Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Phú phát triển cây tiêu theo hướng bền vững

09:04, 27/04/2011

Năm 2008, do ảnh hưởng của dịch chết nhanh, chết chậm đã làm diện tích tiêu ở huyện Tân Phú giảm xuống rất nhanh. Từ năm 2009, khi đưa cây tiêu vào dự án cây trồng chủ lực và tập trung đầu tư, tập huấn cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh theo hướng bền vững, cây tiêu đã bắt đầu phát triển trở lại...

Năm 2008, do ảnh hưởng của dịch chết nhanh, chết chậm đã làm diện tích tiêu ở huyện Tân Phú giảm xuống rất nhanh. Từ năm 2009, khi đưa cây tiêu vào dự án cây trồng chủ lực và tập trung đầu tư, tập huấn cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh theo hướng bền vững, cây tiêu đã bắt đầu phát triển trở lại...

 

* Cây tiêu sẽ không... tiêu!

 

Hồ tiêu hiện là một trong 6 loại cây trồng chủ lực của Tân Phú, tập trung ở xã Tà Lài, Phú Thịnh, Phú Lập, Núi Tượng, Trà Cổ và Phú Thanh. Trước đó vài năm, do dịch chết nhanh, chết chậm hoành hành khiến nhiều bà con nông dân trồng tiêu đã bị thất bát. Để tháo gỡ những khó khăn và đưa cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực, năm 2009 huyện đã quy hoạch diện tích hồ tiêu tập trung và không ngừng tập huấn cho nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, từ đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Phạm Hữu Khiêm ở ấp 5, xã Phú Lập, một trong những người có thâm niên trồng tiêu, cho biết: "Tôi trồng tiêu đã mấy chục năm nay, có nghiên cứu và tìm tòi rất kỹ. So với các loại cây khác ở Tân Phú như: cà phê, điều, sầu riêng... thì cây tiêu có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Năm 2010, nhờ Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật thâm canh mới trên gần 2 hécta tiêu, đồng thời tôi được hỗ trợ để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm nên năng suất cao hơn những năm trước. Hiện tôi đang thu hoạch ước đạt khoảng 6 - 7 tấn/hécta. Đặc biệt là đã hạn chế được dịch bệnh chết nhanh, chết chậm".

Nông dân xã Phú Lập, huyện Tân Phú đang thu hoạch tiêu.

Cũng giống như ông Khiêm, ông Nguyễn Văn Ước ở ấp 2, xã Tà Lài được Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện hỗ trợ để triển khai mô hình phòng chống dịch hại trên cây tiêu (IPC) cho 5 sào tiêu. Trước đây năng suất tiêu của ông Ước chỉ đạt 3 - 4 tấn/hécta nhưng năm nay sau khi triển khai mô hình này năng suất ước đạt 5 tấn/hécta. "Lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm tôi thấy rất hiệu quả, chi phí thấp, vườn tiêu lại sạch ít cỏ dại. Nhờ cung cấp đủ lượng nước nên cây tiêu luôn xanh tốt và hạn chế được dịch chết nhanh, chết chậm. Thâm canh theo phương pháp này chủ yếu là sử dụng phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, hạn chế tối đa phân hóa học và phun thuốc phải đúng thời kỳ, không phun tràn lan" - ông Ước nói.

 

Nhiều mô hình sản xuất tiêu ở Tân Phú đạt hiệu quả đã được chọn làm mô hình điểm để trình diễn, tổ chức cho bà con nông dân trong huyện tham quan. Từ đó những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật để chăm sóc cây tiêu đạt chất lượng cao đã được nhiều nông dân chia sẻ với nhau và mô hình ngày càng nhân rộng. Với giá tiêu nằm ở mức từ 100 - 125 ngàn đồng/kg như hiện nay, nhiều nông dân trồng tiêu ở Tân Phú đã thu lãi hàng trăm triệu đồng/hécta, cá biệt có nhiều hộ nông dân trồng tiêu với diện tích 3 - 4 hécta thu về cả tỷ đồng.

 

* Hướng đến mục tiêu chất lượng và bền vững

 

Cây tiêu được đánh giá là một trong những cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt tiêu ở Tân Phú cho năng suất và chất lượng khá cao. Nắm bắt được điều này, huyện đã chú trọng đầu tư, hỗ trợ cho nông dân xây dựng vùng chuyên canh tập trung để khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế từ loại cây trồng này. Năm 2010, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật liên huyện Tân Phú - Định Quán và Trạm khuyến nông triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây tiêu (còn gọi là mô hình IPC) cho khoảng 30 hộ tại các xã: Phú Lập, Núi Tượng, Tà Lài với diện tích 25 hécta. Tuy dự án mới triển khai được khoảng 1 năm nhưng đã giúp bà con nông dân ngăn ngừa được dịch bệnh trên cây tiêu và năng suất nâng lên rõ rệt. Năm 2011, Phòng NN-PTNT huyện tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho các hộ đã triển khai theo mô hình IPC, đồng thời mở rộng thêm cho khoảng 20 hécta ở các xã Phú Thịnh, Trà Cổ, Phú Thanh.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng NN -PTNT huyện, cho biết: "Xác định cây tiêu là cây trồng chủ lực nên ngoài việc đầu tư, hỗ trợ cho nông dân triển khai mô hình IPC, tới đây chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật trồng tiêu để bà con nắm bắt và sản xuất có hiệu quả. Để phát triển bền vững cây tiêu thì nông dân phải hiểu và nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như cách phòng trị bệnh, phải ứng dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào thâm canh để không chỉ giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất mà hạt tiêu còn phải đạt chất lượng và an toàn".

 

Qua mô hình IPC nhằm phòng dịch bệnh tổng hợp trên cây tiêu cho thấy đã mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là cơ hội để nông dân Tân Phú phát huy được thế mạnh của địa phương, vươn lên làm giàu, góp phần đưa nền nông nghiệp ở huyện Tân Phú phát triển bền vững.

Minh Long

 

 

Tin xem nhiều