Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trồng tiêu đạt năng suất cao nhất tỉnh

09:03, 01/03/2011

Hiện nay, năng suất bình quân của cây tiêu trong tỉnh đạt khoảng 2 tấn/hécta. Thế nhưng, ông Trần Hữu Thắng, ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), là người duy nhất ở Đồng Nai 5 năm liền đẩy năng suất tiêu lên 7-10 tấn/hécta. Theo ông Thắng, bí quyết để đạt được năng suất cao nằm trong tầm tay của nhiều hộ làm vườn.

Hiện nay, năng suất bình quân của cây tiêu trong tỉnh đạt khoảng 2 tấn/hécta. Thế nhưng, ông Trần Hữu Thắng, ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), là người duy nhất ở Đồng Nai 5 năm liền đẩy năng suất tiêu lên 7-10 tấn/hécta. Theo ông Thắng, bí quyết để đạt được năng suất cao nằm trong tầm tay của nhiều hộ làm vườn.

 

* Người đầu tiên lắp hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu

 

Ông Thắng trồng tiêu ở vùng đất Xuân Thọ cách đây hơn 10 năm, song những năm trước sản xuất theo phương pháp truyền thống, năng suất tiêu của ông chỉ đạt hơn 2 tấn/hécta. Do đó, năm nào tiêu được mùa trúng giá, ông chỉ lời gần 100 triệu đồng/hécta, có năm tiêu rớt giá chỉ hòa vốn. Không chấp nhận cảnh bấp bênh của cây tiêu, ông thường xuyên tìm đến những mô hình trồng tiêu năng suất cao ở các tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm. Ông là người đầu tiên của huyện Xuân Lộc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (TTK) và bón phân qua đường ống cho vườn tiêu. Đây là bước đột phá để đẩy năng suất tiêu của ông lên cao nhất tỉnh.

 

Ông Thắng trong vườn tiêu của mình.

Ông Thắng cho biết: "Đầu năm 2006, tôi là người đầu tiên trong xã dám bỏ ra gần 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống TTK cho vườn tiêu. Chỉ sau gần một năm lắp hệ thống TTK, năng suất tiêu của tôi đã tăng vọt lên 7 tấn/hécta, cao gấp 3 lần những năm trước. Thành công này đã thúc đẩy tôi tiếp tục áp dụng các kỹ thuật mới vào trong canh tác như tăng thêm lượng phân bón hữu cơ, giảm phân hóa học, sử dụng thuốc theo phương pháp "4 đúng"... Nhờ vậy, năm 2008 năng suất vườn tiêu của tôi đã đạt 8 tấn/hécta và năm 2009, 2010 đều ổn định ở mức 10 tấn/hécta và vụ tiêu đang thu hoạch ước trên 10 tấn/hécta". Với năng suất tiêu luôn tăng cao, mỗi năm ông Thắng lời từ 200-600 triệu đồng/hécta/năm.  

 

Ở Đồng Nai, các vườn tiêu sản xuất theo hướng truyền thống đến năm thứ 12 là cây bắt đầu già, chết hàng loạt phải trồng lại. Song vườn tiêu của ông Thắng nhờ lắp đặt hệ thống TTK mà đã vào năm thứ 13 vẫn còn tươi tốt và cho trái nhiều. Theo các kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm khuyến nông tỉnh, lắp đặt hệ thống TTK có thể kéo dài tuổi thọ cho cây tiêu thêm 5-6 năm.

 

* Lời từ 200 -  600 triệu đồng/hécta

 

Lắp đặt hệ thống TTK và bón phân qua đường ống mỗi năm giúp ông Thắng giảm được gần 10-15 triệu đồng/hécta chi phí làm bồn tưới, công tưới, bón phân hóa học, tiền điện và thuốc bảo vệ thực vật trong khi cây vẫn phát triển tốt và giảm sâu bệnh. Đồng thời, năng suất tiêu tăng gấp 3-4 lần và 5 năm liền ông đều đạt năng suất cao nhất tỉnh. Do đó, có năm giá tiêu rớt chạm đáy, chỉ còn 30-32 ngàn đồng/kg nhưng ông Thắng vẫn có lời 200 triệu đồng/hécta. Theo tính toán của ông Thắng, vụ này giá tiêu 93 ngàn đồng/kg, trừ chi phí ông còn lời khoảng 850 triệu đồng/hécta.

 

Trước đây, tưới tràn lan làm tiêu rụng thường phải bỏ vì lẫn vào đất, thế nhưng hơn 5 năm nay nhờ lắp đặt hệ thống TTK ông Thắng thu thêm được hơn 300kg tiêu rụng/hécta/năm.

 

Trung tâm khuyến nông tổ chức cho nông dân trong tỉnh tham quan vườn tiêu của ông Thắng.

Ông Nguyễn Lam Điền, Trưởng trạm khuyến nông huyện Xuân Lộc, cho hay: "Gần 5 năm nay, tỉnh và huyện thường xuyên tổ chức hội thảo, đưa nhiều nông dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc tiêu của ông Thắng. Nhiều người sau khi tham quan về áp dụng cho vườn tiêu của mình, năng suất được cải thiện rõ rệt. Hiện nhiều nhà vườn trồng tiêu ở Đồng Nai đã đạt năng suất từ 5-7 tấn/hécta".

Hiện nay, Đồng Nai là tỉnh có diện tích tiêu lớn thứ 3 trong cả nước với gần 8 ngàn hécta tiêu. Trong đó, cây tiêu đang cho thu hoạch hơn 6.300 hécta, năng suất bình quân 2 tấn/hécta/năm. Nếu nông dân trồng tiêu trong tỉnh đồng loạt lắp đặt hệ thống TTK và áp dụng kỹ thuật vào trong canh tác thì lợi nhuận mỗi năm sẽ tăng hàng trăm tỷ đồng.

K.M

 

Lắp đặt hệ thống TTK ngoài cho năng suất cao, hạ chi phí đầu tư còn giúp tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, giảm được hạn hán cho cây trồng vào mùa khô ở những vùng thiếu nước. Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống TTK còn giúp nông sản làm ra đồng đều, đảm bảo chất lượng đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước.  Hiện nay, đầu tư hệ thống TTK cho vườn tiêu chỉ khoảng 15-35 triệu đồng/hécta và hệ thống có thể sử dụng được 5-6 năm. Với mức đầu tư trên chỉ sau 1 năm lắp đặt, năng suất tiêu tăng cao, nông dân có thể thu hồi vốn và lời nhiều hơn.

 

Hương Giang

 

                       

 

 

Tin xem nhiều