Có thể nói, năm nay hồ tiêu đặc biệt trúng mùa. Thời gian qua, giá tiêu liên tục tăng, nhất là trong tháng 4, giá tiêu càng "nóng". Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá tiêu đen nội địa, loại thấp nhất hiện cũng lên hơn 120 ngàn đồng/kg. Tiêu trắng từ 160 ngàn đồng/kg cuối tháng 3 rồi cũng đã tăng lên trên 200 ngàn đồng/kg. Nhưng có một nghịch lý là ở Bình Dương hiện nay, khi giá thu mua tiêu và điều lên cao thì sản lượng thu mua lại giảm đáng kể.
Có thể nói, năm nay hồ tiêu đặc biệt trúng mùa. Thời gian qua, giá tiêu liên tục tăng, nhất là trong tháng 4, giá tiêu càng "nóng". Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt
* Trồng rồi chặt
Xã An Bình, huyện Phú Giáo một thời được xem là thủ phủ của cây tiêu ở tỉnh Bình Dương. Thế nhưng, hiện nay đi dọc các con đường, ngõ hẻm của vùng này, dễ dàng thấy những cọc tiêu trơ trọi. Cán bộ nông nghiệp của xã này cho biết, liên tục 3 năm gần đây, do giá cả không ổn định, sâu bệnh tấn công, nhiều nông dân đã phá bỏ cây tiêu làm diện tích giảm đáng kể. Ông Nguyễn Minh Chiến, Phó chủ tịch UBND xã An Bình, nói: "Đầu những năm 2000 là thời vàng son của cây tiêu trên đất Phú Giáo nói chung, đặc biệt là xã An Bình. Lúc đó, nhờ có giá cao, thời gian thu hoạch nhanh nên cây tiêu được nhiều bà con đầu tư, vay vốn ngân hàng để trồng. Nhưng từ năm 2008 trở lại đây, trung bình mỗi năm tiêu giảm gần 100 hécta. Hầu hết bà con đã chặt bỏ tiêu để trồng cao su".
Giá cả tiêu không phải là lý do chính để người dân chặt bỏ loại cây này sau khi bỏ tiền đầu tư lớn. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng diện tích tiêu giảm đáng kể là do bệnh vàng lá chết nhanh hoành hành trong những năm qua. Trong khi đó, sự hấp dẫn vì hiệu quả kinh tế của cao su cũng kích thích nhiều nông dân chọn lựa việc chặt bỏ tiêu để đầu tư cho cây cao su.
Hiện chưa thể thống kê được diện tích tiêu bị chặt bỏ để trồng cao su trên toàn tỉnh Bình Dương, bởi cứ sau một vụ con số này lại tăng lên một ít. Vụ mùa năm nay khi giá tiêu và điều lên cao, nhiều bà con lại không có sản phẩm để bán. Chị Lê Thị Thúy, thương lái thu mua tiêu tại huyện Phú Giáo, cho biết: "Liên tục những năm gần đây, trung bình năm sau sản lượng thu mua tiêu của tôi giảm còn bằng 1/3 - 1/4 so với năm trước".
* Chặt rồi lại trồng
Bắt đầu trồng tiêu từ năm 1997, đến năm 2002, tổng diện tích đất trồng tiêu của chị Nguyễn Thị Ngọc ngụ tại ấp Vĩnh Tiến, xã An Bình, huyện Phú Giáo tăng lên đến 8 sào. Chị cho biết những năm ấy cây tiêu là loại cây trồng có lời vì nhanh cho thu hoạch, được giá nên nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Thế nhưng từ 2005 trở lại đây, cây tiêu bị chết đồng loạt vì nấm bệnh. Cũng như nhiều hộ trong vùng, chị bắt đầu chuyển sang trồng cao su. Theo chị, cây cao su có hiệu quả kinh tế không cao bằng tiêu nhưng cho thu hoạch dài hạn hơn và ít sâu bệnh hơn. Hiện trong vườn nhà chị chỉ còn khoảng 2 sào tiêu. Năm nay khi giá tiêu lên cao, chị không khỏi tiếc rẻ.... Giờ đây chị quyết định sẽ trồng tiêu trở lại vì chị cho rằng giá tiêu sẽ còn tăng cao trong những năm tới. Chị cho biết: "Hầu hết diện tích đất đều đã trồng cao su rồi, giờ tôi chỉ trồng xen cây tiêu ở đường điện cao thế mà thôi".
Thực trạng chặt - trồng, trồng - chặt của người nông dân lại diễn ra lần nữa: Khi nông sản có giá thì nông dân đua nhau trồng, đến khi bị sâu bệnh hoặc giá cả bấp bênh lại bị chặt bỏ hàng loạt để chạy theo một loại cây trồng khác. Với giá điều, tiêu tăng cao như hiện nay, liệu thời gian tới bà con có quay lại trồng điều, tiêu nữa hay không? Bài học từ cà phê, nhãn mười năm trước từng làm không ít hộ dân rơi vào cảnh nợ nần còn đó. Và vấn đề quy hoạch, định hướng, tăng cường công tác khuyến cáo để điệp khúc trồng - chặt, chặt - trồng không diễn ra một cách ồ ạt, phong trào như thời gian qua lại đang được đặt ra.
Đan Châu