Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến nông
Kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long

03:02, 17/02/2011

Hiện nay, ở một số vùng thiếu nước tưới, nông dân trong tỉnh đã chuyển từ trồng bắp, mì sang trồng thanh long và thu nhập tăng gấp 2 - 3 lần. Thanh long là cây dễ trồng, song để có năng suất, chất lượng cao nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau:

Thanh long ruột đỏ được trồng ở xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom).

Hiện nay, ở một số vùng thiếu nước tưới, nông dân trong tỉnh đã chuyển từ trồng bắp, mì sang trồng thanh long và thu nhập tăng gấp 2 - 3 lần. Thanh long là cây dễ trồng, song để có năng suất, chất lượng cao nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật sau:

 

1/ Chuẩn bị hom giống

 

- Thanh long có thể trồng bằng hột nhưng lâu có trái. Hiện nay, chủ yếu các nhà vườn trồng bằng hom (cắm cành). Hàng năm việc tỉa cành tạo nên nguồn hom giống dồi dào, nhưng để cành phát triển tốt thì cần chọn những cành từ  1 - 2 năm tuổi trở lên và nên chọn những cành già.

 

- Chiều dài hom tốt nhất là từ 50 - 70cm. Chọn hom mập, có màu xanh đậm, đồng thời không có khuyết tật, sạch sâu bệnh. Các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi tốt.

 

- Sau khi chọn hom xong, hom được dựng nơi thoáng mát, trên nền đất khô ráo, trong vòng 10 - 15 ngày hom bắt đầu nhú rễ thì đem trồng.

 

2/ Thời vụ trồng

 

- Thường trồng vào tháng 10 - 11 dương lịch, ưu điểm của vụ này là nguồn hom giống dồi dào do trùng vào lúc tỉa cành và có thể lợi dụng được độ ẩm vào cuối mùa mưa, còn ở các vùng đất thấp thì mùa này tránh được nguy cơ ngập úng. Tuy nhiên, trồng mùa này có nhược điểm là cây chưa lớn đủ để có thể chống chịu nắng hạn, vì vậy cần chú trọng tưới nước và giữ ẩm cho cây trong mùa nắng.

 

- Ở những vùng thiếu nước tưới thì nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 4 - 5). Xuống giống trong thời gian này sẽ gặp khó khăn vì là mùa thanh long ra hoa nên thiếu hom, phải có kế hoạch giâm hom từ trước.

 

3/ Cách trồng

 

- Trên đất cao, trước khi đặt hom làm âm xuống một khoảnh quanh trụ có cạnh độ 1 - 1,5m, sâu 20 - 30cm, rồi bón lót độ 10kg phân chuồng + 0,5kg super lân.

 

- Trên đất thấp phải lên mô trước khi trồng, xới đất và rải phân quanh mô.

 

- Đặt từ 3 - 4 hom quanh cây chống (trụ), cần chú ý đặt hom cạn 5cm để tránh thối gốc do đất ẩm.

 

- Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ. Cột hom vào trụ để gió khỏi làm lung lay lúc đầu vì rễ trên không chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom, ở các vùng đất cao ủ gốc để giữ ẩm.

 

4/ Bón phân

 

 - Giai đoạn kiến thiết cơ bản là 2 năm đầu, lượng phân bón thúc thường được áp dụng là 30kg urê + 20kg NPK (16-16-8)/100 trụ/năm. Cụ thể sau khi trồng 15 - 20 ngày bón thúc 1/3 lượng phân, đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau bón thúc 1/3 lượng phân và tháng 6 - 7 bón thúc nốt lượng phân còn lại.

 

         - Ngoài ra, bổ sung các phân vi lượng bằng cách phun hoặc tưới các chế phẩm như: HVP 301, Mymix... như vậy cây con sẽ tăng trưởng thật mạnh ở giai đoạn đầu và sẽ cho quả sớm.

 

- Giai đoạn kinh doanh. Năm thứ 3 trở đi, năng suất đã khá ổn định cần chú trọng tới một loại phân cần thiết để làm quả ngon ngọt và lớn hơn. Trung bình cho mỗi trụ bón 15 - 50kg phân chuồng; 0,5kg phân lân; 0,5kg urê; 1,5kg NPK; 0,5kg kali. Chia phân ra làm 3 lần để bón cho cây. Lần thứ 1, sau khi tỉa cành (tháng 10 - 11) bón tất cả phân chuồng, lân và 1/3 số phân urê. Mục đích là để thúc các đợt lộc cành đầu tiên ra nhanh để ra quả vào mùa tới. Lần thứ 2, cách lần thứ  1 độ 40 ngày bón 1/3 urê, 1/5 NPK, 1/2 kali để thúc đợt cành thứ 2. Lần thứ 3, vào tháng 3, gồm: 1/3 urê + 2/5 NPK và 1/2 kali thúc đợt cành cuối cùng và làm đợt cành thứ 1 phân hóa mầm hoa.

 

Sau ba lần thúc thì bụi thanh long có 3 - 4 lớp cành và đợt nụ đầu tiên bắt đầu xuất hiện, quan sát sự ra hoa bón bổ sung từng đợt NPK cho hết 2/5 còn lại bằng cách chia nhỏ lượng phân này rải làm nhiều đợt trong thời gian cây nuôi quả. Ngoài ra, bổ sung các chất vi lượng bằng cách phun Mymix hoặc HVP...

 

5/ Tưới nước, tỉa cành

 

- Mặc dù thanh long chịu hạn giỏi, nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và làm giảm năng suất nhiều. Biểu hiện của sự thiếu nước là cành mới hình thành ít và phát triển rất chậm, sau đó cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng. Do đó, tùy theo độ ẩm để  tưới khoảng 3 - 7 ngày/lần. Chú ý, những vùng thiếu nước tưới vào mùa khô nên ủ gốc bằng rơm, cỏ khô, xơ dừa để giữ ẩm.

 

- Năm thứ 2 tỉa nhẹ để tạo tán hình cây dù. Tới cuối năm thứ 3 mỗi trụ có độ 100 cành. Sau khi thu hoạch nên tỉa các cành già giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới.

 

6/ Thu hoạch

 

- Sau khi trái chuyển màu từ xanh qua đỏ được độ 3 ngày thì dùng liềm hay dao sắc cắt đựng vào rổ hoặc giỏ xếp theo từng lớp có lót giấy, rơm hoặc lá chuối để giảm bớt hư hỏng  trong quá trình  vận chuyển ra nơi mua.

 

Nguyệt Hạ

 

 

Tin xem nhiều