Báo Đồng Nai điện tử
En

Mãng cầu xiêm Xuân Bảo: Giảm diện tích do sâu bệnh

08:02, 27/02/2011

Những năm trước, vào dịp cuối tháng 2, người ra vào xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) mua bán mãng cầu xiêm tấp nập. Mỗi ngày có hàng trăm tấn mãng cầu xiêm được đưa lên xe chở đi tiêu thụ khắp nơi. Thế nhưng, năm nay vào chính vụ, con đường vào xã lại im lìm và khách hàng muốn tìm mua 5-10 kg mãng cầu xiêm không dễ.

Những năm trước, vào dịp cuối tháng 2, người ra vào xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) mua bán mãng cầu xiêm tấp nập. Mỗi ngày có hàng trăm tấn mãng cầu xiêm được đưa lên xe chở đi tiêu thụ khắp nơi. Thế nhưng, năm nay vào chính vụ, con đường vào xã lại im lìm và khách hàng muốn tìm mua 5-10 kg mãng cầu xiêm không dễ.

 

* Mất mùa

 

Thời hoàng kim của cây mãng cầu xiêm ở xã Xuân Bảo vào khoảng 3-4 năm về trước. Lúc đó, cây mãng cầu xiêm tại đây phát triển tốt, năng suất từ 12 - 15 tấn/hécta/năm, giúp nông dân lời 60 - 100 triệu đồng/hécta/năm. Cây mãng cầu xiêm ở Xuân Bảo có ưu điểm là cho trái quanh năm, song từ tháng 2 - 4 là chính vụ, trái tập trung nhiều hơn. Từ lâu, vùng này đã nổi tiếng với đặc sản mãng cầu xiêm, vì trái có mùi vị thơm ngon hơn các vùng khác nên giá bán cũng cao hơn từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Song cuối năm 2010, thời tiết bất thường có nhiều ngày lạnh đã làm cây mãng cầu xiêm không đậu trái, năng suất giảm đến 2/3, có những vườn cây đang thời kỳ kinh doanh mà hơn nửa năm nay không có trái.

 

Bà Nguyên, ở Xuân Bảo bên cây mãng cầu xiêm bị bệnh chết.

Bà Nguyễn Thị Hay, ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo, cho hay: "Tôi có 1 hécta mãng cầu xiêm, những năm trước thời tiết ổn định lời khoảng 60 - 70 triệu đồng/năm. Cuối năm rồi thời tiết lạnh, cây đậu trái ít, thu hoạch không đủ chi phí cho phân bón, công và thuốc bảo vệ thực vật. Trồng mãng cầu xiêm cả 10 năm nay nhưng chưa năm nào tôi thấy cây lại mất mùa như vậy. Đã vậy, cây còn mắc nhiều bệnh, mỗi hécta phải tốn thêm 5-6 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu".

 

Bà Phan Thị Nguyên, chủ đại lý chuyên mua mãng cầu xiêm ở xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: "Những năm trước, vào tháng 2, mỗi ngày đại lý của tôi mua vào khoảng 1 tấn quả, nhưng năm nay mỗi ngày chỉ mua được gần 10kg quả. Do đó, các cửa hàng ở Biên Hòa và TP. Hồ Chí Minh đặt mua với giá 15 - 18 ngàn đồng/kg, cao hơn những năm trước 8 - 10 ngàn đồng/kg mà vẫn không có hàng để bán. Ngay vườn mãng cầu 4 năm tuổi của tôi cũng bỗng dưng vàng lá, khô cành rồi chết". Để minh chứng cho lời nói của mình, bà Nguyên chỉ mấy trái mãng cầu xiêm nằm lăn lóc trên đất nói: "Khách đặt mua 20kg chiều nay lấy nhưng tôi không dám nhận. Từ chiều qua đến giờ tôi đi mấy vườn mà chỉ mua được khoảng 5kg".

 

* Nguy cơ mất vùng đặc sản

 

Gần 2 năm nay, cây mãng cầu xiêm ở xã Xuân Bảo thường xuyên bị bệnh vàng lá, khô cành rồi chết dần. Dù nông dân, cán bộ nông nghiệp địa phương đã tìm nhiều cách cứu chữa nhưng các vườn mãng cầu xiêm mắc bệnh rồi chết ngày càng nhiều. Có những vườn mãng cầu xiêm năm thứ 4-8 đang tươi tốt bỗng đổ bệnh vàng lá và chỉ sau vài tháng là chết hàng loạt khiến nông dân điêu đứng vì mất đi khoản thu nhập chính.

 

Bà Hay ở ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) lo lắng cho vườn mãng cầu xiêm thất mùa và chớm bị bệnh.  

Ông Nguyễn Văn Thưng ở ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo, kể: "Bao nhiêu vốn liếng của gia đình tôi đều dồn vào đầu tư cho 3 sào mãng cầu xiêm, đúng thời điểm cây bắt đầu cho trái nhiều thì bị bệnh vàng lá, không có trái rồi chết sạch, báo hại tôi lại phải vay vốn đầu tư trồng lại sầu riêng. Nhưng trồng sầu riêng cũng phải 4 - 5 năm nữa mới được thu nên hiện cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn".

 

Theo báo cáo của xã Xuân Bảo, vào đầu năm 2009 diện tích mãng cầu xiêm của xã xấp xỉ 300 hécta song hiện chỉ còn 220 hécta, đặc biệt thời gian gần đây diện tích cây bị bệnh vàng lá rồi chết tăng khá nhanh. Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bảo,  nói: "Thời gian gần đây, cây mãng cầu xiêm bị chết hàng loạt không cứu được nên các nhà vườn chuyển qua trồng chuối, mít và sầu riêng. Nguyên nhân khiến cây bị vàng lá, khô cành chết hàng loạt là do một loại nấm mới gây hại hiện vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị, nếu không sớm tìm ra biện pháp trị bệnh hữu hiệu thì khó giữ được vùng đặc sản mãng cầu xiêm".

 

Hương Giang

 

                                                                                

 

Tin xem nhiều