Theo các lão nông có thâm niên trong nghề trồng lúa ở huyện Nhơn Trạch, chưa khi nào họ gặp cảnh nước mặn làm thất bát mùa màng nhiều như hiện nay. Lúa đang thời kỳ phơi bông bị nhiễm mặn, cánh đồng cháy khô khiến nông dân phải đốt bỏ hàng loạt.
Theo các lão nông có thâm niên trong nghề trồng lúa ở huyện Nhơn Trạch, chưa khi nào họ gặp cảnh nước mặn làm thất bát mùa màng nhiều như hiện nay. Lúa đang thời kỳ phơi bông bị nhiễm mặn, cánh đồng cháy khô khiến nông dân phải đốt bỏ hàng loạt.
* Lúa cháy, trắng tay
Năm nay, lượng nước mặt trên các sông, hồ ít nên khi thủy triều dâng đã đẩy nước mặn vào sâu trên hệ thống sông Đồng Nai gây ảnh hưởng đến hàng loạt diện tích cây trồng lấy nước trực tiếp từ sông. Nhơn Trạch là huyện bị mặn gây thiệt hại nhiều nhất, trong đó nặng nhất là xã Đại Phước với khoảng 80 hécta lúa bị ảnh hưởng, nhẹ cũng giảm trên 60% năng suất, còn lại là mất trắng. Nhiều hộ không có khả năng thuê thợ cắt bỏ lúa bị chết khô do nhiễm mặn đã chọn giải pháp đốt.
Có mặt ở cánh đồng Vàm Ô thuộc ấp Bến Cộ, xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch), chúng tôi thấy nhiều ruộng lúa bị nhiễm mặn phải đốt còn đang cháy nham nhở. Ông Tăng Hiếu Phi, một nông dân gắn bó với nghề trồng lúa hơn 20 năm ở ấp Bến Cộ, nói: "Bao nhiêu năm trồng lúa ở đây, chưa khi nào tôi gặp mặn dữ dằn như thế. Cây lúa đang thời trổ chín bị nước mặn tràn vào chỉ 2-3 ngày sau là chết khô hàng loạt. Tôi có 3 hécta lúa chỉ còn khoảng gần một tháng nữa là thu hoạch bỗng mất sạch, xót như bị xát muối. Ruộng lúa cho các hộ thả vịt vào ăn cũng bị chê vì hạt lúa bị mặn, chỉ còn nước đốt bỏ". Ông Lê Văn Xắn ở ấp Bến Cộ, kể: "Lúa ở vùng này chỉ làm được 2 vụ/năm là vụ đông-xuân và hè-thu. Vụ đông-xuân năng suất thường cao hơn được nông dân coi là vụ chính. Tôi có 4 hécta lúa, vụ trước không bị mặn thu trên 4 tấn/hécta, lời 14 triệu đồng/hécta. Song vụ này bị nhiễm mặn quá nặng, đã không thu được đồng nào còn mất thêm hơn 10 triệu đồng/hécta tiền giống, phân bón, công thợ".
Ngoài Đại Phước bị thiệt hại nặng, nhiều nông dân trồng lúa ở Phú Đông và một số xã khác cũng chịu thiệt hại vì nhiễm mặn. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch MTTQ xã, cho biết: "Phú Đông có hơn 20 hécta lúa ở ấp Bến Ngự và Giồng Ông Đông bị ảnh hưởng của nhiễm mặn làm một số mất trắng còn lại giảm năng suất khoảng 40%. Đây là lần đầu tiên nông dân trong xã thiệt hại do nhiễm mặn nhiều như vậy".
* Còn đe dọa vụ sau
Điều làm cho nhiều nông dân lo hơn là ruộng bị nhiễm mặn rất khó cải tạo lại như ban đầu và nguy cơ sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của vụ hè-thu tới. Ông Trần Văn Lợi ở ấp Bến Cộ, xã Đại Phước, nhận định: "Đất trồng lúa bị chua phèn còn dễ trị hơn bị nhiễm mặn. Vùng này quá trũng nên không thể chuyển qua cây trồng cạn đành phải gắn bó với cây lúa. Tôi đang lo mặn đã ngấm sâu vào đất, vụ tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa".
Theo Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Đồng Nai, khoảng 5 năm lại đây độ mặn trên sông Đồng Nai đoạn qua Nhơn Trạch vào mùa khô thường gia tăng. Nếu năm 2009 độ mặn đo được tại xã Long Tân chỉ gần 1.700 mg/l thì mùa khô năm 2011 có lúc tăng lên trên 3.400 mg/l. Mặn lấn sâu vào đất liền gây mất mùa là thực trạng đang diễn ra không chỉ riêng Đồng Nai mà Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa tìm cách khắc phục hiệu quả. |
Lo lắng của ông Lợi cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ trồng lúa ở Đại Phước và Phú Đông đang bị ảnh hưởng do mặn. Ông Nguyễn Văn Tố, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Phước, cho hay: "Đầu vụ nghe huyện dự báo vụ đông-xuân này sẽ có triều cường và nhiễm mặn hơn nhiều so với những năm trước, xã có vận động bà con sử dụng các giống lúa ngắn ngày chịu được mặn, song không ngờ nhiễm mặn lại quá nặng gây tổn thất lớn cho nhiều nông dân. Với những diện tích bị nhiễm mặn nặng, xã vận động nông dân vào vụ hè-thu tới nên phơi ruộng đợi vài cơn mưa lớn rửa bớt mặn mới gieo sạ để hạn chế bớt thiệt hại".
Hương Giang