Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân đối mặt với khó khăn
Bài 2: Thắt chặt chi tiêu

08:02, 14/02/2011

Gần một năm qua, lợi nhuận nông dân thu được từ chăn nuôi, trồng trọt phần lớn thấp hơn hoặc chỉ bằng những năm trước. Thế nhưng, mọi khoản chi tiêu mua sắm vật dụng, thực phẩm, tiền cho con ăn học cứ theo nhau đội giá. Để trang trải đủ cho cuộc sống, họ đành phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu.

Gần một năm qua, lợi nhuận nông dân thu được từ chăn nuôi, trồng trọt phần lớn thấp hơn hoặc chỉ bằng những năm trước. Thế nhưng, mọi khoản chi tiêu mua sắm vật dụng, thực phẩm, tiền cho con ăn học cứ theo nhau đội giá. Để trang trải đủ cho cuộc sống, họ đành phải thắt chặt mọi khoản chi tiêu.

 

* Tiết kiệm tối đa

 

Giữa cái nắng oi ả của buổi trưa, cả gia đình bà Bùi Thị Ba  ở ấp 1B, xã Phước Thái (huyện Long Thành) ngồi ăn cơm mà mồ hôi nhễ nhại, song chiếc quạt nằm ở góc phòng vẫn không mở. Bà Ba nói: "Bây giờ cái gì cũng tăng giá vùn vụt, từ chai dầu ăn đến đường, bột ngọt, xà bông... mỗi kg hoặc lít đều tăng thêm 6-10 ngàn đồng. Vì vậy, tôi đành phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác, như: tiền điện, tiền thức ăn hàng ngày mới đủ trang trải. Trước đây, 5 người trong gia đình tôi dùng khoảng 100 ngàn đồng tiền điện/tháng, nay chỉ dùng khoảng 40-50 ngàn đồng/tháng, đa số chỉ thắp sáng lúc chập tối, còn nồi cơm điện, ấm điện, quạt điện tôi đành phải xếp lại, rất hiếm khi dùng".

 

Chị Hà ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) phải đóng nấm thuê để có thêm tiền nuôi con ăn học.

Hiện nay, nông sản, thực phẩm nông dân làm ra bán giá không cao, trung bình chỉ tăng khoảng 5-10%, nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phải mua, như: gạo, bột ngọt, dầu ăn, đường, mì, thịt heo, thịt gà, cá... tăng từ 15- 30% khiến đời sống của nông dân trong tỉnh ngày càng thêm khó khăn. Nhiều hộ đã giảm bớt các khoản mua sắm vật dụng trong gia đình, để có tiền trang trải lễ tết, hiếu hỉ. Chị Chung ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), kể: "Mỗi năm vào dịp gần Tết là gia đình tôi đều sửa lại nhà cửa, sắm thêm một số vật dụng và quần áo cho con, nhưng Tết này cái gì thật cần thiết tôi mới mua, vậy mà tiền tiêu vẫn cứ như "bị lấy cắp"! Ngày trước, tôi đi chợ chỉ khoảng 50 ngàn đồng là cả nhà 4 người có 2 bữa cơm tươm tất, giờ tăng lên 70 ngàn đồng/ngày mà bữa cơm vẫn không bằng trước".

 

Ngoài nỗi lo vật giá leo thang, nông dân còn thêm gánh nặng hiếu hỉ. Vì mọi thứ đều tăng giá, kéo theo tiền mừng hiếu hỉ cũng tăng. Ông Nguyễn Văn Lỗi ở ấp 1B, xã Phước Thái (huyện Long Thành), cho hay: "Cách đây một năm, tôi làm một ngày kiếm được 90-100 ngàn đồng cho gia đình 3 người sống cũng tạm ổn, hiện tiền công tăng 120-150 ngàn đồng/ngày nhưng sống vẫn chật vật. Mỗi lần nhận được thiệp mời hiếu hỉ là gia đình tôi lại xanh mặt, không đi thì bị hờn trách, còn đi mất ít nhất 100 ngàn đồng, vì mọi cái đều tăng giá, tiền mừng cũng phải tăng!".

 

* Gánh nặng học hành

 

Nuôi con ăn học trong thời điểm bão giá đối với nhiều gia đình nông dân hiện đang trở thành gánh nặng oằn vai. Bởi, trước đây có 1 người con học cao đẳng, đại học xa nhà mỗi tháng gia đình chỉ chu cấp 1,2-1,5 triệu đồng/tháng là đủ, nay tăng lên 2-2,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các khoản khác như học phí, học thêm cũng tăng từ 20-40%. Chị Hà ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), tâm sự: "Con đầu của tôi đang theo học năm thứ 3 đại học kinh tế tại TP.Hồ Chí Minh. Cách đây nửa năm, giá cả chưa tăng tôi cho cháu 1,5 triệu đồng/tháng, hiện mỗi tháng phải cho 2,5 triệu đồng mới đủ chi dùng. Gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi heo. Thời gian qua heo bị dịch tai xanh, giá rớt thê thảm lỗ gần 100 triệu đồng nên để có tiền cho con học, tôi nhận làm thêm, vậy mà trong nhà vẫn thiếu trước hụt sau".

 

Bà Phạm Thị Quế ở ấp 3, xã An Viễn (huyện Trảng Bom), than: "Tôi có 2 đứa con đang theo học cao đẳng ở TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Lúc trước, tôi chỉ cho mỗi đứa 1,5 triệu đồng/tháng là đủ chi dùng, hiện tăng lên hơn 2 triệu đồng/tháng mà vẫn thiếu, do vậy phải đi làm thêm mới đủ sống. Gia đình làm nông nghiệp chỉ trông vào lợi nhuận của mấy hécta điều. Vụ rồi thời tiết nắng hạn cây điều mất mùa, tiền lời chỉ bằng nửa những năm trước nên để có được gần 5 triệu đồng/tháng cho hai đứa con ăn học, vợ chồng tôi phải tranh thủ thời gian đi làm thuê cho các vườn khác".

 

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều