Thời gian gần đây, với những chính sách và bước đi hợp lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và cuộc sống của nông dân ở huyện miền núi Xuân Lộc đã có nhiều đổi thay. Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để huyện Xuân Lộc tiếp tục thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh...
Thời gian gần đây, với những chính sách và bước đi hợp lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và cuộc sống của nông dân ở huyện miền núi Xuân Lộc đã có nhiều đổi thay. Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để huyện Xuân Lộc tiếp tục thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh...
* Từ những đổi thay ở 2 xã điểm...
Ngay từ đầu, để tạo đà cho chương trình xây dựng nông thôn mới (XD.NTM) trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo của tỉnh và huyện đã chọn 2 xã Xuân Phú, Xuân Định làm điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo XD.NTM của huyện cho biết, đây là 2 địa phương có nhiều thuận lợi, như: hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ cơ sở năng động, sáng tạo và có nhiều mô hình kinh tế phát triển hiệu quả...
Ngày nay, khi nói đến Xuân Định là nói đến vùng kinh tế trọng điểm về cây công nghiệp, cây ăn trái của huyện, trong đó có những cây có giá trị kinh tế cao như: cao su, sầu riêng, chôm chôm, mít Thái Lan... Đặc biệt, để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, cung ứng theo yêu cầu thị trường, trong 2 năm thực hiện XD.NTM, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi từ các giống cũ sang trồng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, với tỷ lệ chiếm trên 80%, giá trị kinh tế bình quân từ 100 - 250 triệu đồng/hécta. Ngoài ra, ở xã Xuân Định, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) cũng đang phát triển khá mạnh. Phần lớn các hộ dân dọc 2 bên các tuyến GTNT đều tự nguyện hiến đất, hoặc tự tháo gỡ, chặt bỏ những cây trồng, vật kiến trúc mà không đòi bất cứ một khoản bồi thường nào. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm thực hiện chương trình XD.NTM, toàn xã đã nhựa hóa và bê tông hóa gần 26km đường với tổng kinh phí đầu tư gần 12,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp từ 50 - 100% kinh phí, cùng hàng chục ngàn ngày công lao động, nâng tỷ lệ đường giao thông được "cứng hóa" đạt gần 100%...
Riêng xã Xuân Phú, do đặc thù là một vùng nông nghiệp sản xuất cây ngắn ngày, đời sống đại đa số người dân còn rất khó khăn, số hộ nghèo cao, nên khi bắt tay vào XD.NTM, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát củng cố lại hoạt động các tổ chức hội theo phương châm "việc gì có lợi cho dân thì làm" nhằm thu hút người dân cùng nhau tham gia. Thành công nổi bật nhất của xã trong 2 năm qua chính là việc hình thành và phát triển 26 câu lạc bộ năng suất cao (CLB.NSC), xây dựng 1 liên hiệp CLB NSC và 3 hợp tác xã, thu hút gần 1.200 hội viên tham gia. Chính các mô hình này đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân và hội viên tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất và nhất là đã cơ giới hóa đạt từ 80-100% tùy theo từng công đoạn trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình: 2 lúa - 1 bắp, hoặc 1 lúa - 1 bắp - 1 vụ màu... đạt giá trị kinh tế trên 100 triệu đồng/hécta, ở xã Xuân Phú còn xuất hiện các vùng trồng rau sạch, rau an toàn do nông dân thực hiện với mức thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/hécta...
Nhờ kinh tế phát triển, 2 xã điểm XD.NTM của huyện đã có điều kiện đầu tư cho giáo dục, xây dựng nhà văn hóa và nhiều công trình phục vụ dân sinh. Tính đến cuối năm 2010, cả hai xã nói trên đều được tỉnh xét công nhận hoàn thành 31/31 tiêu chí "nông thôn mới" theo quyết định 74/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
* ... Đến mục tiêu năm 2015...
Tiếp nối những thành công nói trên, Ban chỉ đạo chương trình XD.NTM huyện Xuân Lộc đề ra mục tiêu đến cuối năm 2013, phấn đấu xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM là Bảo Hòa, Xuân Thọ, Suối Cao; đồng thời phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có từ 70-80% số xã đạt chuẩn NTM theo 31 tiêu chí của tỉnh. Nói về kế hoạch XD.NTM trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Trần Anh Tuấn cho biết, huyện đã triển khai tổ chức thực hiện 14 nhóm giải pháp theo đề án XD.NTM của tỉnh và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Huyện ủy, đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cụ thể, huyện sẽ tập trung điều chỉnh các tiểu vùng sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng để đưa cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trong đó, sẽ hình thành các vùng chuyên canh xoài, sầu riêng, hồ tiêu tại các xã: Suối Cao, Xuân Định, Bảo Hòa, Xuân Thọ..; hình thành vùng trồng 2 lúa - 1 bắp hoặc 2 bắp -1 lúa trên diện tích 1 ngàn hécta tại các xã: Xuân Phú, Lang Minh, Suối Cát. Riêng các vùng đất trắng, bạc màu, huyện quy hoạch trồng điều cao sản, mì, rau sạch, thanh long...
Đặc biệt, để phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện hoàn thành cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia của Chính Phủ, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình CLB.NSC, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện mô hình liên kết 4 nhà "Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp". Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp (như dự án khu liên hiệp công nghiệp Donataba, dự án Agroland); xây dựng hồ chứa nước Gia Măng phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta cây trồng tại 3 xã Suối Cát, Lang Minh, Xuân Hiệp. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn đạt từ 8 - 10 ngàn lao động/năm; huy động mọi nguồn lực thực hiện các công trình: trạm xá, trường học, nhà văn hóa... để phục vụ dân sinh.
Thanh Cường