Muốn giảm bớt được khó khăn trong cơn bão giá, nông dân chỉ còn giải pháp là áp dụng kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đẩy cao năng suất để tăng lợi nhuận.
Muốn giảm bớt được khó khăn trong cơn bão giá, nông dân chỉ còn giải pháp là áp dụng kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, đẩy cao năng suất để tăng lợi nhuận.
* Giải pháp cho cây trồng
Hiện nay, nông dân Đồng Nai vẫn còn có thói quen đa số sử dụng các loại phân tổng hợp, như: NPK, DAP bón cho cây trồng. Theo các kỹ sư nông nghiệp, trong hoàn cảnh giá phân bón hóa học tăng 30- 40%, các loại phân tổng hợp rất dễ bị làm giả kém chất lượng, nông dân nên sử dụng phân đơn, như: đạm, lân, kali vừa giảm được chi phí lại đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, có thể giảm các loại phân bón hóa học bằng cách tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp ủ làm phân hữu cơ bón cho cây, giảm được nhiều chi phí đầu vào, cây trồng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và năng suất tăng cao. Ngoài ra, nên dùng các giống mới, năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh để gieo trồng và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (TTK), bón phân qua đường ống, giảm công lao động, tiền điện, đồng thời tiết kiệm 1/2 lượng nước tưới.
Nhờ lắp đặt hệ thống tưới TTK, vườn tiêu của ông Thường ở xã Xuân Thọ (Xuân Lộc) cho năng suất tăng gấp 2 lần. |
Ông Lê Đình Thường, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) cho biết: "Trước khi lắp đặt hệ thống TTK, năng suất tiêu của tôi chỉ đạt 2,5 - 3 tấn/hécta/năm. Sau khi lắp đặt hệ thống TTK và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, năng suất cây tiêu lên đến 5 - 6 tấn/hécta/năm và bớt được 50 công tưới, bón phân/hécta/năm, giảm được 6 triệu đồng/hécta/năm. Thời điểm phân chuồng xuống giá rẻ, tôi mua về ủ sẵn để bón cho cây tiêu, giảm dùng phân hóa học. Do đó, chi phí đầu vào cho vườn tiêu của tôi thường thấp hơn các hộ trồng theo phương pháp truyền thống khoảng 20 triệu đồng/hécta/năm, trong khi năng suất tăng gấp 2 lần, trừ chi phí còn lời 300 - 400 triệu đồng/hécta/năm". Anh Đinh Đoàn Lời, ấp Phượng Vĩ, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc), kể: "Vùng này đất xám bạc màu, nếu trồng xoài theo phương pháp cũ, vào mùa khô thiếu nước chỉ đạt 18 - 20 tấn/hécta/năm. Sau hai năm lắp đặt hệ thống TTK, vườn xoài của tôi đạt 40 tấn/hécta/năm, lời gần 100 triệu đồng/hécta/năm, cao gấp 2,5 lần so với trước".
Với cây trồng hàng năm, như: lúa, bắp, đậu, rau..., việc sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản suất an toàn và "3 giảm, 3 tăng" giúp nông dân làm ra nông sản có năng suất, chất lượng cao. Lão nông Lương Văn Túi, ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), cho hay: "Vụ mùa vừa qua gặp hạn, lúa của nhiều bà con chỉ đạt 3-4 tấn/hécta, nhưng ruộng của tôi nhờ gieo trồng giống mới chống chịu được hạn, sâu bệnh và áp dụng quy trình "3 giảm, 3 tăng" vẫn được hơn 6 tấn/hécta. Cho dù vật tư đầu vào tăng 30 - 40%, tôi vẫn lời 18 triệu đồng/hécta".
Ngoài các giải pháp về giống, kỹ thuật, nông dân một số vùng còn từng bước đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất để giảm công lao động, tăng cường công tác bảo quản, sơ chế sau thu hoạch hạn chế thất thoát, nâng cao chất lượng nông sản, giá bán cao hơn.
* Để chăn nuôi có lời
Thời gian qua, người chăn nuôi ở Đồng Nai gặp không ít khó khăn, vì thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo, gà liên tiếp giảm, dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số trang trại vẫn trụ được để chờ thời nên lợi nhuận thu được khá cao. Ông Võ Hữu Thời, chủ trang trại heo ở xã Lộc An (huyện Long Thành), bật mí: "Tôi trụ được qua đợt dịch tai xanh vừa rồi là nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tự mua nguyên liệu phối trộn thức ăn để hạ giá thành. Vì thế qua thời điểm dịch, đợi giá heo hơi nhích dần tôi mới bán ra". Việc tự mua nguyên liệu để phối trộn thức ăn chăn nuôi cho heo, gà sẽ giúp nông dân giảm được gần 2 ngàn đồng/kg cám.
Ông Mỏi ở ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm (huyện Tân Phú) lắp đặt tưới phun cho rau giảm được nhiều công tưới, năng suất rau tăng, rút ngăn 5-6 ngày/lứa rau. |
Ngoài việc tìm cách hạ chi phí đầu vào, có những trang trại nuôi heo còn tận dụng nguồn chất thải để làm hầm biogas lấy khí đun nấu và chạy máy phát điện. Ông Nguyễn Văn Dục, ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền (huyện Trảng Bom), cho biết: "Gia đình tôi nuôi khoảng 800 con heo, tận dụng một phần nguồn phân thải làm hầm biogas, chạy máy phát điện để dùng trong sinh hoạt, chăn nuôi, tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng tiền điện/tháng".
Theo ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Đồng Nai, hai yếu tố chính đem lại lợi nhuận cao cho chăn nuôi, trồng trọt là giống và kỹ thuật. Nếu có được giống tốt và nông dân áp dụng thuần thục các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất chắc chắn lợi nhuận trên cây trồng và trong chăn nuôi sẽ tăng gấp 1,5 - 3 lần.
Hương Giang