Báo Đồng Nai điện tử
En

Sổ tay
Tết cho người nghèo

10:01, 24/01/2011

Đã trở thành truyền thống, hàng năm cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị quà Tết để đi thăm hỏi các hộ đồng bào nghèo ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và căn cứ kháng chiến lại rộn ràng trong các cơ quan, đơn vị.

Đã trở thành truyền thống, hàng năm cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, không khí chuẩn bị quà Tết để đi thăm hỏi các hộ đồng bào nghèo ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và căn cứ kháng chiến lại rộn ràng trong các cơ quan, đơn vị. Đến nay, nhiều cơ quan đã ý thức rõ ràng đó không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tấm lòng, tình cảm sẻ chia trên tinh thần "lá lành đùm lá rách..." với một bộ phận đồng bào còn nghèo khó. Chính vì vậy, không chỉ đóng góp theo các cuộc vận động làm từ thiện-xã hội, nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn tổ chức đi trao quà Tết trực tiếp cho bà con. Nhờ thế, tại nhiều vùng sâu xa nhất ở Đồng Nai như Mã Đà (Vĩnh Cửu), Nam Cát Tiên, Tà Lài (Tân Phú)... luôn cảm thấy "ấm lòng" hơn khi ngày Tết về với sự đùm bọc, chia sẻ của các đơn vị, doanh nghiệp...

 

Có thể nói, cho đến ngày nay, cả xã hội đã đồng lòng chia sẻ, chăm lo Tết đến với hộ nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa. Ngoài các chế độ, chính sách của nhà nước, các cuộc vận động của đoàn thể chính trị - xã hội, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các nhà hảo tâm tự nguyện tham gia.

 

Tuy nhiên, việc chăm lo cho người nghèo để ai cũng có một cái Tết đầm ấm không phải là việc tính theo con số cộng hay trừ, mà đó còn là sự quan sát, nắm bắt được tường tận hoàn cảnh của những hộ nghèo. Bởi lẽ hộ nghèo không phải chỉ ở ngay trung tâm thị trấn, thị tứ, mà có khi sống rải rác ở nơi xa dân cư sầm uất, ít có điều kiện tiếp cận với phúc lợi xã hội, với thông tin, với chính quyền xã, ấp... Biết để không bỏ sót, biết để có phương thức phục vụ, chăm lo một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất và bảo đảm tương đối sự công bằng để những hộ nghèo không tủi thân, mặc cảm bị bỏ quên. Điều này cũng đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền và các đoàn thể ở các địa phương.

 

Đồng thời, việc chăm lo Tết còn ở trách nhiệm của ngành thương mại - dịch vụ trong việc phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để bảo đảm hàng hóa về đến nông thôn, vùng sâu vùng xa với giá cả bình ổn. Ngay cả việc tổ chức các "show" ca nhạc Xuân cũng nên hướng đến nơi mà ngày thường ít được tiếp cận các dịch vụ giải trí mà đôi khi thừa mứa ở chốn thị thành.

 

Việt Nam đã được cộng đồng thế giới đánh giá và nhìn nhận là một quốc gia điển hình về thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đến nay nước ta cũng mới chỉ vượt qua ngưỡng quốc gia nghèo theo chuẩn mực của thế giới, do vậy sự nghiệp xóa nghèo và chống tái nghèo vẫn cần phải tiếp tục với sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng xã hội. Để rồi mỗi khi ngày Tết đến, cùng  với âm  vang của tiếng trống lân giục giã và những bài hát xuân tươi vui, rộn ràng thì ở bất kỳ đâu đó trên mọi miền đất nước, những gia đình nghèo cũng sẽ cảm thấy trong lòng ấm áp hơn.

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều