Ngay cửa hàng vật liệu xây dựng gần trụ sở UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) có treo một biển nhỏ "nhận đào giếng". Anh Mạnh, chủ cửa hàng tận tình cho chúng tôi số điện thoại của anh Năm Ép - một thợ đào giếng chuyên nghiệp.
Ngay cửa hàng vật liệu xây dựng gần trụ sở UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) có treo một biển nhỏ "nhận đào giếng". Anh Mạnh, chủ cửa hàng tận tình cho chúng tôi số điện thoại của anh Năm Ép - một thợ đào giếng chuyên nghiệp.
"Tên cúng cơm của tôi là Tăng Thanh Tâm, nhưng ít ai biết tên thiệt lắm, toàn gọi là Năm Ép. Mùa nắng tôi đi đào giếng, hầu hết các giếng từ Bình Hòa xuống Bửu Long. Hết mùa đào giếng thì đi phụ hồ, tối về phụ vợ con bán hàng nước ở công viên dọc bờ sông" - anh Năm Ép (khu phố 4, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) kể trong lúc sửa soạn dụng cụ, chờ chủ nhà bày lễ cúng trước khi động thổ.
Anh Năm Ép (người mặc áo) đang đào giếng cho một hộ dân ở xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Nguyễn |
Nhóm anh Năm Ép chuyên đào giếng bằng tay, không có máy móc hỗ trợ nên dụng cụ mang theo khá đơn giản: một cái cuốc nhỏ, xà beng, thùng nhỏ và sợi dây thừng để chuyển đất. "Cứ thay phiên nhau, một người ở dưới đào, một người ở trên có nhiệm vụ chuyển đất lên. Tiền công được tính theo mét, tùy nền đất mềm hay cứng có giá dao động từ 200-250 ngàn đồng/m. Khu vực đất mềm, gần sông chỉ cần đào 5-6m là có nước, những khu đất cao, đất gò đào đến 9-10m. Thông thường, một cái giếng 2 người đào mất 3-4 ngày công, tính ra trung bình tiền công 150-200 đồng/ngày" - anh Năm Ép cho biết.
Anh Năm Ép từng là tài xế lái máy cày, chạy công cho các mỏ đá. "Thời buổi khó khăn, tôi bán xe rồi thất nghiệp, đi phụ hồ. Lúc rảnh rỗi, bạn bè rủ đi đào giếng, trước làm thợ phụ, sau tách ra làm riêng. Nghề đào giếng chỉ làm được mùa nắng, từ trước tết cho đến tầm tháng 6 thì ngưng, coi như nửa năm làm nửa năm ăn. Như thời điểm này đang vô mùa, nước cạn nên nhà dân ở quê có nhu cầu đào giếng, vét giếng nhiều, cực nhọc nhưng mình tranh thủ làm, chi tiêu tằn tiện dành cho những tháng mưa. Hết mùa đào giếng, tôi đi phụ hồ, tiền công cỡ 120 ngàn đồng/ngày. Tôi năm nay 51 tuổi rồi, ráng làm thêm vài năm nữa để nuôi 2 đứa con đang học đại học" - anh Năm Ép kể. Anh cũng cho biết, vợ chồng anh chịu vất vả để lo cái ăn, cái mặc, chi tiêu hàng ngày, còn học phí cho hai cô con gái đang học đại học thì vay từ ngân hàng chính sách.
Bùi Nguyễn
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 2,98%
Theo báo cáo của Sở Công thương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Đồng Nai tháng 4-2011 so với tháng 3-2011 đã tăng 2,98%. Đây là tháng có CPI tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, các tháng 1, 2, 3 lần lượt có mức tăng là 1,38%; 1,78% và 2,44%. Nguyên nhân CPI tháng 4 tăng cao là do giá xăng, dầu, điện, gas được điều chỉnh tăng đã tác động tới các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng như: giao thông, dịch vụ ăn uống, du lịch. Trong tháng 4-2011, có 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so tháng trước, trong đó có 2 nhóm tăng cao hơn bình quân chung là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,4% (lương thực tăng 2,3%; thực phẩm tăng 5,8%; ăn uống ngoài gia đình 2,25%); nhóm giao thông tăng 6,04%. Các nhóm còn lại có mức tăng từ 0,16% (nhóm dịch vụ giáo dục) đến 2% (nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, VLXD). Riêng nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,1% chủ yếu do khuyến mại, giảm giá.
Được biết, CPI tháng 4-2011 so với tháng 4-2010 (tốc độ tăng giá sau 1 năm) đã tăng 15,08% và CPI tháng 4-2011 so với tháng 12-2010 (tốc độ tăng giá 4 tháng đầu 2011) đã tăng 8,85%.
V.L