350 triệu đồng. Đó là chưa tính đến công sá, phân thuốc chăm sóc suốt 5 năm qua.
Bưởi da xanh có thị trường tiêu thụ rộng lớn nên được bà con chọn trồng. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân vẫn chưa được tư vấn đúng trong việc chọn mua cây giống. Trước tình trạng khan hiếm cây giống trên thị trường, nhiều người đã trộn những giống kém chất lượng vào để bán. Các nhà chuyên môn còn cảnh báo, bưởi là giống cây thụ phấn chéo, nếu không phát hiện sớm và không chặt bỏ sẽ ảnh hưởng đến toàn vườn. Tuy nhiên đây là điều không dễ dàng đối với những nông hộ thiếu vốn đầu tư.
Tại Bình Dương, đa số cây giống được đưa lên từ Chợ Lách, Bến Tre và sầu riêng, bưởi, quýt, xoài, điều là những loại cây trồng bị giả nhiều nhất. Theo một chủ vựa cây giống ở Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương, hiện nay, có ít nhất 15% cây giống kém chất lượng được trộn lẫn vào những giống cây được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, vào những đợt hút hàng con số này sẽ lớn hơn.
Người nông dân khi mua cây giống cũng không có ý tưởng đòi giấy chứng nhận hay các văn bản đảm bảo chất lượng. Các cơ quan chức năng cũng chưa có biện pháp kiểm soát tình trạng buôn bán giống cây trên thị trường. Tình trạng thả nổi, không kiểm soát cây giống trên thị trường, thiếu nguồn cung đạt chuẩn đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân.
***
Từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng giờ đây bà con nông dân lại đối mặt với cây giống kém chất lượng. Các ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc bắt đầu từ việc định hướng người nông dân dùng những sản phẩm uy tín, có nhãn mác rõ ràng. Bà con nông dân phải tự cứu mình bằng cách tìm đến những viện, trường hay những cơ sở sản xuất, nhãn hiệu uy tín để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.
Hạ Nhiên